Dự án “treo” 9 năm, người dân chịu thiệt thòi

16:52, 18/09/2017

Đường sá đi lại khó khăn, người dân “đói” điện, thiếu thông tin… là những khó khăn mà người dân thôn Sự thật, xã Quy Kỳ (Định Hóa) đang phải sống trong vùng quy hoạch “treo” suốt 9 năm qua.

Thôn Sự Thật có 28 hộ với trên 120 trên khẩu, chiếm 95% là dân tộc Dao. Người dân ở đây quanh năm chủ yếu sống nhờ nông nghiệp và trồng rừng. Tuy nhiên, do địa hình cao, lọt thỏm giữa những dãy núi nên việc trồng lúa cho năng suất thấp. Năm 2008, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành quy hoạch Dự án hồ thủy lợi Khuôn Nhà tại thôn Khuôn Nhà và Sự Thật, với kinh phí đầu tư trên 300 tỷ đồng. Năm 2014, dự án điều chỉnh lại quy mô ở thôn Sự Thật. Theo kế hoạch, toàn bộ số hộ dân trên sẽ phải di dời đến nơi ở mới. Tuy nhiên, sau 9 năm dự án vẫn còn “treo”, và cũng từng đấy năm người dân phải đối diện với không ít khó khăn.

Thôn Sự Thật chưa có mét đường nào được “cứng hóa”, đường đi dốc, nhiều suối chảy qua nên đi lại rất vất vả. Những ngày cuối tháng 7 có mặt ở đây, chúng tôi thấy người dân đi lại vô cùng khó khăn trên con đường ngập ngụa sình lầy, bùn đặc quánh, ngập sâu 5-10cm. Để đến được hộ cuối cùng của thôn, chúng tôi phải cho xe leo lên trượt xuống không biết bao nhiêu mét đường lầy thụt và lội qua hàng chục con suối, có những đoạn phải dắt bộ, kéo xe mới qua được. Khó khăn nhất là xe lên dốc, dù cầm chắc tay lái và đi thật chậm nhưng xe vẫn nghiêng ngả.

Bà Hoàng Thị Chi, Bí thư Chi bộ than thở: “Từ cuối thôn ra trung tâm xã chỉ có 7km nhưng đường hiểm trở, cộng với trời mưa nên phải đi mất gần tiếng đồng hồ. Đặc biệt, phải đi qua 12 con suối, nhưng thôn mới chỉ có 3 cầu tràn (đơn vị hảo tâm hỗ trợ xây dựng) nên hơn một nửa số hộ trong thôn vẫn phải lội qua suối mỗi khi ra ngoài”. Thương nhất là các cháu nhỏ phải thức dậy từ lúc 4 giờ sáng, bất chấp nguy hiểm lội qua suối để kịp giờ đến trường. Không ít cháu đã bị trượt chân ngã, cặp sách và giày dép bị nước cuốn trôi.

Chị Triệu Thị Thủy, một người dân trong thôn cho biết: “Mùa cạn các cháu còn đi được chứ nước lớn hoặc mưa bão thì rất nguy hiểm nên buộc phải nghỉ học. Những hôm chỉ học nửa buổi, tôi cũng cho con nghỉ vì đường khó đi”. Đường sá đi lại vất vả còn làm cho giao thương, buôn bán của người dân nơi đây trở nên khó khăn. Ông Bàn Văn Mạnh nói: Nhà tôi nuôi được hơn chục con lợn mà cứ để thịt ăn dần, vì thương lái không muốn vào mua do vận chuyển khó khăn. Thậm chí người dân có bán giá thấp hơn 2-3 giá so với thị trường thì thương lái vẫn từ chối.

Ông Triệu Văn Hoa, Trưởng thôn nói: Dự án treo làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của bà con. Là thôn vùng III thuộc diện khó khăn nhất của xã nhưng không được đầu tư xây dựng đường giao thông. Đáng nói nhất là thôn bị chia cắt bởi nhiều con suối, trong khi lại chưa được xây dựng cầu kiên cố nên người dân vẫn phải bất chấp nguy hiểm lội qua ngay cả vào mùa mưa bão.

Không chỉ khó khăn về đi lại, người dân còn phải sống trong tình trạng “đói” điện. Theo ghi nhận của chúng tôi, điện lưới quốc gia mới chỉ kéo đến đầu thôn khoảng 600m và mới chỉ có 3 hộ được hưởng. Do đó còn 18 hộ phải tự kéo điện bằng loại dây AC35 lõi trần, cách trạm biến áp khoảng 4-5km nên điện luôn trong tình trạng chập chờn. Có mặt ở nhà ông Trần Minh Tân, giữa thời tiết oi ả căn nhà cấp bốn của ông như một lò lửa. Ông Tân thở dài: “Mùa hè nhất là vào chập tối điện rất yếu, thắp bóng đèn tắc te mà còn sáng leo lét. Máy bơm nước, ti vi chỉ dùng được vào lúc 1, 2 giờ đêm khiến cuộc sống sinh hoạt bị đảo lộn”. Hệ thống điện tại đây còn khiến nhiều người phải “ớn lạnh” vì đường dây điện cũ nát, mắc chằng chịt trên những cột tre, nứa xiêu vẹo, mục nát, chạy sát bờ suối, tiềm ẩn nguy cơ giật điện rất cao.

Đặc biệt, 7 hộ cuối thôn hoàn toàn không có điện, dù rất muốn tự kéo điện như các hộ trên nhưng do nằm cách trạm biến áp hơn 1km nên nguồn điện không thể đảm bảo. Để có được nguồn điện cho con em học tập, các hộ phải tự chế máy phát điện bằng sức nước đặt dọc bờ suối hoặc ao đắp chứa nước.

Ông Triệu Văn Phương bộc bạch: “Nhà tôi dùng hai máy điện thủy lân đặt ở ao và khe suối gần nhà nhưng điện cũng chỉ đủ thắp sáng chiếc đèn học cho con. Vào mùa khô không nhà nào có điện, ao tích nước cả tuần cũng chỉ đủ chiếu sáng 1-2 giờ nên gia đình thường dành cho các con để học bài, mọi sinh hoạt phải thắp đèn dầu và nến. Chúng tôi rất mong dự án sớm triển khai để có thể di dời tới nơi ở mới hoặc có chủ trương kéo điện cho bà con bớt vất vả…”.

Nói về vấn đề trên, ông Lưu Đức Hồng, bí thư Đảng ủy xã Quy Kỳ cho biết: “Nơi đây không có sóng điện thoại nên người dân rất hạn chế về tiếp cận thông tin. Việc liên hệ thông báo từ xã đến cán bộ thôn cũng phải mất mấy ngày. Điện, đường khó khăn khiến nơi đây gần như biệt lập với bên ngoài, cái nghèo cứ thế đeo đẳng mãi”.

Ông Phạm Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Do thiếu nguồn vốn từ Trung ương song chủ đầu tư xác định dự án còn nhiều khả thi nên vẫn sẽ tiếp tục thực hiện. Tuy nhiên, do thiếu vốn đầu tư nên dự án “treo” nhiều năm qua. Cùng với nhân dân, huyện đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên khẩn trương thực hiện Dự án, nếu không còn năng lực thi công cần thông báo sớm để huyện chủ động xây dựng kế hoạch đầu tư cho thôn. Nếu còn chủ trương đầu tư mà khó khăn về vốn, cần tách thành dự án thành phần để các hộ nói trên được di dời và hỗ trợ kinh phí nhằm đảm bảo đời sống người dân vùng dự án trong thời gian sớm nhất.