Có một Thịnh Đán đang đổi thay từng ngày, đó là nhận xét gần như đúc kết của người dân và du khách khi đến vùng đất phía Tây Nam T. P Thái Nguyên.
Bởi trong thời gian chưa đầy 10 năm gần đây, thông qua các dự án đầu tư của Nhà nước và lòng người đồng thuận, đã từng ngày biến cải một vùng đất thuần nông nên đô thị hóa. Với đường phố thoáng rộng, sạch đẹp, nhiều siêu thị, nhà cao tầng... theo nhau mọc lên. Ông Nguyễn Văn Nam, Phó Chủ tịch UBND phường tự hào: Thịnh Đán đang từng bước trở thành một đô thị văn minh hiện đại.
Phường Thịnh Đán có 2.984 hộ, 23 tổ dân phố. Ngoài nhân khẩu sinh sống tại phường, còn có hàng nghìn nhân khẩu đến tạm trú theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung học dạy nghề và lao động tự do. Đây là một trong những thuận lợi để các ngành dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp, kinh doanh nhỏ lẻ phát triển, tăng hằng năm cả về quy mô, số lượng. Như năm 2010, trên địa bàn phường có hơn 500 hộ tham gia kinh doanh, nhưng đến năm 2014, số hộ kinh doanh trên địa bàn phường tăng lên 1.126 hộ, trong đó có 750 hộ đủ điều kiện đưa vào quản lý thuế. Đến hết năm 2016, số hộ tham gia kinh doanh đủ điều kiện đưa vào quản lý thuế tăng lên 800 hộ, và đến hết tháng 6-2017, phường có hơn 1.000 hộ đủ điều kiện đưa vào quản lý thuế.
Trên địa bàn, các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp phát triển ổn định, có giá trị sản xuất ngày càng được nâng cao. Nếu như năm 2010, giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp của phường đạt 2,47 tỷ đồng, thì đến năm 2014 đạt 11,38 tỷ đồng, năm 2016 đạt 36,49 tỷ đồng và 6 tháng đầu năm 2017, đạt 15 tỷ đồng. Theo đó, thu ngân sách của phường tăng nhanh, từ 2,725 tỷ đồng (năm 2010); tăng lên 4,076 tỷ đồng (năm 2014); 5,9 tỷ đồng (năm 2016) và 4,6 tỷ đồng trong thời gian 6 tháng đầu năm. Đây thực sự là “những con số biết nói”.
Do chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tốc độ đô thị hóa trên địa bàn diễn ra khá nhanh. Diện tích đất canh tác trên địa bàn bị thu hẹp, sản lượng lương thực có hạt giảm, nhưng giá trị sản xuất trên 1ha đất nông nghiệp tăng từ 100 triệu đồng lên 130 triệu đồng/ha/năm. Trên địa bàn, các hộ tham gia chăn nuôi từng bước chuyển đổi từ mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi trang trại.
Là một trong những địa phương trọng tâm nằm trong vùng quy hoạch của Trung ương, của tỉnh và của Thành phố có nhiều dự án được quy hoạch, phường luôn xác định công tác giải phóng mặt bằng là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Để thực hiện hoàn thành nhiệm vụ, phường tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật tới mọi người dân. Qua đó, nhận thức của người dân được nâng cao, đồng tình ủng hộ và chấp hành tốt công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Từ năm 2010 đến nay, phường phối hợp với các phòng, ban chức năng các cấp và các chủ đầu tư triển khai công tác giải phóng mặt bằng, với tổng số 17 dự án, như: Dự án Quốc lộ 3 mới Hà Nội - Thái Nguyên, Dự án đường Quang Trung, Dự án đường phục vụ liên hoan trà năm 2011, Dự án nâng cấp cải tạo đường vào Bệnh viện A cũ, công trình xây dựng Trường Tiểu học Lương Ngọc Quyến và xây dựng Trường Mầm non Thịnh Đán. Nhờ có sự đồng thuận của người dân, nhiều công trình trên địa bàn đã được thi công xây dựng hoàn thiện, đưa vào sử dụng phục vụ nhân dân. Hiện phường đang tiếp tục phối hợp với Trung tâm Phát triển quỹ đất thực hiện việc thống kê, bồi thường, giải phóng mặt bằng xây dựng dự án các khu dân cư số 5, 10, 11, 12, Dự án đường Bắc Sơn kéo dài và một số dự án khác.
Nhìn phố phường khang trang, bề thế, cửa hàng, cửa hiệu san sát, người qua lại mua, bán tấp nập phải kể đến công lao của cư dân trong phường. Điển hình như ở tuyến đường vào Bệnh viện A cũ, nhân dân hiến đất và tài sản trên đất trị giá gần 10 tỷ đồng. Còn tại các tổ dân phố, trong thời gian hơn 5 năm gần đây, nhân dân hiến đất, góp tiền làm được 1,8km đường bê tông, 2km đường điện chiếu sáng, 9 cổng tổ dân phố với tổng số tiền hơn 7 tỷ đồng, trong đó nhà văn hóa tổ 19 được nhân dân đóng góp hơn 1 tỷ đồng để xây dựng mới. Những tháng đầu năm 2017, các tổ dân phố 5, 12, 18, 20, nhân dân tiếp tục đóng góp xây dựng nhà văn hóa. Hiện nhà văn hóa tổ dân phố 12 đã được xây dựng hoàn thiện.
Chuyện xây dựng nhà văn hóa, ông Nguyễn Duy Đạc, cư dân tổ 6 nói tự hào: Ngôi nhà văn hóa của tổ rộng hơn 100m2, tiền xây dựng là do nhân dân trong tổ đóng góp. Nhờ có nhà văn hóa, người dân trong tổ có điều kiện thuận lợi hơn khi tham gia hội họp đóng góp ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và tham gia các hoạt động thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ.
Từ một vùng đất thuần nông lên đô thị hóa, nhưng người dân phường Thịnh Đán không bỡ ngỡ, mà chủ động, tích cực chuyển đổi ngành nghề, phù hợp với sự phát triển chung của xã hội. Và đang từng bước vươn lên trở thành một trung tâm văn hóa, kinh tế của các xã khu vực phía tây T.P Thái Nguyên.