Khoảng vài năm trở lại đây, cứ vào cuối tuần hay dịp nghỉ lễ, nhiều thanh niên trong tỉnh lại tổ chức thành các nhóm từ 10 đến 20 người đi về những thác nước ở các huyện: Đại Từ, Võ Nhai, Đồng Hỷ... để vui chơi, thư giãn đầu óc sau những ngày làm việc hay học tập vất vả, căng thẳng. Tuy nhiên, việc tắm ở những thác nước này lại tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn bất cứ lúc nào.
Vào một ngày cuối tuần của tháng 8 vừa qua, có dịp trở lại Thần Sa (Võ Nhai), chúng tôi được người dân trong xã dẫn đi tham quan một thác nước ở xóm Trung Sơn (người đến tắm thường gọi là Thác Tiên). Theo quan sát của chúng tôi, tại thác nước có khoảng 100 người, chủ yếu là thanh niên. Trước vẻ đẹp kỳ thú, không khí trong lành, dễ chịu ở nơi đây, hầu hết các nhóm thanh niên đều tỏ vẻ rất thích thú. Anh Nguyễn Văn Cường, ở xóm Vân Hán, xã Văn Hán (Đồng Hỷ) cho biết: Nhóm em có chục người chơi thân với nhau. Cứ cuối tuần, chúng em lại cùng nhau đi chơi ở các thác, suối nước. Thác nước này bọn em mới biết cách đây vài tháng, qua giới thiệu của một số người bạn... Cũng với tâm trạng trên, Anh Nông Quang Đức, ở xóm Tân Sơn, xã Cúc Đường (Võ Nhai) chia sẻ: Mỗi tháng, chúng em lên đây khoảng 5-6 lần vào các ngày nghỉ trong tuần. Đến đây, em cảm thấy rất thoải mái, sảng khoái, nhất là vào những ngày nắng nóng.
Không chỉ ở thác nước này, nhóm bạn của Cường, Đức cũng như nhiều nhóm thanh niên khác ở Đồng Hỷ, Phú Lương, Võ Nhai... còn thường xuyên tổ chức các chuyến đi chơi ở thác nước tại xã Thượng Nung (Võ Nhai) và một số thác nước ở huyện Đại Từ, Đồng Hỷ... Có thể nói, những địa điểm kể trên thực đã thu hút được khá nhiều thanh niên đến vào dịp cuối tuần. Bởi, khung cảnh thiên nhiên rất đẹp, không khí trong lành, mát mẻ. Cũng chính vì thế mà số lượng người đến những nơi này khá đông. Điều đáng nói là dưới chân các thác nước thường có những hố nước khá sâu, chừng 2-3m, có chỗ còn sâu hơn, rất nguy hiểm với người không biết bơi. Không chỉ có vậy, người đến tắm, nhất là thanh niên thường leo lên các hòn đá cao rồi nhảy xuống, nguy cơ bị đập vào đá là rất lớn. Đã có lần, chúng tôi thót tim khi chứng kiến một nhóm thanh niên chừng 20-22 tuổi vừa tắm, vừa đùa nhau, một trong số đó đã bị bạn mình đẩy rơi từ trên cao xuống hố nước dưới chân thác, suýt bị đập đầu vào đá. Bên cạnh đó, nhiều người còn trèo lên các vách đá để hứng dòng nước từ thác chảy xuống. Ông Hoàng Văn Sự, một người dân xã Thần Sa (Võ Nhai) thông tin: Khoảng hơn 1 năm trở lại đây, người dân ở một số nơi trong tỉnh kéo về tắm tại thác nước khá đông, nhất là những ngày nắng nóng hoặc ngày nghỉ lễ. Mặc dù đây là địa điểm khá lý tưởng thu hút người dân đến dã ngoại nhưng nhiều người còn chủ quan khi đến tắm, rất dễ dẫn đến tai nạn không đáng có. Năm ngoái, có một người ở xã Khe Mo (Đồng Hỷ) suýt bị đuối nước do không biết bơi, may mà có người cứu vớt kịp thời...
Được biết, đa phần những thác nước này đều chưa có cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức nào đứng ra quản lý, khai thác phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân. Những địa điểm này cũng hầu như không có biển hướng dẫn, cảnh báo nguy hiểm. Thực tế đã xảy ra những tai nạn đuối nước rất thương tâm. Chắc hẳn chúng ta vẫn còn nhớ, tại khu vực thác Mưa Rơi ở xã Thần Sa (Võ Nhai), Đoàn tình nguyện "Chắp cánh những ước mơ" (Hà Nội) đến xã Thượng Nung tặng quà học sinh địa phương nhân ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6. Khi trở về, một số thành viên trong Đoàn đã lội xuống suối Thần Sa, khu vực chân thác Mưa rơi để chụp ảnh kỷ niệm và 4 sinh viên đã bị đuối nước.
Thiết nghĩ, trong khi chưa có đơn vị, doanh nghiệp đứng ra đầu tư, quản lý, khai thác, chính quyền cơ sở nơi có những thác nước này cần sớm triển khai cắm biển cảnh báo nguy hiểm để người dân được biết và chủ động phòng ngừa, hạn chế những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra.