Nghị quyết số 39-NQ/TW ban hành ngày 17 tháng 4 năm 2015 về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của Bộ Chính trị (Nghị quyết 39-NQ/TW) đã triển khai thực hiện được hơn 2 năm. Bối cảnh ra đời của Nghị quyết 39-NQ/TW cũng rất thực tế bởi “hiệu quả công tác tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế; tổng số biên chế có xu hướng tăng lên, nhất là trong khu vực sự nghiệp công lập và cán bộ, công chức cấp xã”.
Chia sẻ về bộ máy nhà nước và tình hình CBCCVC, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã đưa ra một so sánh khá sinh động: Bộ máy nhà nước của chúng ta hiện nay có khoảng 2,8 triệu CBCCVC. Nếu cộng cả đối tượng nghỉ hưu, các đối tượng khác hưởng lương, trợ cấp từ ngân sách nhà nước, con số này lên tới 7,5 triệu người, chiếm 8,3% dân số cả nước. Còn nếu cộng toàn bộ số người hưởng lương và mang tính chất lương thì con số này lên tới 11 triệu người.
Trong khi đó, nước Mỹ có dân số gần gấp 4 lần Việt Nam, nhưng đội ngũ công chức của họ chỉ có 2,1 triệu; Trung Quốc thì đội ngũ công chức của họ cũng chỉ chiếm 2,8% dân số. Tính ra, trung bình cứ 160 người dân Mỹ chỉ nuôi một công chức, trong khi đó 40 người dân Việt Nam phải nuôi một công chức. |
Nghị quyết 39-NQ/TW đặt ra mục tiêu khá khiêm tốn: Từng cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập phải xây dựng kế hoạch tinh giản biên chế trong 7 năm (2015-2021), phải xác định tỷ lệ tinh giản biên chế đến năm 2021 tối thiểu là 10% biên chế của địa phương, đơn vị mình. Đối với đơn vị sự nghiệp công lập có nguồn thu sự nghiệp, khuyến khích đẩy mạnh chuyển đổi thêm 10% số lượng viên chức sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm và xã hội hóa, thay thế nguồn trả lương từ ngân sách nhà nước bằng việc trả lương từ nguồn thu sự nghiệp. Thế nhưng, ngay cả nhiệm vụ khiêm tốn ấy cũng có vẻ khó thực hiện.
Mới đây, Quốc hội đã tiến hành giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách bộ máy hành chính tại một số địa phương, bộ, ngành trong cả nước. Với kết quả thu được, bức tranh về tinh giản biên chế có vẻ như vẫn chưa có gì sáng sủa. Tính đến hết năm 2016, tổng số người làm việc vượt biên chế tại các tổng cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ là 3.137 người (vượt 3,5%), còn tại các cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ là 1.234 người (vượt 8,6%). Vẫn còn 7 bộ sử dụng quá số biên chế được giao ở các tổng cục; 14 bộ, cơ quan ngang bộ sử dụng quá số biên chế được giao ở các vụ, cục. 31/63 tỉnh, thành sử dụng vượt 6.376 biên chế tại các đơn vị hành chính thuộc cơ quan chuyên môn của UBND cấp tỉnh. Trong đó có nhiều tỉnh, thành phố vượt với tỷ lệ rất cao như T.P Hồ Chí Minh vượt 1.434/4.822, bằng 29,74%; Hải Phòng, Quảng Ninh đều vượt trên 19%, Khánh Hòa vượt tới 45,68% và Bạc Liêu đến 51,46%.
Trên địa bàn tỉnh, theo báo cáo của Sở Nội vụ, tính đến thời điểm tháng 7 năm nay, tỉnh đã trình và được Bộ Nội vụ phê duyệt tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP cho 270 trường hợp, trong đó có 75 cán bộ, công chức cấp xã. Việc tinh giản biên chế được triển khai nghiêm túc. Bên cạnh việc cắt giảm biên chế hành chính theo quy định, hàng năm tỉnh thực hiện tốt việc tinh giản biên chế. Trên cơ sở kế hoạch của tỉnh, các cơ quan, đơn vị đã xây dựng đề án tinh giản biên chế của cơ quan mình, trình UBND tỉnh phê duyệt và tổ chức thực hiện. Tuy không sử dụng vượt biên chế như một số tỉnh, thành phố, song thực chất, tổ chức bộ máy vẫn còn cồng kềnh, một số chức năng vẫn bị chồng chéo. Việc tinh giản biên chế tại một số cơ quan, đơn vị chưa thật sự quyết liệt, còn có biểu hiện nể nang, thiếu kiên quyết.
Khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW thì hầu như mọi cơ quan, đoàn thể từ Trung ương tới địa phương đều bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ việc tinh giản biên chế. Thế nhưng, khi Bộ Nội vụ trình dự thảo nghị định về sáp nhập một số cơ quan chuyên môn cấp tỉnh thì thậm chí nhiều bộ, ngành có ý kiến khác nhau, chưa thực sự ủng hộ chủ trương này với nhiều lý do.
Việc tinh giản biên chế dù được đề ra rất quyết liệt với rất nhiều giải pháp nhưng cho đến nay kết quả chưa được như mong muốn. Đây là việc khó vì động chạm tới lợi ích của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Điều này thể hiện rất rõ khi thời gian qua, đối tượng tinh giản biên chế chủ yếu tập trung vào nhóm người nghỉ hưu trước tuổi (khoảng 90%) và một số đối tượng khác mà chưa tập trung vào đúng đối tượng cần tinh giản (những người có đạo đức công vụ, năng lực yếu kém). Trong khi đó, hạn chế của công tác đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC), chậm được khắc phục; chưa xây dựng được cơ chế, chế tài gắn quyền hạn với trách nhiệm của người đứng đầu để buộc họ phải thực hiện mạnh mẽ việc tinh giản biên chế.
Thiết nghĩ, cùng với việc nhanh chóng khắc phục những hạn chế nêu trên, quá trình thực hiện tinh giản biên chế cần đặt trong mối quan hệ với cải cách thể chế, cải cách bộ máy hành chính nhà nước. Việc ban hành chính sách, pháp luật không được mang tính một chiều, áp đặt, mà cần đánh giá kỹ lưỡng, đầy đủ, phù hợp điều kiện thực tế từng bộ, ngành, địa phương, tránh tình trạng cào bằng biên chế, dẫn đến nơi thừa người thiếu việc, nơi thừa việc thiếu người. Những công việc không nên làm hoặc làm nhưng hiệu quả thấp thì nên xã hội hóa để tận dụng nguồn lực của toàn xã hội.