Thực hiện công tác cải cách hành chính (CCHC), Sở Y tế đã tham mưu với UBND tỉnh tiến hành sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức, bộ máy cơ quan y tế cấp tỉnh, huyện. Cụ thể, việc sắp xếp, sáp nhập 5 trung tâm trực thuộc Sở Y tế thành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tạo ra sự thay đổi lớn, góp phần tinh gọn bộ máy, giảm đội ngũ cán bộ quản lý, tiết kiệm chi phí cho ngân sách…
Cơ cấu tổ chức của cơ quan Y tế cấp tỉnh gồm các phòng chức năng của Sở Y tế, các chi cục, trung tâm trực thuộc Sở và bệnh viện tuyến tỉnh. Ở tuyến huyện, ngoài phòng y tế (trực thuộc UBND cấp huyện) còn có trung tâm dân số - kế hoạch hóa gia đình, bệnh viện đa khoa và trung tâm y tế dự phòng (YTDP). Điều này cho thấy bộ máy cơ quan y tế của tỉnh có quá nhiều đầu mối dẫn tới dàn trải về nguồn lực đầu tư, lãng phí cán bộ có trình độ chuyên môn… Từ thực tế đó đòi hỏi cần CCHC để sắp xếp, tinh gọn bộ máy của ngành Y tế Thái Nguyên.
Từ ngày 1-9-2017, 5 trung tâm trực thuộc Sở Y tế (gồm: Trung tâm YTDP, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản, Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe, Trung tâm Da liễu và chống phong) được sắp xếp lại thành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh với 185 cán bộ, 3 phòng, 12 khoa, có chức năng, nhiệm vụ của 5 trung tâm nói trên cộng lại. Ông Nguyễn Văn Trường, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Sau khi sắp xếp, Ban Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật có 4 người; 15 cán bộ là giám đốc, phó giám đốc, trưởng khoa, phòng của 5 trung tâm cũ được bổ nhiệm chức vụ quản lý cấp khoa, phòng của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật. Như vậy, hơn 10 cán bộ quản lý cấp khoa, phòng của các trung tâm trước khi sắp xếp tuy không còn chức danh quản lý nhưng vẫn được hưởng phụ cấp trách nhiệm cho đến khi hết nhiệm kỳ. Sau khi sắp xếp, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thừa ra 2 lái xe và 2 xe ô tô; đội ngũ cán bộ, nhân viên sẽ ổn định trong vòng 5 năm nữa, không cần tuyển dụng mới. Nhiều thiết bị chuyên dụng được tập trung vào một đầu mối quản lý, sử dụng nên phát huy tốt công năng…
Các bộ phận thực hiện công tác chuyên môn của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cơ bản không có nhiều thay đổi vì vẫn giữa nguyên so với 5 trung tâm trước đây. Sự thay đổi lớn nhất là cán bộ, nhân viên các bộ phận hỗ trợ, gián tiếp của 5 trung tâm cũ (như: tài chính, kế hoạch, hành chính, tổ chức) đã qua đào tạo nghiệp vụ, chuyên môn… sau khi sắp xếp buộc phải điều động, luân chuyển về các khoa chuyên môn để phù hợp với thực tiễn công việc và đề án vị trí việc làm. Khó khăn nhất hiện nay đối với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh là một số cán bộ, nhân viên làm nhiệm vụ kế toán, văn thư, thủ quỹ ở các trung tâm cũ cần được sắp xếp dần mới phù hợp với vị trí việc làm. Cùng với đó là một số cán bộ lãnh đạo của các trung tâm không đáp ứng đủ các tiêu chí theo quy định của UBND tỉnh, thời gian công tác ngắn, dư so với đề án vị trí việc làm phải hạ cấp quản lý xuống thấp hơn (quản lý khoa, phòng).
Đặc biệt là trên 10 cán bộ nguyên là lãnh đạo trung tâm, quản lý cấp khoa, phòng của 5 trung tâm sau sáp nhập phải thôi giữ chức vụ quản lý do hạn mức theo đề án việc làm chỉ có 1 cấp trưởng và 2 cấp phó, không chuẩn về trình độ chuyên môn, lý luận chính trị. Số cán bộ này đều có tâm trạng, lo lắng nên tập thể cấp ủy, lãnh đạo Sở Y tế đã nhiều lần tổ chức họp quán triệt rõ mục đích, ý nghĩa của sắp xếp, động viên cán bộ chấp hành chủ trương chung. Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Mai Lê, nguyên Phó Trưởng khoa Xét nghiệm của Trung tâm YTDP cho biết: Sau khi sáp nhập 5 trung tâm thành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tôi thôi làm công tác quản lý, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Đây là chủ trương lớn của Nhà nước về tinh gọn bộ máy, tôi chấp hành nhưng cũng có tâm trạng vì cá nhân đã rất nỗ lực học tập nâng cao trình độ và phấn đấu trong nhiều năm qua...
Các trung tâm thuộc Sở Y tế trước đây đều hoạt động độc lập, có cơ sở vật chất, tổ chức bộ máy, tài chính riêng nên giờ thực hiện kiện toàn theo mô hình Trung tâm kiểm soát bệnh tật bước đầu có nhiều xáo trộn, nhất là đội ngũ lãnh đạo quản lý. Song, đây là việc làm tất yếu vì việc Sáp nhập không chỉ thực hiện hiệu quả chức năng kiểm soát bệnh truyền nhiễm; bệnh không lây nhiễm, hướng dẫn chăm sóc sức khỏe ban đầu và nâng cao sức khỏe cho nhân dân mà còn giảm bộ phận hành chính, tăng nguồn nhân lực trực tiếp làm chuyên môn, phương tiện kỹ thuật, tiết kiệm chi phí cho ngân sách. Theo bà Hoàng Thị Kim Yến, Trưởng phòng Tổ chức Cán bộ (Sở Y tế), việc sắp xếp, kiện toàn cơ quan y tế cấp tỉnh, cấp huyện là thực hiện theo sự chỉ đạo của Chính phủ, liên bộ Y tế - Nội vụ và UBND tỉnh với mục tiêu là CCHC mang tính đột phá.
Theo đó, ở tuyến tỉnh sẽ thực hiện mô hình trung tâm kiểm soát bệnh tật trên cơ sở sáp nhập các trung tâm có cùng chức năng; các trung tâm chuyên khoa, trung tâm có giường bệnh chuyển về bệnh viện đa khoa hoặc thành lập bệnh viện chuyên khoa khi có nhu cầu và đủ điều kiện về nguồn lực.
Ở tuyến huyện, sẽ thống nhất thực hiện mô hình trung tâm y tế huyện thực hiện hai chức năng về YTDP và khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng. Các tổ chức như vậy sẽ tập trung đầu mối, huy động được các nguồn lực trong việc cung cấp dịch vụ chuyên môn, kỹ thuật; bộ máy bớt cồng kềnh nhưng hiệu quả công việc và tính lồng ghép cao hơn; tạo thuận lợi trong thực hiện chuyên môn, phòng, chống dịch và luân phiên cán bộ y tế giữa các tuyến.
Sau khi sắp xếp, kiện toàn xong Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trong quý IV/2017, Sở Y tế sẽ tiếp tục thực hiện việc sắp xếp lại các cơ quan y tế cấp huyện trên cơ sở tinh gọn, hiệu quả nhưng hạn chế xáo trộn, đồng thời phù hợp với yêu cầu thực tiễn và điều kiện đặc thù của từng địa phương trong tỉnh.