Cần đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động ứng phó với sự cố môi trường

14:33, 28/09/2017

Số liệu tổng kết các sự cố môi trường trong hai thập niên gần đây cho thấy chỉ có 5% tổng số sự cố tại Việt Nam là do thiên tai, 95% sự cố xảy ra là do lỗi của con người.

* Hoạt động ứng phó chưa thể thực hiện “khẩn cấp”

Giám đốc Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường SOS Phạm Văn Sơn cho biết, cự ly phân bổ xa, rào cản về cách tổ chức khiến cho hoạt động ứng phó không thể thực hiện một cách “khẩn cấp”.

Hiện có 3 trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu quốc gia, tuy vậy, sự cố bất ngờ xảy ra cách các trung tâm khoảng 100km đã khó có thể đến ứng phó kịp thời. Các trung tâm quốc gia chỉ ứng phó các sự cố theo chỉ đạo và hoạt động ứng phó chỉ khởi động khi các bên thống nhất với nhau các điều khoản; chưa có lực lượng ứng phó sự cố hóa chất. Binh chủng hóa học của quân đội không tham gia ứng phó các sự cố hóa chất của doanh nghiệp trừ phi xảy ra sự cố cực kỳ nghiêm trọng, thảm họa lớn.

Trong số gần 70 sự cố SOS môi trường ứng phó, phần lớn các vụ không xuất hiện trên các phương tiện truyền thông là do doanh nghiệp thông báo nhanh nên Trung tâm có thể hỗ trợ ứng phó kịp thời, kiểm soát tốt sự cố, không để ô nhiễm phát tán ra ngoài môi trường. Một số sự cố do doanh nghiệp không đánh giá được diễn biến phức tạp, cố gắng tự ứng phó nhưng không thành công dẫn đến gây hậu quả lớn hơn. Ô nhiễm lan rộng do mất kiểm soát, gây hậu quả vượt ra ngoài khuôn viên của doanh nghiệp nên người dân, cơ quan quản lý và truyền thông biết.

* Nhiều bất cập

Với lĩnh vực này, nhân lực có trình độ chuyên môn đang thiếu ở cả cơ quan quản lý, đơn vị tư vấn và doanh nghiệp. Các cơ sở, doanh nghiệp thiếu nhân lực có đủ khả năng xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố môi trường do dầu và hóa chất; thường phải thuê đơn vị tư vấn; thiếu cán bộ chuyên trách về an toàn môi trường có đủ kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn để chỉ huy hoạt động ứng phó khi xảy ra sự cố.

Cán bộ thiếu chuyên môn để xác định chủng loại trang thiết bị vật tư chuyên dụng cần đầu tư phù hợp với điều kiện đặc thù của cơ sở. Nhiều doanh nghiệp đầu tư rất tốn kém cho các trang thiết bị nhưng khi xảy ra sự cố thực tế lại không sử dụng được. Nhóm tư vấn xây dựng kế hoạch cho cơ sở đa số là những người thiếu thực tiễn, kinh nghiệm và chuyên môn về ứng phó sự cố môi trường nên kế hoạch xây dựng cho các cơ sở thường mang tính lý thuyết, không áp dụng được trong thực tế.

Các cơ quan quản lý thiếu cán bộ có kinh nghiệm thực tế, kỹ năng, trình độ chuyên môn về thẩm định kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu, hóa chất; kiểm tra đánh giá năng lực phòng ngừa, sẵn sàng ứng phó sự cố của cơ sở; đánh giá diễn biến sự cố, chỉ huy hoạt động ứng phó theo phân cấp khi sự cố vượt ra ngoài tầm kiểm soát của cơ sở.

Theo quy định hiện hành, tất cả các doanh nghiệp có nguy cơ gây ra sự cố tràn dầu, hóa chất đều phải đảm bảo có đủ nhân lực và trang thiết bị vật tư ứng phó tại chỗ. Trên thực tế, rất ít doanh nghiệp tuân thủ nghiêm túc quy định này, vì chi phí đầu tư khá tốn kém. Chúng ta đang thiếu các đơn vị ứng phó chuyên nghiệp với bố trí nguồn lực ở bán kính không quá xa các khu vực có nguy cơ xảy ra sự cố cao để có thể đến hỗ trợ ứng phó kịp thời.

* Cần nâng cao kiến thức và kỹ năng thực hành ứng phó

Về nhân lực, cần tăng cường hoạt động đào tạo nhân lực có đủ kiến thức và kỹ năng thực hành ứng phó, chỉ huy ứng phó sự cố. Đối tượng phải được đào tạo trước hết là các thành viên hội đồng thẩm định kế hoạch phòng ngừa ứng phó sự cố môi trường, thành viên đoàn thanh kiểm tra các doanh nghiệp, các cán bộ quản lý về an toàn môi trường tại các tập đoàn, nhà máy, doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất có nguy cơ cao gây ra sự cố môi trường do dầu, hóa chất

Về kiến thức và kỹ năng, nguồn nhân lực phải có chứng chỉ hành nghề sau khi hoàn thành các khóa đào tạo khắt khe để trang bị đủ kiến thức và kỹ năng phòng ngừa ứng phó sự cố môi trường.

Giám đốc Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường SOS Phạm Văn Sơn cho rằng, cần đẩy mạnh việc phát triển các trạm ứng phó sự cố. Nếu lập các trạm này chỉ để được trả phí khi ứng cứu theo vụ việc sẽ không thể duy trì hoạt động được. Các doanh nghiệp trả cho đơn vị ứng phó sự cố chuyên nghiệp một khoản chi phí định kỳ, sẽ có lợi vì khoản phí thấp hơn nhiều so với phải đầu tư toàn bộ theo quy định để được đảm bảo hoạt động ứng phó chuyên nghiệp. Chuyên gia của các trạm này tiến hành kiểm tra kỹ thuật định kỹ về công tác đảm bảo an toàn, phòng ngừa sự cố của các doanh nghiệp, kịp thời phát hiện các rủi ro tiềm ẩn có thể dẫn đến sự cố, yêu cầu doanh nghiệp phải loại bỏ kịp thời các rủi ro này.

Các trạm ứng phó sự cố môi trường không chỉ là đơn vị có năng lực chuyên môn ứng phó kịp thời hiệu quả các sự cố, mà quan trọng hơn, chuyên gia của các trạm giúp doanh nghiệp kịp thời nhận ra nguy cơ tiềm ẩn để loại trừ, không để sự cố xảy ra.

Ngoài vai trò ứng phó sự cố chuyên nghiệp, các trạm ứng phó này là lực lượng đắc lực giúp cơ quan quản lý nhà nước quản lý tốt hơn về công tác an toàn môi trường tại địa phương, từ quy mô khu công nghiệp, quận, huyện, tỉnh, thành phố./.