Để Thành phố ngày càng văn minh, hiện đại

07:49, 07/09/2017

Xây dựng đô thị văn minh, hiện đại đang được chính quyền T.P Thái Nguyên nỗ lực thực hiện. Tuy nhiên, để có được diện mạo đô thị xanh - sạch - đẹp, văn minh ngoài sự cố gắng của các cấp chính quyền Thành phố thì người dân trên địa bàn cũng cần nâng cao ý thức trong việc thực hiện.

Giai đoạn 2014-2016, T.P Thái Nguyên đã tập trung thực hiện Đề án “Xây dựng tuyến phố văn minh đô thị” (TPVMĐT), qua đó đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Một số tuyến phố huy động được nguồn kinh phí xã hội hóa lớn từ các doanh nghiệp để cải tạo bó vỉa hè; quảng cáo rao vặt trái phép, lều quán trái vẩy trên các trục đường chính cơ bản được dỡ bỏ; ý thức chấp hành quy định về trật tự mỹ quan đô thị và vệ sinh môi trường có nhiều chuyển biến tích cực. Chỉ tính riêng trong 2 năm (2014-2015), Thành phố đã bố trí gần 180 tỷ đồng cho việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải, chăm sóc cây xanh, duy trì hệ thống chiếu sáng và thoát nước đô thị; Thành phố cũng đã đầu tư trên 15 tỷ đồng để cải tạo hệ thống thoát nước, chống ngập úng khu vực trung tâm Thành phố; dành trên 200 triệu đồng lắp đặt 40 bộ biển tên đường, phố và 150 biển ngõ ngách; phối hợp với các công ty viễn thông trên địa bàn bó buộc lại hệ thống dây thông tin, cáp viễn thông trên các tuyến phố chính như Cách mạng Tháng Tám, Hoàng Văn Thụ, Lương Ngọc Quyến, Phan Đình Phùng; triển khai lắp dựng 43 biển quảng cáo rao vặt trên địa bàn nhằm hạn chế các tổ chức, cá nhân dán quảng cáo rao vặt không đúng nơi quy định...

Không thể phủ nhận, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền Thành phố trong việc cải tạo, chỉnh trang đô thị đã làm cho bộ mặt đô thị của Thành phố ngày càng khang trang, hiện đại. Tính đến thời điểm này, T.P Thái Nguyên đã có 9 tuyến phố được công nhận là tuyến phố văn minh.

Khảo sát tại một số tuyến đường, phố chính trên địa bàn T.P Thái Nguyên, chúng tôi nhận thấy bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc xây dựng TPVMĐT vẫn còn những tồn tại cần khắc phục. Chẳng hạn hạ tầng kỹ thuật trên một số tuyến phố chưa được xây dựng đồng bộ, nhiều vị trí chưa có vỉa hè, chưa có hệ thống thoát nước. Hầu hết các tuyến đường bó vỉa còn cao, gây bất tiện cho việc lên xuống vỉa hè của các phương tiện tham gia giao thông. Nhiều đoạn có vỉa hè nhưng đang bị người dân lấn chiếm để bán hàng, kinh doanh, để xe, khiến người đi bộ không còn chỗ đi phải đi xuống lòng đường.

