Đầu năm học mới, đến Trường C.H của tỉnh, giữa không khí vui tươi phấn chấn, chúng tôi phát hiện một học trò ngồi lặng lẽ trên ghế đá sân trường. Tôi đến bên làm quen, gặng hỏi thì được biết: Em tên Tuấn, học sinh lớp 9 của Trường. Em bị lây nhiễm HIV từ mẹ. Em không dám chạy nhảy, nô đùa như bao học trò, vì sợ trầy xước làm vi rút HIV lây sang bạn học.
Nhìn khuôn mặt buồn cố hữu của Tuấn, tôi biết em đã phải gắng gượng, vượt lên rất nhiều mặc cảm, tự ti để cắp sách đến trường như bạn bè cùng trang lứa. Tôi động viên: Gắng lên Tuấn ạ, vì gần mười năm nay, em đã đều đặn đến trường. Ở ngay năm học đầu cấp này, em chứng minh cho các bạn cùng lớp về kết quả học tập của mình. Đó cũng là cách hiệu quả nhất xóa đi sự kỳ thị của mọi người đối với em, và bao học trò bị lây nhiễm HIV khác.
Năm 2003, Tuấn cất tiếng khóc chào đời ở Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên. Nhưng không giống như bao “mặt trời bé thơ”, ngay thuở nằm nôi, Tuấn đã không được uống dòng sữa ngọt ngào của mẹ. Bác sĩ khuyên: Nên cho cháu ăn sữa ngoài, vì nếu bú mẹ sẽ lây bệnh HIV sang bé. Chị Hoàng Thị Tuyết Lan, mẹ Tuấn kể: Khi vào viện sinh cháu, tôi mới biết mình bị lây nhiễm HIV từ chồng. Khổ tâm đến tuyệt vọng, nhưng phản xạ của người mẹ không cho tôi bất mãn. Tôi phải chăm nuôi con theo hướng dẫn của bác sĩ. Vậy nhưng, lần nào bế con đi xét nghiệm, tôi cũng nhận được kết quả có dương tính với HIV. Cháu bị lây nhiễm HIV khi còn nằm trọng bụng mẹ. Biết thế, nhưng trước ngày vào học lớp 1, tôi mang cháu đi xét nghiệm lần nữa, với hy vọng “ông giời” cho phép nhiệm màu, con trai tôi không còn thứ vi rút quái ác ấy trong cơ thể.
Chị Lan nuôi con trong dị nghị, đàm tiếu của chính những người thân. Chị bảo: Nhiều người gọi tôi là Lan “ết”. Lâu ngày, quen tai, thậm chí còn thấy thân thiện… Tôi biết, trong lòng chị nỗi đau đã chai sạn lại. Chị không còn gồng lên để thanh minh về sự trong sáng của mình vìì hiển nhiên, trong cơ thể đang mang vi rút HIV. Có những đêm chị khóc vì tủi thân, nhưng chưa bao giờ để con mình nhìn thấy. Nén nỗi đau lòng nuôi con lớn khôn. Năm Tuấn vào lớp mẫu giáo lớn, cô giữ trẻ buột miệng nói: Con chị bị bệnh HIV, chị nên cho cháu ở nhà. Chị hận lắm, cúi mặt để tránh bật ra tiếng khóc.
Chị bế con chạy trốn sự kỳ thị bằng cách bán nhà, chuyển về quê chồng (chồng chết vì căn bệnh AIDS khi Tuấn 3 tuổi). Đó là một xã thuần nông, xa phố thị, chị hằng mong, ở đó sẽ không có ai biết con mình có HIV. Tuấn sẽ đi học, được hòa đồng như bao con trẻ. Để mỗi ngày nụ cười của con sẽ giúp chị vợi nguôi nỗi buồn của người có H.
“Niềm vui ngắn chẳng tày gang”, một chiều từ trường về, Tuấn òa khóc, bảo mẹ: Con không đi học nữa. Chị ôm con vào lòng, cuống quýt hỏi. Mãi rồi Tuấn cũng thút thít: Các bạn bảo con bị bệnh HIV, không chơi với thằng bị HIV… Từng lời con trẻ làm chị đau nhói lòng. Chị không khóc được, vì cuộc đời mang đến cho chị quá nhiều đau khổ. Giây phút xúc động qua nhanh, chị động viên con: Nếu học giỏi, con sẽ khỏi được bệnh HIV.
Hôm sau, chị đưa con đến trường. Chị gặp cô giáo chủ nhiệm để trò chuyện về tình trạng sức khỏe của con mình. Lời của chị đong đầy nước mắt khiến cô chủ nhiệm cảm thông. Hôm ấy, cô chủ nhiệm đã nói với cả lớp rằng: HIV là căn bệnh thế kỷ, mọi người có thể sống thân thiện với nhau mà không bị lây nhiễm. Thuốc chữa căn bệnh HIV chính là các em có tinh thần đoàn kết, khiêm tốn và học giỏi.
Tin lời cô giáo, Tuấn thi đua học tập cùng chúng bạn. Nhờ thế, suốt những năm học tiểu học, rồi trung học cơ sở, Tuấn luôn đạt học sinh giỏi, hạnh kiểm tốt, được thầy cô, bạn bè quý mến. Nhưng tôi biết, càng lên những lớp học cao hơn, trong nghĩ suy của Tuấn thường gợn lên một nỗi buồn khôn tả. Tránh sao được khi càng lớn khôn, Tuấn càng nhận thức đầy đủ hơn về căn bệnh mình phải mang suốt cuộc đời. Nhưng em không chán nản, lao vào game, mà tìm vui ở sự nỗ lực học tập. Dù đến trường không bị bạn bè kỳ thị, nhưng trong em luôn tự e ngại. Em sợ va chạm; sợ sơ ý làm lây nhiễm căn bệnh của mình sang bạn. Và sợ khi nô nghịch, có ai đó vô tình nói đến từ HIV.
Tuấn vẫn ngồi trên ghế đá sân trường, dưới hàng phượng vĩ, có lấm tấm lá rơi trên cuốn tiểu thuyết “Tuổi thơ dữ dội” của nhà văn Phùng Quán. Tôi liên tưởng: Nhân vật của “Tuổi thơ dữ dội” là các em nhỏ ở tuổi vị thành niên đã vượt lên rất nhiều khó khăn, hiểm nguy khi tham gia kháng chiến cứu quốc. Còn Tuấn, một cậu bé mang tâm hồn pha lê phải đối diện với kỳ thị miệng đời vì mang bệnh HIV. Tuấn thủ thỉ: Cháu đã đọc xong cuốn “Không gia đình” của văn hào Pháp Hector Malot. Giờ cháu đang đọc cuốn “Tuổi thơ dữ dội” để học tập về nghị lực sống. Cháu sẽ cố gắng học tập thật giỏi để sau này trở thành nhà khoa học, nghiên cứu, tìm ra thuốc chữa bệnh HIV/AIDS cho mẹ. Còn như hiện tại, mỗi ngày cháu đều mong cầu được bình yên.