Thời gian gần đây trên một số trang mạng lan truyền thông tin cho rằng trầm tích sông Đồng Nai đoạn qua thành phố Biên Hòa (Đồng Nai) bị ô nhiễm dioxin. Thông tin trên gây hoang mang dư luận khi hàng triệu người dân Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai và các tỉnh lân cận đang sử dụng nguồn nước tại khu vực sông này.
Để làm rõ hơn về thông tin này, trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, đại diện tỉnh Đồng Nai khẳng định trầm tích sông Đồng Nai không bị ô nhiễm dioxin như thông tin lan truyền.
Ông Nguyễn Ngọc Thường, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai cho biết: Hàng năm, Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai đều thực hiện việc quan trắc các thành phần môi trường (nước mặt, trầm tích, nước dưới đất, không khí và đất) trên địa bàn Đồng Nai theo mạng lưới quan trắc môi trường đã được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt ngày 7/4/2016.
Cụ thể, trong giai đoạn 2016 – 2020 Sở thực hiện quan trắc chất lượng nước mặt tại 153 vị trí; quan trắc dòng chảy tại 20 vị trí; quan trắc trầm tích tại 45 vị trí; quan trắc nước dưới đất tại 105 công trình; quan trắc môi trường không khí tại 126 vị trí; quan trắc môi trường đất tại 91 vị trí.
Năm 2016, Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai thực hiện quan trắc trầm tích tại các vị trí trên sông Đồng Nai theo quyết định của UBND tỉnh Đồng Nai.
Việc phân tích lấy mẫu các trầm tích đáy sông được Trung tâm Quan trắc và Kỹ thuật Môi trường Đồng Nai phối hợp với Trung tâm Quan trắc Môi trường (Tổng Cục Môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường); Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội); Trung tâm phân tích – Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt và Trung tâm Môi trường sinh thái ứng dụng, cùng thực hiện. Việc quan trắc trên được thực hiện theo quy chuẩn quốc gia về chất lượng trầm tích, trong đó phân tích 19 thông số, bao gồm cả thông số dioxin/furan.
Kết quả phân tích hàm lượng dioxin trong lõi trầm tích tại 7 vị trí trên sông Đồng Nai (tại các điểm Nhà máy nước Thiện Tân, bến đò Biên Hòa – Bửu Long, cầu Hóa An, nhà máy nước Biên Hòa, cù lao Cỏ, cù lao Hiệp Hòa, cù lao Ba xê) cho thấy có phát hiện sự hiện diện của dioxin/furan với hàm lượng rất thấp. Cụ thể, hàm lượng dioxin/furan phát hiện dao động từ 1,2 đến 3,7 ppt. Hàm lượng này thấp hơn rất nhiều lần so với ngưỡng giới hạn cho phép theo quy chuẩn Việt Nam là 21,5 ppt.
Với các kết quả phân tích như trên, ông Nguyễn Ngọc Thường khẳng định không thể nói trầm tích sông Đồng Nai tại các khu vực này bị ô nhiễm dioxin như thông tin đã lan truyền.
Ông Nguyễn Ngọc Thường cũng cho biết, việc tích tụ hàm lượng dioxin/furan trong trầm tích tại các khu vực này có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó không loại trừ nguyên nhân xuất phát từ việc phun rải hóa chất trừ cỏ do quân đội Mỹ thực hiện trong chiến tranh. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa được chứng minh rõ ràng.
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai cho biết, để theo dõi, giám sát chất lượng nước mặt sông Đồng Nai đoạn chảy qua các khu vực lấy nước thô cung cấp cho nhà máy nước sinh hoạt, tỉnh Đồng Nai đã xây dựng mạng lưới quan trắc chất lượng nước mặt. Theo đó, tần suất quan trắc là 2 tháng/lần với tất cả 28 thông số theo quy chuẩn nước mặt; đồng thời đầu tư lắp đặt các trạm quan trắc nước mặt tự động tại các vị trí gồm: Xí nghiệp nước Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu; Nhà máy đường Biên Hòa – Trị An huyện Vĩnh Cửu; Nhà máy nước Thiện Tân huyện Vĩnh Cửu và Nhà máy nước Biên Hòa để theo dõi diễn biến chất lượng nước 24/24.
Ngoài ra, tại khu vực bơm nước thô, các nhà máy xử lý cấp nước của Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Nai đều thực hiện lấy mẫu liên tục, thường xuyên kiểm tra chất lượng nước thô và nước sau xử lý đảm bảo an toàn chất lượng nước cấp sinh hoạt cho người dân.
Ông Thường khẳng định chất lượng nước thô cấp cho các nhà máy nước sinh hoạt tại các khu vực này đều ổn định và nước sau xử lý đạt tiêu chuẩn cấp nước theo quy định./.