Mặc dù Thành phố đã tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm, nhưng tình trạng lấn chiếm vỉa hè dành cho người đi bộ vẫn diễn ra. Ông Trần Xuân Thưởng, Đội trưởng Đội Quản lý trật tự, xây dựng và mỹ quan đô thị, cho biết: Đội thường xuyên phối hợp với Tổ quản lý trật tự đô thị các phường, xã kiểm tra, nhắc nhở các trường hợp vi phạm, tuy nhiên khi chúng tôi có mặt thì người dân nghiêm chỉnh chấp hành, nhưng khi đi khỏi thì tình trạng lấn chiếm lại tái diễn. Còn ông Trần Nam Thái, Chủ tịch UBND phường Hoàng Văn Thụ thông tin: Giai đoạn 2014-2016, phường có 5 tuyến phố được Thành phố công nhận là TPVMĐT. Tuy nhiên, vỉa hè của các tuyến phố vẫn chưa được xây dựng đồng bộ. Tình trạng dán biển quảng cáo rao vặt, bán hàng trên vỉa hè vẫn còn nhiều. Chúng tôi đã tăng cường tuyên truyền, vận động người dân, giải tỏa những đoạn đường bị lấn chiếm gây ảnh hưởng đến giao thông, mỹ quan đô thị nhưng tình hình quảng cáo rao vặt bừa bãi vẫn chưa ngăn chặn được triệt để.

Giai đoạn 2016-2020, T.P Thái Nguyên đề ra mục tiêu: Duy trì, nâng cấp các tuyến phố đã đạt TPVMĐT ở giai đoạn 2014-2016 và nâng cấp các tuyến phố khác đạt tiêu chuẩn TPVMĐT; đầu tư hạ tầng kỹ thuật theo hướng đồng bộ, hoàn chỉnh; quy hoạch “Tuyến phố đi bộ” gắn với quy hoạch đầu tư các trung tâm thương mại, giải trí; phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 70% các tuyến đường, phố chính được công nhận là TPVMĐT, trong đó có trên 50% số đường, phố chính được đầu tư hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch; từng bước hoàn thiện các tiêu chuẩn “Phường văn minh đô thị”. Hiện tại, T.P Thái Nguyên đang tiến hành chỉnh trang lại vỉa hè các tuyến phố chính nhằm xây dựng những TPVMĐT đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật với tổng kinh phí đầu tư trên 80 tỷ đồng. Dự kiến, các hạng mục của công trình sẽ hoàn thành vào đầu tháng 9 tới.

Thực tế cho thấy, mặc dù chính quyền Thành phố quyết tâm trong thực hiện xây dựng tuyến phố văn minh nhưng một số người dân chưa thực hiện tốt nếp sống văn minh đô thị. Tại Hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào Đề án “Xây dựng tuyến phố văn minh đô thị” giai đoạn 2016-2020 của Ủy ban Mặt trận tổ quốc Thành phố, nhiều ý kiến tâm huyết đã được đưa ra. Ông Đỗ Đức Trọng, phường Hoàng Văn Thụ, cho rằng: Việc xây dựng tuyến phố văn minh cần sự vào cuộc của cả cộng đồng. Đối với việc xây dựng, phát triển khu đô thị, dân cư mới, khi trình duyệt đầu tư cần kiểm tra, rà soát kỹ, bắt buộc phải đáp ứng các tiêu chí về TPVMĐT mới cho phép khởi công. Đối với các khu dân cư cũ, tồn tại lâu đời, Thành phố và các phường cũng cần quan tâm chỉ đạo, từng bước xây dựng quy hoạch đảm bảo văn minh, tránh tình trạng người dân xây dựng tự phát, tự ý lấn chiếm đất công. Còn ông Nguyễn Văn Bền, phường Thịnh Đán, cho rằng: Thành phố cần đưa thêm tiêu chí đánh giá ý thức của người dân trong thực hiện nếp sống văn minh đô thị vào để đánh giá gia đình văn hóa hàng năm, đưa văn hóa giao thông vào nội dung xây dựng TPVMĐT. Ông Trần Nam Thái, Chủ tịch UBND phường Hoàng Văn Thụ, chia sẻ thêm: Để thực hiện tốt Đề án xây dựng TPVMĐT các phường cần duy trì tốt Tổ tự quản, các thành viên của Tổ thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở, vận động nhân dân tham gia xây dựng TPVMĐT. Đồng thời, tổ chức ký cam kết không vi phạm trật tự an toàn giao thông, trật tự mỹ quan đô thị và vệ sinh môi trường.