Phấn đấu loại trừ bệnh dại ra khỏi cộng đồng

07:44, 27/09/2017

Hằng năm, trên thế giới có khoảng 60 nghìn người chết vì bệnh dại và 15 triệu người bị phơi nhiễm bệnh dại phải đi điều trị dự phòng.

Tại Việt Nam, theo báo cáo của các địa phương, năm 2016, cả nước có khoảng 7,7 triệu con chó nuôi. Tuy nhiên, số chó được tiêm phòng vắc-xin dại chỉ đạt hơn 2,9 triệu con, chiếm 38,5% tổng đàn. Gần 56% số tỉnh, thành phố tiêm phòng dại thấp dưới 50% tổng đàn chó.

Việt Nam đặt mục tiêu khống chế bệnh dại trên đàn chó nuôi và trên người vào năm 2021 nhằm tiến tới loại trừ bệnh dại. Trong đó, phấn đấu trên 95% số xã, phường, thị trấn được lập danh sách hộ nuôi chó; tỷ lệ tiêm phòng vắc-xin dại đạt trên 85% tổng đàn chó tại các xã, phường, thị trấn; trên 70% số tỉnh không có ca bệnh dại trên chó trong 2 năm liên tiếp; giảm 60% số tỉnh nguy cơ cao bệnh dại trên người và giảm 60% số người tử vong do bệnh dại ở người vào năm 2021 so với số ca mắc dại trung bình giai đoạn 2011- 2015.

Mặc dù đã có nhiều văn bản pháp luật về phòng chống bệnh dại nhưng việc thực thi luật pháp vào thực tế đang là rào cản lớn nhất trong việc loại trừ bệnh dại ra khỏi cộng đồng. Việc phòng chống bệnh dại tại nhiều địa phương vẫn còn một số tồn tại, bất cập như: công tác quản lý đàn chó nuôi gặp khó khăn; số lượng chó nuôi được tiêm phòng dại đạt tỷ lệ thấp; công tác thông tin tuyên truyền còn yếu kém, rất ít địa phương tuyên truyền về tác hại của việc không tiêm phòng vắc-xin cho chó, không đi điều trị dự phòng khi bị chó cắn; nhận thức của người dân về tác hại của bệnh dại chưa đầy đủ; hầu hết các địa phương chưa có kế hoạch chủ động phòng chống bệnh dại theo quy định về phòng chống dịch bệnh động vật trên cạn.

Để khống chế bệnh dại vào năm 2021, nhằm tiến tới loại trừ bệnh dại, cần tăng cường công tác truyền thông để thay đổi nhận thức của cộng đồng dân cư, chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan; xây dựng kế hoạch phòng chống, giám sát chủ động, bản đồ dịch tễ lưu hành mầm bệnh, ổ dịch, đánh giá hiệu lực vắc-xin phòng chống dại; xây dựng kế hoạch hỗ trợ tiêm vắc-xin, kháng huyết thanh miễn phí cho người nghèo; tăng cường hệ thống các điểm tiêm phòng vắc-xin dại; nghiêm cấm việc sử dụng thuốc nam để chữa bệnh khi bị chó dại cắn; bổ sung việc tiêm phòng bệnh dại trên người vào danh mục được bảo hiểm y tế chi trả...

Quản lý bệnh dại gốc gác cần phải tăng cường quản lý đàn chó nuôi như: xích, nhốt, rọ mõm, tiêu diệt chó thả rông, bên cạnh đó cần đẩy mạnh việc tiêm phòng dại cho đàn chó, tăng cường các biện pháp truyền thông để người dân nắm chắc các biện pháp xử lý vết thương khi bị chó cắn và phòng chống bệnh dại.