Định Hóa còn nhiều khó khăn sau lũ

16:55, 27/09/2017

Trận mưa lũ xảy ra trên diện rộng ngày 25-8-2017 khiến huyện Định Hóa bị thiệt hại nặng nề về người và tài sản (ước tính thiệt hại hơn 60 tỷ đồng). Mặc dù những ngày vừa qua, huyện đã dốc sức huy động các lực lượng khắc phục hậu quả mưa lũ nhưng đến nay công tác này vẫn chưa thực hiện xong bởi điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương còn nhiều khó khăn.

Chúng tôi trở lại huyện Định Hóa vào một ngày cuối tháng 9. Đã hơn một tháng trôi qua nhưng hậu quả của trận mưa lũ vẫn hiện hữu khắp nơi. Trên nhiều tuyến đường liên xã, liên xóm vẫn ngổn ngang đất đá bị sạt lở, nhiều đoạn đường bị bong tróc, lởm chởm “ổ trâu”, “ổ gà” khiến người dân đi lại khó khăn. Hàng chục cầu tràn bị lũ tàn phá chưa được khắc phục; nhiều công trình kênh mương có nguy cơ sập đổ nhưng chỉ được gia cố bằng biện pháp thủ công...

Chị Hoàng Thị Quyên, Chủ tịch UBND xã Định Biên đưa chúng tôi đến các điểm cầu tràn bị lũ tàn phá. Trên địa bàn xã, cả 5 cầu tràn đều bị hư hỏng nặng nhưng đến nay vẫn chưa có cây cầu nào được khắc phục. Quan sát khu vực cầu tràn Vằng Trương, ở xóm Nà To, chúng tôi nhận thấy đoạn đường bê tông dài hơn 20m bị xói lở nghiêm trọng, hàng chục khối đá bị nước phá bung nằm lổn nhổn dưới chân cầu tràn. Tuy nhiên, địa phương chưa khắc phục được hậu quả, chỉ mới quây chắn khu vực sạt lở bằng các thanh tre, nứa và giăng dây một cách sơ sài, rất nguy hiểm đối với người và phương tiện qua lại.

Chị Quyên lo lắng: Ngay sau khi nước rút, chúng tôi mới chỉ huy động được nhân công và thuê máy xúc đến dọn dẹp rác thải, bùn, đất đá còn tình trạng cầu đường bị hư hỏng đến nay vẫn chưa thể khắc phục do còn khó khăn về kinh phí. Đơn cử như để sửa chữa cầu Vằng Trương cần hơn 1 tỷ đồng... Theo ghi nhận của chúng tôi, đây là cầu giao thông huyết mạch nối xã Định Biên với xã Phúc Chu, Đồng Thịnh và Bảo Linh, song từ khi cầu bị sạt lở xe ô tô không thể đi qua được mà buộc phải đi đường vòng (qua thị trấn Chợ Chu). Chưa kể việc rào chắn sơ sài nên tại đây đã xảy ra ít nhất 2 vụ tai nạn giao thông. Tương tự, tại các cầu tràn liên xóm như cầu Khâu Lầu - Pác Cáp, cầu Thâm Tắng, cầu Làng Vẹ dù bị sạt lở hành lang hai bên cầu, song đến nay, địa phương vẫn chỉ khắc phục bằng việc dùng các bao đất kè chắn tại vị trí chân cầu, đóng cọc tre chống đỡ dưới mố cầu bị xói lở, đồng thời đặt biển báo cấm các loại xe ô tô có tải trọng từ 5 tấn trở lên đi qua. Do đó, các cầu này có nguy cơ bị sập đổ bất cứ lúc nào khi có mưa bão.  

Giống như xã Định Biên thì xã Linh Thông cũng đang gặp trở ngại trong việc khắc phục các công trình thủy lợi và sạt lở đất đá. Bà Hoàng Thị Minh, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Trước trận mưa lũ vừa qua, Linh Thông còn bị ảnh hưởng nặng nề của nhiều trận mưa lũ từ tháng 5 và tháng 7. Hiện tại, nguồn dự phòng chi cho khắc phục mưa lũ của địa phương đã hết. Vì thế, công tác khắc phục hậu quả mưa lũ chủ yếu phải trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước... Trong thời gian chờ đợi nguồn hỗ trợ này, địa phương chỉ có thể khắc phục bằng những biện pháp tạm thời. Cụ thể, thuê máy xúc để khơi thông các tuyến đường liên thôn, xã có đất đá bị sạt lở. Song khi chúng tôi có mặt tại các đoạn đường liên xóm Làng Mới, Bản Lại, Tân Trào… thì thấy đơn vị thi công vẫn chưa bố trí được nơi đổ đất mà chỉ san gạt tạm vào một bên lề đường để người dân đi lại.

Nhiều người dân xã Linh Thông còn đang lo lắng cho sản xuất vụ đông sắp tới khi mà hệ thống kênh mương và đập thủy lợi bị phá hỏng song chưa được sửa chữa kiên cố. Ông Phan Thanh Chương, Trưởng xóm Tân Vàng nói: “Trận mưa lũ vừa qua đã cuốn trôi hai đập tạm Gốc Bông (xóm Làng Mới) và đập Nà Teng (xóm Tân Vàng). Hai bên thân đập còn bị xói lở hơn 30m nên không thể dùng sức dân để khắc phục. Do đó nếu đập không sớm được đầu tư sửa chữa sẽ khó đảm bảo nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp cho gần 20ha đất nông nghiệp của 3 xóm lân cận vào vụ tới”. Còn đối với hệ thống kênh kiên cố Vai Mặn, xóm Bản Lại và kênh Vai Mới, xóm Bản Nóong đang nguy cơ bị gẫy đổ do phần đất giữ kênh bị xói lở nghiêm trọng. Nhưng hiện nay, việc khắc phục cũng chỉ được người dân cho tiến hành kè 200 bao đất tại vị trí bị sạt lở. Đối với những đoạn kênh gẫy được dùng ống nhựa phi 90 để dẫn nước tưới ra đồng. Tuy nhiên, những ngày qua, do mưa nhiều nên nhiều bao đất kè bị cuốn trôi và tiếp tục gây xói lở phần đất giữ kênh, kéo theo đó là nguy cơ cao nhiều đoạn kênh bị gẫy đổ, nếu như không có biện pháp khắc phục tốt hơn.

Nói về vấn đề trên, ông Phạm Việt Dũng, Phó trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Định Hóa giải thích: Khó khăn nhất hiện nay của chúng tôi là thiếu kinh phí. Từ nhiều năm qua, nguồn vốn cấp cho công tác khắc phục hậu quả thiên tai chỉ đáp ứng khoảng 50%. Trong khi mưa lũ có mức độ thiệt hại lớn nên nguồn kinh phí dự phòng của huyện không đủ để chi cho công tác khắc phục. Việc giảm thiểu thiệt hại vì thế cũng chỉ dừng lại ở mức gia cố, tu sửa tạm thời và chưa đảm bảo ngay được. Vừa qua, huyện đã đề nghị lên UBND tỉnh và Trung ương hỗ trợ nguồn kinh phí khắc phục hậu quả mưa lũ. Trên cơ sở được hỗ trợ, huyện sẽ căn cứ vào mức độ thiệt hại để phân bổ nguồn kinh phí cho các xã phù hợp. Đồng thời chỉ đạo các xã tiếp tục rà soát, báo cáo tình hình thiệt hại mưa lũ, gia cố bằng những biện pháp tạm thời trong thời gian đợi kinh phí hỗ trợ để tránh những thiệt hại nặng nề về sau…