Cần bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động

07:55, 24/09/2017

Cho rằng một số quyền lợi liên quan đến chế độ nghỉ chuẩn bị hưu của mình có dấu hiệu khuất tất, 67 quân nhân chuyên nghiệp từng công tác tại Nhà máy Z127 (thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng), nghỉ hưu từ năm 2007 đến năm 2011 đã làm đơn tố cáo gửi đến các cơ quan chức năng và phản ánh với báo chí.

Ông Nguyễn Hồng Phong, trú tại tổ 29, phường Quang Trung (T.P Thái Nguyên), một trong số những người làm đơn cho biết: Theo quy định của Bộ Quốc phòng thì quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) như chúng tôi trước khi nghỉ hưu chính thức sẽ được nghỉ chuẩn bị hưu.

Cụ thể, QNCN dưới 25 năm công tác được nghỉ chuẩn bị hưu 9 tháng, trên 25 năm công tác được nghỉ 12 tháng, trong thời gian nghỉ chuẩn bị hưu được hưởng đầy đủ chế độ như khi đang làm việc. Cùng thời điểm nghỉ hưu như tôi có 117 người khác, được Cục Tham mưu - Kế hoạch (Tổng cục Công nghiệp quốc phòng) ban hành Quyết định số 882/QĐ-TM ngày 4-3-2009, “Về việc thông báo nghỉ chuẩn bị hưu của QNCN, công nhân viên quốc phòng”. Tuy vậy, chúng tôi không được đơn vị thông báo về Quyết định này và các chế độ được hưởng khi nghỉ chuẩn bị hưu. Chúng tôi cũng không được công khai quy chế trả lương nghỉ chuẩn bị hưu của Nhà máy. Đến giữa năm 2016, chúng tôi mới vô tình được biết và làm đơn đề nghị cơ quan chức năng xác minh, giải quyết quyền lợi chính đáng của mình. Trong khi đó, 107 người khác nghỉ hưu giai đoạn 2007-2011 lại được thông báo Quyết định và hưởng chế độ nghỉ chuẩn bị hưu. Theo lý giải của nhiều người cùng đứng đơn như ông Nguyễn Hồng Phong, việc họ không được nghỉ chuẩn bị hưu dẫn đến những thiệt thòi lớn.

Ông Vũ Quang Hưng, hiện cư trú tại tổ 26, phường Quang Trung (T.P Thái Nguyên) cho hay: Trong thời gian đáng ra được nghỉ chuẩn bị hưu, chúng tôi vẫn phải đi làm bình thường mà thu nhập lại thấp hơn lương chuẩn bị hưu. Nguyên nhân là bởi Nhà máy đang gặp khó khăn, trả lương theo sản phẩm nên thu nhập thấp. Mặt khác, việc không được nghỉ chuẩn bị hưu ảnh hưởng đến thâm niên công tác của chúng tôi và lương hưu sau này. Như tôi, đáng ra theo Quyết định 882 thì được nghỉ chuẩn bị hưu từ tháng 3-2009 đến hết tháng 2-2010 mới nhận sổ hưu, nhưng phải đi làm đến hết tháng 8-2009 và nhận sổ hưu ngay.

Cũng về nội dung này, bà Nguyễn Thị Hương ở tổ 31, phường Quang Trung (T.P Thái Nguyên) cho biết: Thời gian đáng ra được nghỉ chuẩn bị hưu là 12 tháng, tôi vẫn phải đi làm 3 tháng và nhận sổ hưu ngay nên hụt 9 tháng thâm niên đóng bảo hiểm. Khi đó hưởng thu nhập theo sản phẩm, tôi làm 40 ngày công chỉ được 2 triệu đồng, trong khi lương nghỉ chuẩn bị hưu của tôi là khoảng 4,8 triệu đồng/tháng. Đơn vị chỉ trả cho chúng tôi 25% lương nghỉ chuẩn bị hưu và giải thích 75% còn lại do bảo hiểm chi trả bằng lương hưu…

