Ấm lòng từ một bếp ăn tình thương

08:08, 12/09/2017

Gần 5 năm nay, tại Bệnh viện Đa khoa huyện Đại Từ, có hàng chục nghìn suất cháo, suất cơm từ thiện từ mô hình “bếp ăn tình thương” được trao đến bệnh nhân nghèo... Với những người bệnh, đây không chỉ là một bữa ăn bình thường, mà còn là “liều thuốc" tinh thần giúp họ có thêm nghị lực để vượt qua bệnh tật.

5 giờ sáng, tại gia đình bà Lê Thị Thái, xóm Sơn Tập 3, thị trấn Hùng Sơn (nơi đặt nồi cháo tình thương), các thành viên đã mỗi người một việc, nhanh chóng để có nồi cháo thật ngon chuyển đến các bệnh nhân. Người lau dọn bàn ghế, người, người chuẩn bị dụng cụ để vận chuyển cháo… Điều đặc biệt, họ đều là những phật tử và đã cận cái tuổi “thất thập cổ lai hy”.

Bà Vũ Thị Thu, 66 tuổi, một trong những tình nguyện viên đã gắn bó lâu nhất với công việc này cho biết: Vào sáng thứ 5 hàng tuần, mọi người lại gọi nhau dậy sớm để nấu cháo cho bệnh nhân, mỗi lần nấu khoảng trên 200 suất. Để có được một nồi cháo ngon, đủ dinh dưỡng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm các thành viên luôn chuẩn bị nguyên liệu từ ngày hôm trước, trực tiếp lựa chọn thực phẩm tươi ngon, phân loại và chế biến. Bà kể, để nấu một nồi cháo, trung bình cần 4 kg gạo, 3 kg thịt, xương và rau, củ… Nhưng thường, các bà chỉ phải mua thịt, xương, còn gạo, rau, củ quả là do mọi người xung quanh ủng hộ.

Theo chân các thành viên đến khu “bếp ăn tình thương”, chúng tôi thấy mọi thứ được bố trí một cách khoa học…. Gian bếp, bên ngoài, để biển hiệu: “Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, vì mọi người, ở mọi nơi”, cạnh đó là tấm biển thư ngỏ, thư cảm ơn và bảng danh sách số tiền ủng hộ của tập thể, cá nhân. Bên trong, bàn ghế được lau dọn, xếp gọn thành 2 hàng; bảng nội quy, quy chế hoạt động được treo lên tường, tủ đựng sổ ghi cảm nhận của bếp ăn tình thương…

Bà Lương Thị Khang, 85 tuổi, quê ở xã Bình Thuận móm mém: “Những bát cháo không chỉ ấm áp tình thương mà còn giúp các gia đình người bệnh giảm một phần chi phí và điều đặc biệt hơn cả là chúng tôi thấy ấm lòng bởi tình người ở trong đó”.

Trên tay cầm phiếu màu hồng do Hội Chữ thập đỏ huyện cấp, không giấu nổi niềm vui, xúc động chị Hoàng Thúy Vọng, là hộ nghèo, xã La Bằng cho biết: Tôi sống một mình, lại đang điều trị bệnh viêm phổi nên cuộc sống rất khó khăn. Được ăn những suất cháo, cơm với những người cùng cảnh ngộ tại đây tôi thấy được an ủi phần nào.

Nhằm phát huy truyền thống nhân ái, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội vì cộng đồng, năm 2012, Hội Chữ thập đỏ Đại từ mà người khơi ý tưởng là chị Nguyễn Thị Hạnh, Chủ tịch Hội đã thành lập Bếp ăn tình thương. Theo đó, Bếp ăn tình thương hoạt động theo nội quy, quy chế rõ ràng. Bếp ăn hỗ trợ cháo, cơm miễn phí vào buổi sáng, buổi trưa thứ 5 hàng tuần cho các đối tượng là hộ nghèo, nạn nhân chất độc da cam, tai nạn rủi ro không có người thân, người già, trẻ em lang thang không nơi nương tựa. Kinh phí hoạt động là số tiền vận động được từ các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, tình nguyện viên trong và ngoài huyện. Từ khi thành lập đến nay, “Bếp ăn tình thương” đã hỗ trợ khoảng gần 4 nghìn suất cơm, gần 20 nghìn suất cháo miễn phí, mang đến cho hàng chục nghìn lượt bệnh nhân những bữa ăn giàu dinh dưỡng, ấm tình người, giúp họ và gia đình vơi bớt khó khăn.

Bác sĩ Đặng Thị Vân, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đại Từ cho biết: Hiện nay, Bệnh viện đang điều trị cho khoảng 300 lượt bệnh nhân, trong đó, bệnh nhân là các đối tượng hộ nghèo, da cam, tai nạn rủi ro không có người thân, người lang thang cơ nhỡ chiếm khoảng 15%. Những suất cơm, cháo mà đội tình nguyện viên của mô hình “Bếp ăn tình thương” mang tới, không chỉ cung cấp chất dinh dưỡng để tăng cường sức khỏe mà còn là món quà tinh thần ấm lòng những đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội”. Bệnh viện cũng luôn phối hợp tích cực với Hội Chữ thập đỏ huyện trong việc rà soát các đối tượng chính sách, cũng như tạo điều kiện về vật chất để các bệnh nhân được hưởng quyền lợi, yên tâm dưỡng bệnh.

Theo chị Nguyễn Thị Hạnh, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Đại Từ: Để có những suất ăn ngon, ngoài đảm bảo dinh dưỡng, vệ sinh, thì cần có cái tâm của người nấu. Bếp ăn luôn “giữ lửa”, duy trì đến nay chính là bởi tấm lòng của những tình nguyện viên trong Hội. Với phương châm là làm việc trên tinh thần tự nguyện phải giàu tình thương yêu, luôn sẵn sàng làm cầu nối lòng nhân ái, mỗi ngày hãy làm một việc thiện những tình nguyện viện của bếp ăn tình thương đã khơi dậy, lan tỏa đi những nét đẹp truyền thống “tương thân tương ái” trong cộng đồng…