Khởi nghiệp ngay từ giảng đường

10:34, 17/09/2017

Không dừng lại ở việc hô hào phong trào, hiện nay, nhiều trường đại học, cao đẳng đã có các hoạt động thiết thực để hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, qua đó góp phần lan tỏa tinh thần khởi nghiệp, giúp sinh viên đưa ý tưởng vào thực tế.

Đưa ý tưởng vào cuộc sống

Giúp việc theo giờ, bán hàng online hay khắc hình trên tóc…, đó là những ý tưởng của sinh viên Khoa Kinh tế công nghiệp (Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp, Đại học Thái Nguyên). Từ ý tưởng ban đầu, cộng với sự hỗ trợ về kiến thức, tư vấn chiến lược kinh doanh, giới thiệu nhà đầu tư… của các thầy cô, nhiều ý tưởng đã trở thành hiện thực. Đặc biệt, từ khi Câu lạc bộ (CLB) Khởi nghiệp của Khoa được thành lập vào giữa năm 2016 đã tạo thêm nhiều cơ hội cho sinh viên triển khai các dự án khởi nghiệp. Cô Đặng Ngọc Huyền Trang, giảng viên phụ trách CLB chia sẻ: Sinh viên thường có rất nhiều ý tưởng nhưng để triển khai trong thực tế các em lại gặp khó khăn. Từ đó, chúng tôi đã tư vấn, giải đáp, hướng dẫn các phương án khả thi... Mục tiêu của CLB là giúp sinh viên hiện thực hóa các dự án khởi nghiệp và phát triển sự nghiệp trong tương lai.

Em Nguyễn Ngọc Khánh, thành viên CLB cho biết: Ban đầu, em có ý tưởng thành lập một nhóm sinh viên để cùng tìm việc làm thêm phù hợp. Sau khi trao đổi và được sự góp ý của các thầy cô, nhóm của em đã xây dựng trang fanpage trên Facebook về giúp việc theo giờ. Hiện nay, nhờ sự giới thiệu của Khoa, chúng em đang được một nhà đầu tư hỗ trợ vốn và đào tạo kỹ năng để xây dựng hoạt động của nhóm chuyên nghiệp hơn với nhiều đầu việc như: giúp việc gia đình, đưa đón học sinh, dạy kèm tại nhà…

Cũng giống như tại Trường Kỹ thuật Đại học Công nghiệp, thời gian qua, phong trào khởi nghiệp của sinh viên Đại học Nông Lâm, cũng ngày càng phát triển. Đặc biệt, tháng 3-2017, Trường đã thành lập Trung tâm ươm tạo công nghệ và hỗ trợ khởi nghiệp để hỗ trợ các hoạt động khởi nghiệp của sinh viên. Ngay sau khi thành lập: Trung tâm đã tổ chức nhiều hoạt động như: diễn đàn khởi nghiệp, tọa đàm, làm việc với đối tác, nhà đầu tư… Nhờ vậy, sinh viên Nhà trường đã được trang bị thêm nhiều kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp để triển khai các ý tưởng của mình. Em Lâm Thị Phương Thảo, thành viên nhóm ý tưởng “Dịch vụ chăm sóc chó mèo di động” đạt giải Nhất trong cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp của Nhà trường chia sẻ: Trong quá trình triển khai ý tưởng, chúng em luôn nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ phía các thầy cô về huy động tài chính, trang thiết bị, kiến thức về thị trường, maketing…

Không riêng gì Đại học Kỹ thuật Công nghiệp, Đại học Nông Lâm, nhiều trường đại học, cao đẳng khác trên địa bàn tỉnh cũng đã tổ chức các CLB, nhóm sở thích về khởi nghiệp để hỗ trợ sinh viên. Hoạt động của các CLB, nhóm này đã giúp sinh viên có cái nhìn khách quan hơn về bản thân, khơi gợi niềm đam mê khởi nghiệp trong giới trẻ.

Thách thức lớn với sinh viên khởi nghiệp

Luôn đầy ắp những ý tưởng, nhưng để khởi nghiệp thành công, các bạn sinh viên gặp không ít khó khăn. Bạn Vương Đức Thắng, Khoa Kinh tế và Phát triển Nông nghiệp, Đại học Nông Lâm bộc bạch: Em có ý tưởng về việc gia tăng giá trị cây thảo quả cho đồng bào dân tộc các tỉnh miền núi phía Bắc. Đây là loại cây dược liệu cho hiệu quả kinh tế cao, nhưng thị trường lại quá phụ thuộc vào thương lái Trung Quốc. Em có ý tưởng về việc mở xưởng chế biến, đóng gói và xuất khẩu thảo quả khô sang các thị trường tiềm năng hơn. Tuy nhiên, ngoài kiến thức thì sự hiểu biết về thị trường, kinh nghiệm, các kỹ năng và vốn để khởi nghiệp của em gặp rất nhiều khó khăn.

Còn 2 bạn Đỗ Thị Trang và Tạ Văn Ánh, sinh viên Đại học Kỹ thuật Công nghiệp thì cho rằng: Với sinh viên, việc cân bằng giữa học trên lớp và dành thời gian triển khai ý tưởng cũng là vướng mắc. Sinh viên với lịch học dày đặc, mối quan hệ ít, kinh nghiệm chưa phong phú rất khó có thể nhận được sự tin tưởng của nhà đầu tư. Bên cạnh đó, các kỹ năng “mềm” như giao tiếp, thuyết trình… của sinh viên vẫn còn hạn chế.

Dưới góc độ các nhà trường, việc hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn. Chị Lý Thị Thùy Dương, cán bộ Trung tâm ươm tạo công nghệ và hỗ trợ khởi nghiệp, Đại học Nông Lâm cho hay: Nhà trường rất quan tâm đến các hoạt động khởi nghiệp của sinh viên, tuy nhiên, sự hỗ trợ của chúng tôi chủ yếu là về kiến thức, giúp sinh viên kết nối với chuyên gia trong các lĩnh vực, hỗ trợ làm hồ sơ xin tài trợ… Còn lại các yếu tố về vốn, thị trường, cơ chế thì Nhà trường chưa thể hỗ trợ hay kết nối cho sinh viên.

Thực tế cho thấy, trên địa bàn tỉnh chưa có một dự án khởi nghiệp nào thực sự được thị trường và người dùng thừa nhận, chưa có những quy định cụ thể về hoạt động khởi nghiệp. Thêm nữa, chưa có không gian chuyên biệt cho các hoạt động trao đổi và phát triển ý tưởng, dự án về khởi nghiệp. Do vậy, để khởi nghiệp trong sinh viên thực sự trở thành hoạt động hiệu quả, thiết nghĩ, cần có mục tiêu phát triển hỗ trợ khởi nghiệp ở các tổ chức, trường học, giải pháp và nguồn lực cụ thể để hành động. Cần thêm nhiều cuộc thi để giới thiệu ý tưởng và sự tham gia nhiều hơn nữa của cộng đồng vào phong trào khởi nghiệp.

Để hỗ trợ sinh viên nói riêng và các dự án khởi nghiệp nói chung, ngày 30-6-2017, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 113 về Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thái Nguyên đến năm 2025. Trong đó, đặt mục tiêu: “…tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới, tập trung vào các ngành, lĩnh vực tiềm năng, thế mạnh trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.”. Theo đó, Giao Sở Khoa học Và Công nghệ xem xét, tìm kiếm các mô hình khởi nghiệp tiềm năng để hỗ trợ về tổ chức, tư vấn pháp lý, tìm kiếm nhà đầu tư, truyền thông…