Theo phản ánh của nhiều người, cuối tháng 10-2016, Nhà máy Z127 đã “tính toán lại các khoản tiền chênh lệch được hưởng trong thời gian nghỉ chờ hưu”. Theo đó, những người không được nghỉ chuẩn bị hưu giai đoạn 2007-2011 được Nhà máy thông báo và “vận động” đến nhận số tiền còn lại theo chế độ (tổng số là 384 người). Tuy vậy, mỗi người được thông báo nhận một mức khác nhau, dù có trường hợp cùng thâm niên và cấp bậc. Cho rằng còn nhiều sự khuất tất, đến nay vẫn còn trên 60 người chưa nhận tiền và tiếp tục có đơn đề nghị xác minh.

Để có thông tin đa chiều, chúng tôi đã liên hệ làm việc với lãnh đạo đương nhiệm của Nhà máy Z127 nhưng đại diện đơn vị cho rằng sự việc vẫn đang trong quá trình xác minh, cấp trên chưa có kết luận nên không thể cung cấp thông tin cho báo chí.

Được biết, phần lớn những người lãnh đạo Nhà máy Z127 giai đoạn 2007-2011 đều đã nghỉ hưu. Trao đổi với phóng viên về nội dung các cựu QNCN của đơn vị phản ánh, ông Bùi Trọng Bình, Phó Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Nhà máy Z127 giai đoạn 2001-2010 lý giải: Đúng là QNCN được nghỉ chuẩn bị hưu theo quy định của Bộ Quốc phòng, nhưng thời kỳ đó Nhà máy gặp nhiều khó khăn nên đã có chủ trương động viên người lao động nghỉ hưu nhận sổ ngay, không nghỉ chuẩn bị hưu, như vậy sẽ đỡ được khoản tiền trả lương chờ hưu và đóng bảo hiểm. Chúng tôi đã vận động họ làm “đơn xin nghỉ hưu”, tức là không nghỉ chờ. Chủ trương này được Đảng ủy Nhà máy thông qua và đưa vào Nghị quyết Đại hội công nhân viên chức. Vì 384 người đã có đơn xin nghỉ hưu ngay nên chúng tôi không thông báo Quyết định nghỉ chuẩn bị hưu cho họ. Số tiền “tiết kiệm”  do không phải trả lương nghỉ chờ hưu của người lao động, Nhà máy dùng để đầu tư sản xuất - kinh doanh…

Tuy vậy, nhiều người khẳng định với phóng viên: Họ ký vào đơn xin nghỉ hưu theo mẫu của Nhà máy vì không được giải thích rõ ràng, không được phổ biến chế độ nghỉ chuẩn bị hưu nên không biết mình được hưởng những gì. Lãnh đạo Nhà máy giai đoạn đó đã “ém” thông tin.

Chúng tôi tiếp tục liên hệ làm việc với ông Nguyễn Ngọc Bình (hiện cư trú tại Hà Nội), Giám đốc Nhà máy Z127 giai đoạn 2011-2015 thì nhận được câu giải thích ngắn gọn qua điện thoại: Là do yếu tố lịch sử.

Được biết, tháng 12-2016, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng đã có “Thông báo kết quả giải quyết tố cáo” của những cựu QNCN Nhà máy Z127, chỉ ra một số vi phạm của đơn vị trong giai đoạn 2007-2011 về việc giải quyết chế độ nghỉ chờ hưu cho người lao động; vi phạm quy định về quyết toán ngân sách và chi trả lương nghỉ chờ hưu… Tuy vậy, những người đứng đơn chưa thấy thỏa đáng nên tiếp tục đề nghị xác minh. Chúng tôi cho rằng, vụ việc cần được cơ quan có thẩm quyền khẩn trương xác minh, làm rõ một số nội dung để có kết luận cuối cùng, qua đó đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người lao động