Chăm sóc bệnh nhân khuyết tật bằng cả tấm lòng

08:35, 23/09/2017

Không ồn ào, tấp nập bệnh nhân như các bệnh viện đa khoa nhưng hơn 20 năm qua kể từ khi thành lập, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng (CH - PHCN) Thái Nguyên đã trở thành địa chỉ tin cậy cho các bệnh nhân khuyết tật trong tỉnh nói riêng và các tỉnh phía Bắc nói chung.

Thầy thuốc giỏi, tận tình… là những đánh giá chúng tôi được nghe nhiều nhất khi trò chuyện với bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện CH - PHCN Thái Nguyên.

Bà Nguyễn Thị Lan, 63 tuổi, thường trú tại tổ 12 phường Tân Lập (T.P Thái Nguyên) cho biết: “Gia đình tôi không chỉ vui mừng mà còn rất trân trọng, biết ơn sự nhiệt tình và khâm phục trình độ của các thầy thuốc ở Bệnh viện”. Được biết, 7 năm trước, bé Nguyễn Minh Phúc - cháu nội của bà bị tai nạn, chấn thương sọ não nghiêm trọng, gây bại não, liệt nửa người, mọi sinh hoạt đều được người thân hỗ trợ tại chỗ. Sau khi điều trị chấn thương tại Bệnh viện, với sự hỗ trợ nhiệt tình, khoa học của các thầy thuốc và sự kiên trì của hai bà cháu, hiện giờ, Phúc đã có thể tự đi lại và giao tiếp được.

Còn chị Nguyễn Thị Huệ, mẹ của bệnh nhân Tạ Quang Bộ, 10 tuổi, ở xã Kim Thư, Thanh Oai (Hà Nội) thì cho biết: Dù mới lần đầu đưa con đến đến Bệnh viện điều trị nhưng tôi cảm nhận rất rõ tinh thần, thái độ tận tụy vì bệnh nhân của các cán bộ y tế nơi đây. Chị kể, lên 2 tuổi, cháu Bộ bị u phì đại bàn chân và đầu gối phải. Gia đình đã đưa cháu đi phẫu thuật 4 lần tại các bệnh viện chuyên ngành nhưng không khỏi. Trong khi đó, khớp gối và bàn chân phải của cháu ngày càng phì đại khiến cháu không đi lại được nên gia đình buộc phải quyết định cắt chân để lắp chân giả cho cháu. Gần 20 ngày lắp chân giả và điều trị phục hồi chức năng, cháu Bộ hiện đã đi lại bình thường sau gần 10 năm không thể tự đi lại. Chị Huệ chia sẻ: Tôi không chỉ hạnh phúc khi thấy con mình có thể tự đi được mà còn hạnh phúc khi nhận được sự quan tâm, động viên của các y, bác sĩ trong Bệnh viện.

Năm 2007, Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được Bộ Chính trị phát động đã được đông đảo cán bộ, y bác sĩ Bệnh viện hưởng ứng thực hiện và trở thành một phong trào thiết thực gắn với việc thực hiện y đức, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Để làm theo Bác đạt hiệu quả cao, Bệnh viện đã yêu cầu toàn thể cán bộ, bác sĩ, điều dưỡng không ngừng học tập, nâng cao năng lực chuyên môn; đồng thời, thực hiện tốt các nội dung nâng cao y đức nghề nghiệp, quy tắc ứng xử của ngành Y; nâng cao trách nhiệm cá nhân trong công việc chung của tập thể. Bệnh viện cũng rất coi trọng tinh thần thái độ phục vụ bệnh nhân, từ đó, xây dựng mối quan hệ tốt giữa đồng nghiệp, giữa cán bộ với bệnh nhân tạo môi trường thân thiện; luôn nói không với tiêu cực, không gây phiền hà, sách nhiễu bệnh nhân.

Với chức năng chính là khám, điều trị cho các bệnh nhân mắc các dạng bệnh khuyết tật, dị tật hệ vận động, bại não, tai nạn lao động, tai nạn giao thông, các bệnh lý về cơ xương khớp, bệnh nghề nghiệp, sau chấn thương hệ vận động, những năm gần đây, Bệnh viện đã đầu tư nhiều thiết bị mới ứng dụng công nghệ cao như: laser, sóng ngắn, siêu âm... trong điều trị, phục vụ bệnh nhân. Bệnh viện cũng phát huy tốt nhiệm vụ là cơ sở phẫu thuật chỉnh hình, điều trị phục hồi chức năng và sản xuất, lắp ráp các dụng cụ chỉnh hình, dụng cụ trợ giúp cho người khuyết tật.

Bệnh viện cũng tăng cường phối hợp với nhiều tổ chức nhân đạo trong và ngoài nước như: Trung tâm Trực tiếp hỗ trợ trẻ em Hà Lan II, Tổ chức chân giả ngoại tuyến POF, Hội thiện nguyện SAP- VN... và các sở, ngành của các tỉnh để hỗ trợ điều trị cho nhiều bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là trẻ em nghèo, người có công. Đội ngũ cán bộ Bệnh viện cũng được học tập, nâng cao trình độ và có thêm nguồn kinh phí để phục vụ người bệnh. Từ năm 2011, Bệnh viện cũng mở rộng mô hình điều trị bệnh cho trẻ tự kỷ, trẻ chậm phát triển trí tuệ, đạt kết quả tốt.

Chính vì vậy, trong những năm qua, Bệnh viện luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; chỉ tiêu phẫu thuật, chỉ tiêu giường bệnh, chỉ tiêu khám bệnh, chỉ tiêu phục hồi chức năng đều vượt từ 20-50% kế hoạch; bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện khi ra viện đều đạt kết quả tốt. Bệnh viện cũng đã vận dụng, triển khai tốt các ca phẫu thuật chỉnh hình như: phẫu thật bàn chân khoèo, phẫu thuật tạo hình trong di chứng bỏng, triển khai tạo hình, laser, thẩm mỹ có kết quả tốt, được người bệnh ghi nhận. Chỉ tính riêng trong năm 2016, Bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị cho trên 1,5 nghìn bệnh nhân; thực hiện gần 300 ca phẫu thuật chỉnh hình; phục hồi chức năng cho trên 1,2 nghìn bệnh nhân; điều dưỡng cho gần 600 người có công; sản xuất, lắp ráp trên 160 dụng cụ chỉnh hình phục vụ bệnh nhân…

Với những kết quả đã đạt được, năm 2017, Bệnh viện CH - PHCN Thái Nguyên đã vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Ngoài ra, đơn vị cũng nhận được nhiều Cờ thi đua, Bằng khen, Giấy khen của UBND tỉnh, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội…

Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Lê Thành Cương, Giám đốc Bệnh viện cho biết: Chúng tôi nhận thức rõ việc điều trị chỉnh hình và phục hồi chức năng cho người tàn tật đặc biệt là trẻ em giúp họ tái hòa nhập cộng đồng là góp phần xóa đói giảm nghèo, giảm khó khăn, gánh nặng cho gia đình và xã hội. Do đó, tập thể cán bộ, công chức và người lao động trong toàn Bệnh viện sẽ không ngừng nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao đồng thời sẽ đẩy mạnh việc học tập, nâng cao trình độ chuyên môn để đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của xã hội.