Vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y: Còn lúng túng trong xử phạt

16:44, 27/09/2017

Từ ngày 15-9-2017, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y của Chính phủ chính thức có hiệu lực (Nghị định số 90/NĐ-CP). Trên địa bàn tỉnh, người dân đang rất quan tâm đến việc bắt chó thả rông và chế tài quản lý, xử phạt của cơ quan chức năng thì việc triển khai quy định này vẫn còn chậm và lúng túng.

Theo Nghị định số 90, với hành vi không đeo rọ mõm cho chó, không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng sẽ bị phạt tiền từ 600.000 đến 800.000 đồng. Trường hợp chủ nuôi không tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo cũng chịu mức phạt tương tự. Đối với trường hợp người thả rông chó trong thành phố, nơi công cộng hoặc để vật nuôi gây thiệt hại cho người khác sẽ bị phạt từ 100.000 - 1.000.000 đồng. Nếu động vật bị mắc bệnh, có dấu hiệu mắc bệnh mà không được cách ly, chăm sóc, chữa bệnh thì người sở hữu cũng sẽ bị phạt từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng…

Trước những quy định như trên, nhiều người dân bày tỏ ý kiến đồng tình. Chị Nguyễn Thị Nga, ở xóm Vũ Trấn, xã Thượng Đình (Phú Bình) bộc bạch: Tôi rất ủng hộ những quy định này. Vì nếu không đeo rọ mõm, không xích giữ, chó có thể gây nguy hiểm cho người đi đường bất cứ lúc nào. Còn bà Hoàng Thị Lụa, ở xóm 2, xã Phú Tiến (Định Hóa) kể: Cháu ngoại tôi từng bị chó của các hộ trong xóm cắn 2 lần. Việc thả rông chó rất nguy hiểm đối với những người xung quanh.

Về phía những người nuôi chó, tuy đã có quy định rõ ràng về các trường hợp xử phạt, bắt giữ chó, nhưng nhiều người dân vẫn lo lắng cho vật nuôi của mình. Chị Đỗ Thùy Linh, ở phường Trưng Vương (T.P Thái Nguyên) chia sẻ: Chiều nào tôi cũng chó ra Quảng trường Võ Nguyên Giáp để đi dạo. Chó nhà tôi rất ngoan và chưa từng gây hại cho người khác. Tôi rất lo lắng khi nghe thông tin chó thả rông sẽ bị bắt và tiêu hủy.

Còn anh Hoàng Khắc Dương, ở phường Hoàng Văn Thụ, một người cũng nuôi chó thắc mắc: Tôi không rõ các quy định về việc bắt chó thả rông, nếu chó nhà tôi chơi trước cửa nhà có bị gọi là chó thả rông?

Trong khi dư luận đang đặt ra nhiều câu hỏi liên quan thì về phía tỉnh Thái Nguyên, dù Nghị định đã có hiệu lực được hơn 10 ngày nhưng công tác triển khai vẫn còn nhiều lúng túng. Ông Nguyễn Văn Nam, Phó Chủ tịch UBND phường Thịnh Đán (T.P Thái Nguyên) cho biết: Chúng tôi chưa nhận được bất cứ một văn bản nào của tỉnh, thành phố về việc thực hiện Nghị định số 90 trên địa bàn. Đến nay, vì chưa có hướng dẫn cụ thể nên chúng tôi chưa triển khai các quy định xử phạt nêu trong Nghị định. Còn ông Vũ Anh Tuấn, Chủ tịch UBND phường Trưng Vương (T.P Thái Nguyên) cho hay: Là phường nằm ở trung tâm thành phố với nhiều địa điểm sinh hoạt công cộng tập trung đông dân cư, việc quản lý chó thả rông cũng là một trong những vấn đề khó khăn của chúng tôi trong thời gian qua. Phường hiện chỉ có 1 cán bộ thú y và không có bất kì một phương tiện nào trang bị cho việc bắt và xử lý chó thả rông.

Cũng giống như các phường ở T.P Thái Nguyên, các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh cũng chưa nhận được công văn chính thức về việc triển khai Nghị định số 90 trên địa bàn. Một số địa phương cũng mới chỉ vận động người dân đăng ký thông tin về vật nuôi với UBND xã, phường, thị trấn. Còn việc xử phạt vi phạm hành chính vẫn chưa thể triển khai. Giải thích về điều này, ông Lê Đắc Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y (Sở Nông nghiệp và PTNT) thông tin: Hiện nay, chúng tôi đã trình UBND tỉnh kế hoạch triển khai Nghị định số 90. Sau khi UBND tỉnh phê duyệt, kế hoạch sẽ được chuyển đến các địa phương cấp huyện và cấp xã để triển khai phù hợp với đặc điểm và khả năng về nhân sự, phương tiện của tỉnh.

Nhiều năm qua, Thái Nguyên liên tiếp có ngưởi tử vong do dại. Đây cũng là loại bệnh truyền nhiễm duy nhất có người tử vong trên địa bàn tỉnh những năm gần đây. Theo thông từ Trung tâm Phòng chống bệnh tật tỉnh, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 2 ca tử vong do dại. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2017, trên địa bàn tỉnh có trên 5.100 người phải tiêm phòng vắc xin phòng dại, 1.175 phải tiêm huyết thanh kháng dại sau khi bị chó cắn. Trong những trường hợp đến tiêm phòng, không ít người bị chó thả rông cắn. Bên cạnh ảnh hưởng đến sức khỏe, chó thả rông còn có nguy cơ gây mất an toàn giao thông, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, môi trường. Trong khi toàn tỉnh mới chỉ có khoảng 50% đàn vật nuôi được tiêm phòng dại, các quy định trong Nghị định số 90 là cần thiết để đảm bảo an toàn cho người dân. Nghị định đã quy định rõ ràng, tuy vậy, việc triển khai hiệu quả ở cấp cơ sở cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành với những cách làm hợp lý.