Đánh giá điều trị lâm sàng và cận lâm sàng trên bệnh nhân HIV/AIDS

09:35, 10/10/2017

WHO khuyến cáo sử dụng xét nghiệm tải lượng virus (TLVR) trong theo dõi điều trị ARV. So với đếm số lượng tế bào CD4, TLVR là phương pháp chính xác, có độ nhạy cao và chi phí hiệu quả hơn trong đánh giá đáp ứng điều trị HIV.

TS. BS Đỗ Duy Cường, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, từ trước năm 2017, theo dõi và đánh giá đáp ứng điều trị tại Việt Nam chủ yếu qua xét nghiệm CD4 và đánh giá lâm sàng thường quy. Do chi phí cao, xét nghiệm TLVR chưa phổ biến và chỉ thường sử dụng rất hạn chế trong các trường hợp đánh giá thất bại điều trị.

Năm 2016, Việt Nam cam kết thực hiện chiến lược 90-90-90 vào năm 2020, có nghĩa là đạt được mức 90% số người nhiễm sẽ biết được tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV; 90% số người nhiễm HIV đã được điều trị ARV kiểm soát được số lượng virus ở mức thấp nhất. Trong đó, 90% số người điều trị đạt được TLVR dưới ngưỡng ức chế.

Nhằm hỗ trợ Việt Nam đạt được mục tiêu 90-90-90 trong phòng, chống HIV/AIDS, PEPFAR (Kế hoạch Cứu trợ Khẩn cấp được Tổng thống Hoa kỳ) đã hỗ trợ xét nghiệm TLVR thường quy tại 5 tỉnh trọng điểm bao gồm: T.P Hồ Chí Minh, Sơn La, Nghệ An, Điện Biên và Thanh Hoá.

TS. BS Đỗ Duy Cường cho hay, giai đoạn tới, theo dõi TLVR thường quy sẽ được mở rộng cho các phòng khám trên toàn quốc. Mục tiêu nghiên cứu nhằm mô tả kết quả điều trị về lâm sàng, miễn dịch và vius học ở các bệnh nhân theo dõi tải lượng virus thường quy tại phòng khám ngoại trú, Bệnh viện Bạch Mai. Đồng thời mô tả tỉ lệ tử vong và nguyên nhân tử vong sau 3 năm điều trị ở các bệnh nhân trên.

Tại Bệnh viện Bạch Mai, các bệnh nhân được nghiên cứu thuần tập, theo dõi trong 3 năm kể từ thời điểm tham gia nghiên cứu. Thời gian thực hiện từ 4/2011–4/2014. Địa điểm nghiên cứu tại phòng khám ngoại trú, khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai.

Lứa tuổi bệnh nhân đã được chọn là trên 18 tuổi. Đủ tiêu chuẩn điều trị ARV tại thời điểm tham gia. Chưa từng điều trị ARV hoặc đã dừng điều trị ít nhất 3 tháng kể từ thời điểm tham gia trở về trước Loại trừ các bệnh nhân có tiền sử thất bại điều trị bậc 1 hoặc có kháng thuốc với các thuốc điều trị bậc 1.

Các bệnh nhân được theo dõi trong 3 năm. Đánh giá lâm sàng CD4, TLVR và các xét nghiệm khác (6 tháng/lần).

Phân tích số liệu cho thấy, nhập liệu bằng phần mềm Microsoft Access và phân tích bằng phần mềm STATA 12.0.

Thống kê mô tả được sử dụng để mô tả các biến số nghiên cứu (tần số/tỉ lệ % đối với biến định tính và trung vị/IQR đối với biến định lượng).

TS. BS Đỗ Duy Cường cho biết, đặc điểm lâm sàng, miễn dịch và virus học tại thời điểm ban đầu cho kết quả, tỉ lệ bệnh nhân có giai đoạn lâm sàng 3 hoặc 4 cao tại thời điểm ban đầu, lần lượt là 12,81% và 20,37%. Trung vị số lượng tế bào CD4 là 130 tế bào/mm3, trong đó có tới 46,6% có CD4<100 tế bào/mm3. Trung vị tải lượng virus ở mức cao, 113.000 bản sao/mL. Tỉ lệ bệnh nhân có đồng nhiễm viêm gan C là 40,28% và viêm gan B là 12,96%. Có 34,26% bệnh nhân ở tình trạng thiếu cân (BMI<18,5). Tỷ lệ bệnh nhân thiếu máu là 57,65%.

Sau 36 tháng điều trị, nghiên cứu ghi nhận 51 bệnh nhân tử vong, chiếm 7,86% bệnh nhân nghiên cứu. Phần lớn bệnh nhân tử vong trong vòng 6 tháng đầu điều trị. Trung vị thời gian tử vong là 3.27 tháng.

Nguyên nhân tử vong chủ yếu, bao gồm: Lao (25,49%); viêm màng não do nấm Cryptococcus (5,88%); các bệnh lý về gan hoặc viêm gan (15,69%).

Trung vị số lượng tế bào CD4 thời điểm 36 tháng là 352 tế bào/cm3, trong đó tỉ lệ bệnh nhân có CD4>500 tế bào/cm3 là 33,20%. Về tải lượng virus HIV, ghi nhận tại thời điểm 36 tháng có tới 91,89% bệnh nhân ở mức dưỡi ngưỡng phát hiện (<10 bản sao/mL).

Khuyến nghị,  tỷ lệ cao các bệnh nhân HIV/AIDS đáp ứng tốt với điều trị gợi ý việc mở rộng theo dõi TLVR thường quy trên nhóm bệnh nhân HIV/AIDS. Bên cạnh đó, cần chú trọng quản lý và điều trị sớm các nhiễm trùng cơ hội phổ biến bao gồm lao, viêm phổi P.C.P và Toxoplasma.

Các bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm nấm Cryptococcus và Talaromyces marneffei đều ở giai đoạn muộn, tỉ lệ tử vong cao, gợi ý việc chẩn đoán sớm các nhiễm trùng này trước khi điều trị.

Tỷ lệ cao các bệnh nhân có viêm gan và tử vong do các bệnh lý về gan cho thấy, mức độ lồng ghép điều trị viêm gan B, C cho bệnh nhân đồng nhiễm là rất cấp thiết.