Mặc dù một số chợ tại các xã, phường trên địa bàn T.P Sông Công đã được đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu kinh doanh của người dân nhưng hiện nay, nhiều “chợ cóc” tại các ngã ba đường, nơi tập trung đông dân cư vẫn diễn ra các hoạt động mua, bán nhộn nhịp. Tình trạng này không chỉ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông mà còn ảnh hưởng đến trật tự mỹ quan đô thị, vệ sinh môi trường...
Tại cổng Chi nhánh May TNG Sông Công (phường Bách Quang), chúng tôi thấy người mua, người bán nhộn nhịp ở "chợ cóc" với đa dạng mặt hàng, từ các loại thực phẩm tươi sống đến hàng may mặc, đồ khô và thậm chí cả các đồ dùng sinh hoạt cũ, hỏng cũng được bày bán. Đặc biệt, vào buổi sáng sớm hay giờ tan ca của công nhân thì các mặt hàng này được bày bán la liệt ngay trước cổng ra vào của Công ty hay trên vỉa hè, dưới lòng đường khiến giao thông bị ảnh hưởng. Chia sẻ với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Mai ở phường Bách Quang cho biết: Vì chưa có điều kiện mở một cửa hàng để kinh doanh nên gần 1 năm nay, vào buổi sáng tôi thường đến cổng Chi nhánh May TNG để bán các đồ ăn sáng như xôi, bánh, còn buổi chiều thì bán một số đồ ăn vặt như xúc xích, chè, tào phớ… Những mặt hàng này thu hút khách hàng chủ yếu là công nhân, nếu cứ bán ở trong ngõ xóm thì ít người mua. Dù biết bán hàng ở đây là vi phạm nhưng cứ một vài người bán được thì người dân lại bảo nhau mang hàng hóa ra đây tập trung thành một phiên chợ nhỏ.
Tương tự, khu vực cổng Công ty TNHH ShinWon (phường Cải Đan), tình trạng này cũng diễn ra “nhộn nhịp” không kém. Không chỉ dựng tạm chòi trong khu đất gần đó mà vỉa hè hay lòng đường cũng được người dân bày bán các loại mặt hàng. Bởi thế, vào giờ tan ca, cổng Công ty trở nên rất lộn xộn, đông đúc khiến cho việc đi lại của công nhân và những người dân xung quanh gặp khó. Nguy hiểm hơn, khi đang lưu thông trên đường, nhiều người tham gia giao thông còn dừng đột ngột để mua hàng khiến những người đi phía sau rất dễ gặp tai nạn nếu không chú ý quan sát. Chị Nguyễn Thị Hoa, người dân sống gần đây bức xúc: Sau mỗi buổi họp chợ, người bán hàng chỉ dọn dẹp qua loa, rác thải vẫn vương vãi khắp nơi khiến môi trường xung quanh bị ảnh hưởng. Tại đây cũng đã xảy ra nhiều vụ va quệt giao thông vì đường đông đúc lại nhiều quán xá.
Không chỉ ở các phường trung tâm, thực trạng này còn đang diễn ra tại khu vực ngã ba xóm Chùa, xóm Đớ hay trước cổng Trường Mầm non xã Bá Xuyên. Mặc dù đã có quy hoạch chợ Bá Xuyên từ hơn 1 năm nay, nhưng người dân vẫn tiếp tục họp chợ tại các ngã ba đường. Ông Đồng Văn Phong, Chủ tịch UBND xã Bá Xuyên cho biết: Tình trạng họp chợ tràn lan tại cổng Trường Mầm non xã Bá Xuyên diễn ra nhiều năm nay nhưng không thể xử lý dứt điểm vì khi “chợ cóc” này được lực lượng chức năng dẹp thì người dân lại bảo nhau họp chợ ở những điểm khác. Sắp tới, trẻ bắt đầu đến trường học trở lại, khu vực này sẽ trở nên đông đúc và nguy cơ mất an toàn hành lang giao thông là rất cao.
Hiện nay, trên địa bàn T.P Sông Công có trên 50 “chợ cóc” đang hoạt động, tập trung chủ yếu tại cổng các công ty, doanh nghiệp hay ở những nơi có nhiều người qua lại. Sở dĩ, có nhiều “chợ cóc” mọc lên như vậy là do thói quen tiện ở đâu là mua bán ở đó của một bộ phận dân cư. Cùng với đó, tại các chợ này có đầy đủ các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống hằng ngày của người dân, trong khi giờ giấc họp chợ lại rất linh hoạt, người bán hàng không phải chịu lệ phí chợ, người mua lại thuận tiện dễ dàng mua hàng mà không cần gửi xe…
Tuy nhiên thực tế cho thấy, hàng hóa được bày bán tại đây tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Bởi các loại thực phẩm dù sống hay chín đều được bày bán ngay tại mặt đường mà không có đồ dùng, dụng cụ bảo vệ. Nhiều loại thực phẩm ăn nhanh như bánh mì, xôi, chè, nước giải khát còn được bày bán ngay cạnh các cống rãnh thoát nước thải sinh hoạt. Đó là chưa kể đến việc, sau mỗi buổi họp chợ, rác thải trực tiếp xả ra môi trường hay các hàng quán được dựng tạm bợ, nhếch nhác gây mất mỹ quan.
Ông Ngọc Kiên Định, Trưởng Ban Quản lý Trật tự xây dựng và Giao thông đô thị T.P Sông Công cho biết: Tình trạng họp chợ tự phát trên địa bàn thành phố diễn ra khá phổ biến. Từ đầu năm đến nay, Ban Quản lý trật tự xây dựng và Giao thông đô thị thành phố đã nhắc nhở, xử phạt trên 400 trường hợp vi phạm. Thành phố cũng đã tăng cường các biện pháp kiểm tra, nhắc nhở, xử lý, thậm chí là áp dụng các biện pháp cưỡng chế nhưng vẫn không thể xử lý dứt điểm. Bởi khi có lực lượng chức năng thì người dân nghiêm túc chấp hành nhưng xe trật tự vừa rời khỏi, hoạt động mua, bán lại tiếp tục tái diễn. Để hạn chế tình trạng này, ngoài sự vào cuộc tích cực hơn nữa của các lực lượng chức năng trên địa bàn thì quan trọng hơn cả là mỗi người dân cần nâng cao ý thức chung.
Hiện nay, T.P Sông Công đang tiếp tục xây dựng 7 tuyến phố văn minh đô thị, thiết nghĩ thực trạng trên cần sớm được chấn chỉnh, giải quyết để tạo môi trường sống văn minh đô thị.