Nhìn rõ cốt lõi của hạn chế để khắc phục

10:23, 18/09/2017

Thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đã tích cực triển khai các nội dung cải cách hành chính (CCHC) nên công tác này đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, công tác CCHC của tỉnh vẫn còn một số bất cập như: trách nhiệm của người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị chưa cao; trang thiết bị chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra…

Đối với Thái Nguyên, trong năm đầu tiên (năm 2012), xếp hạng chỉ số CCHC Par Index vị trí 26/63 tỉnh, thành, với tổng điểm 79,03. Năm 2013, tụt 12 bậc, xếp vị trí 38 với 77,01 điểm. Năm 2014, được 80,05 điểm, xếp thứ 42/63 tỉnh, thành, tụt 4 bậc so với năm 2013. Năm 2015, bứt phá lên vị trí 22 với tổng điểm 86,71 điểm. Năm 2016, Thái Nguyên có tổng số điểm là 69.03/100 điểm  xếp thứ 54, giảm tới 32 bậc so với năm 2015.

Ngay khi có kết quả, UBND tỉnh đã tổ chức họp rút kinh nghiệm, chủ động xây dựng kế hoạch và tập trung, quyết liệt triển khai nhiều giải pháp cụ thể, với mục tiêu không chỉ nâng cao thứ hạng Chỉ số CCHC mà hướng tới xây dựng chính quyền kiến tạo, liêm chính, phục vụ tốt hơn người dân và doanh nghiệp.

Đồng chí Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, đồng thời cũng là Trưởng Ban Chỉ đạo CCHC của tỉnh trong nhiều cuộc họp đều yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương cần nghiêm túc đánh giá đúng thực trạng công tác CCHC, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong những tháng cuối năm 2017 cũng như những năm tiếp theo. Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền gắn với vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Các sở, ngành tham mưu cho UBND tỉnh cần đề xuất các giải pháp để nâng cao, cải thiện thứ hạng các chỉ số; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa nền hành chính trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước, thực hiện việc quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO tại cấp xã. Tăng cường việc kiểm tra, giám sát nhiệm vụ CCHC tại các ngành, các địa phương cũng như việc thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Để nhìn nhận rõ những hạn chế trong công tác CCHC, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch, quyết định thành lập đoàn kiểm tra công tác CCHC tại các sở, ngành lớn của tỉnh và 3 địa phương là T.P Thái Nguyên, T.X Phổ Yên và huyện Phú Lương. Cùng đoàn công tác của tỉnh đến CCHC tại một số sở, ngành, địa phương chúng tôi nhận thấy để nâng cao chất lượng công tác CCHC vai trò của người đứng đầu vô cùng quan trọng. Ở nơi nào người đứng đầu cấp sở, ngành, địa phương quan tâm, quyết liệt trong chỉ đạo công tác CCHC thì hiệu quả công tác này rất tốt.

Thực tế tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của phường Mỏ Chè, T.P Sông Công chúng tôi thấy khu vực này được đầu tư hiện đại, đồng bộ. Hệ thống bàn quầy làm việc của cán bộ, bố trí khu vực ghế ngồi chờ, bàn viết, bàn uống nước cho nhân dân sạch đẹp. Các TTHC được niêm yết công khai. Theo ông Nguyễn Thái Hà, Chủ tịch UBND phường Mỏ Chè: Chúng tôi xác định đầu tư bộ phận một cửa để nâng cao chất lượng phục vụ chứ không phải là làm hình thức. Vì thế, để đảm bảo các TTHC được giải quyết nhanh gọn, đúng thời gian quy định, UBND phường từng bước hiện đại hóa nền hành chính Nhà nước thông qua việc đầu tư các trang thiết bị: máy tính, nối mạng mạng, ưu tiên cài đặt phần mềm cho các lĩnh vực áp dụng theo cơ chế “Một cửa” và kết nối công nghệ thông tin giữa bộ phận này với các phòng chuyên môn; tập trung rà soát các TTHC, áp dụng giải quyết các TTHC theo quy trình điện tử liên thông TCVN ISO 9001:2008.

Tuy nhiên, thực tế cùng đoàn kiểm tra công tác CCHC tại một số sở, ngành, địa phương chúng tôi nhận thấy công tác này vẫn bộc lộ nhiều hạn chế. Cụ thể, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện đã đưa TTHC ra thực hiện, tuy nhiên tỷ lệ TTHC áp dụng chưa cao: Huyện Phú Lương (133/215 TTHC), Đại Từ (124/215 TTHC). Việc giải quyết TTHC cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh còn nhiều bất cập, còn tình trạng hồ sơ TTHC quá hạn nhất là lĩnh vực đất đai, đầu tư, tư pháp. Đến ngày 31-8-2017, tổng số hồ sơ đang quá hạn trong toàn tỉnh là 2.734 hồ sơ (số liệu trên hệ thống phần mềm theo dõi giải quyết TTHC), tập trung ở T.X Phổ Yên 807 hồ sơ, T.P Sông Công 719 hồ sơ, Phú Bình 717 hồ sơ… Cá biệt ở một số phường, xã của T.P Thái Nguyên một số TTHC thuộc lĩnh vực tư pháp đã hết hiệu lực nhưng vẫn niêm yết, một số TTHC niêm yết khó xem, khó tiếp cận; hệ thống máy tính đã cũ, số lượng ít (1-2 máy tính) không đáp ứng nhu cầu làm việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả; chưa kể là việc chưa thực hiện gửi văn bản điện tử cũng như hầu hết cán bộ, công chức không sử dụng thư điện tử của tỉnh…

Với tinh thần nghiêm túc, thẳng thắn và trách nhiệm, thông qua kết quả kiểm tra vừa qua, Sở Nội vụ với vai trò là cơ quan thường trực công tác này của tỉnh đã chỉ rõ những hạn chế để các sở, ngành, địa phương nhìn nhận vấn đề cốt lõi của hạn chế để đánh giá nghiêm túc thực trạng CCHC của ngành, địa phương mình và triển khai các giải pháp thực hiện nâng cao Chỉ số CCHC trong những tháng cuối năm 2017 và những năm tiếp theo. Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, gắn vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn tỉnh đối với công tác CCHC. Đặc biệt là đối với cán bộ, công chức làm việc tại bộ phận tiếp xúc trực tiếp với công dân, tổ chức cần có thái độ đúng mực, văn minh, xây dựng tác phong làm việc chuyên nghiệp, nâng cao tinh thần phục vụ nhân dân. Mặt khác, các ngành, địa phương cần chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan, đơn vị. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại đơn vị, địa phương….