Cảm nhận Phú Đình

08:06, 04/10/2017

Giữa Thu, nắng vàng như rót mật. Theo con đường nhựa uốn lượn qua những xóm, làng, chúng tôi tìm về miền quê giàu truyền thống cách mạng Phú Đình (Định Hóa). Vẫn còn đó di tích Tỉn Keo, nơi Bác Hồ đã ở và làm việc từ năm 1947 đến 1948 và cũng là nơi Hồ Chủ tịch cùng Bộ Chính trị quyết định Chiến dịch Đông Xuân 1953-1954.

Vẫn còn đây di tích đồi Nà Đình, xóm Khuôn Tát, nơi Hồ Chủ tịch ở và làm việc cùng các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp… Những người con của Phú Đình luôn tự hào với truyền thống cách mạng của nơi mình đã sinh ra và lớn lên. Bởi thế, bao năm qua họ luôn có ý thức vươn lên xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Anh Lý Hoàng Huy, Phó Chủ tịch UBND xã cho hay: Người dân Phú Đình sống phụ thuộc chủ yếu vào sản xuất cây lúa và cây chè. Với nhiều nỗ lực, 5 năm trở lại đây, đời sống của bà con được cải thiện rõ rệt, số hộ nghèo đã giảm đáng kể. Đầu năm 2016, xã có 590 hộ nghèo, chiếm trên 38% thì đến nay đã giảm được gần 90 hộ nghèo…

Tìm hiểu chúng tôi được biết, hiện nay xã Phú Đình có trên 200ha lúa. Giống lúa được địa phương đưa vào sản xuất chủ yếu là Bao Thai - giống lúa đặc sản nổi tiếng thơm ngon, nằm trong chương trình xây dựng thương hiệu nông sản của huyện Định Hóa và của tỉnh. Để nâng cao năng suất lúa, góp phần đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn, xã đã khuyến khích bà con tích cực đầu tư thâm canh lúa. Nhờ đó, 3 năm trở lại đây, năng suất lúa của xã luôn đạt trên 50 tạ/ha, tăng khoảng 5 tạ/ha so với 5 năm trước. Riêng vụ xuân vừa qua, năng suất lúa của xã đạt 52 tạ/ha.

Bà Lý Thị Mây, xóm Khuôn Tát cho biết: Do gieo cấy, chăm bón, thu hoạch, bảo quản lúa đúng quy trình kỹ thuật nên năng suất lúa của bà con ngày càng tăng cao. 5 năm nay, người dân chúng tôi không chỉ đủ gạo để ăn mà còn có dư thừa để bán lấy tiền sắm sửa thêm các tiện nghi phục vụ cho sinh hoạt của gia đình như ti vi, nồi cơm điện, tủ lạnh và chăm lo cho con cái học hành…

Cùng với cây lúa, chè cũng là cây trồng chủ lực của địa phương. Hiện tại, xã có hơn 220ha chè. Nhằm nâng cao giá trị kinh tế cho cây chè, địa phương khuyến khích người dân chuyển đổi giống chè; đầu tư thâm canh tăng năng suất chè; sản xuất chè an toàn theo quy trình VietGAP… Đến nay, xã đã có gần 50% diện tích chè giống mới (LDP1, Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên, TRI 777…) năng suất cao, chất lượng tốt. Ngoài ra, hằng trăm héc ta chè của xã đang được sản xuất theo quy trình VietGAP. Anh Ma Đình Chung, cán bộ phụ trách nông nghiệp của xã nói: Từ năm 2012 đến nay, năng suất chè của xã tăng đáng kể. Trước đây, năng suất chè chỉ đạt khoảng 70 tạ chè búp tươi/ha thì nay đã tăng lên trên 100tạ/ha. Giá bán chè bình quân của bà con cũng tăng lên. Trước đây chỉ bán với giá từ 50 đến 70 nghìn đồng/kg chè búp khô thì nay đã tăng lên từ 90 đến 120 nghìn đồng/kg. Có nhiều gia đình ở 3 xóm Phú Ninh 1, 2, 3 (chiếm khoảng 50% diện tích chè của xã) đã bán chè với giá từ 200 đến 300 nghìn đồng/kg. Nhiều hộ có thu nhập từ 150 đến 200 triệu đồng/năm từ sản xuất chè.

Bên cạnh việc phát triển cây lúa, cây chè, các ngành tiểu thủ công nghiệp, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, dệt thổ cẩm, đồ lưu niệm trên địa bàn xã cũng đã phát triển, phục vụ nhu cầu mua sắm của du khách. Hiện, xã có khoảng 20% số lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch. Dự báo, trong thời gian tới, con số này có thể tăng lên.

Đặc biệt, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, kết cấu hạ tầng nông thôn ở miền quê này đã được quan tâm đầu tư. Đến nay, 23 xóm, bản trong xã đều được sử dụng điện lưới Quốc gia, nguồn điện ổn định, đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân. Ngoài ra, hệ thống đường giao thông liên xã, liên xóm của xã cũng đã được bê tông tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân.

Đáng nói là, hiện các công trình xây dựng nằm trong dự án bảo tồn và tôn tạo các điểm di tích thuộc vùng ATK nằm trên địa bàn xã đã hoàn thành để đón khách tham quan. 10 năm nay, mỗi năm có hàng trăm nghìn lượt khách tới đây tham quan. Trong thời gian tới, các điểm di tích sẽ tiếp tục được trùng tu, cải tạo, nâng cấp hứa hẹn thu hút thêm nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đến với Phú Đình và mở ra hướng phát triển du lịch sinh thái - lịch sử - văn hóa cho địa phương.

Lần nào trở về quê hương cách mạng Phú Đình, chúng tôi đều cảm thấy vững tâm, bởi cuộc sống của người dân nơi đây đang phát triển từng ngày. Diện mạo của vùng quê này cũng đã đổi thay với những cung đường bê tông uốn lượn tới từng ngõ xóm; bao ruộng lúa, nương chè xanh trải dài tít tắp; từng dãy nhà lớp học cao tầng khang trang, sạch đẹp… Mong miền quê này sẽ ngày càng đổi thay tích cực hơn nữa.