Để trẻ có bữa ăn an toàn, chất lượng

10:24, 04/10/2017

Nguồn thực phẩm trước khi đưa vào trường học được kiểm soát một cách chặt chẽ, giáo viên tự trồng rau xanh cho trẻ hoặc huy động nguồn thực phẩm an toàn từ các bậc phụ huynh… Đó là những biện pháp thiết thực mà Trường Mầm non Ba Hàng (T.X Phổ Yên) quan tâm thực hiện tốt để mang đến cho các cháu học sinh bữa ăn an toàn, chất lượng.

Có mặt tại Trường Mầm non Ba Hàng khi các cô nuôi đang tất bật chuẩn bị bữa ăn trưa cho các cháu, chúng tôi thấy, thức ăn vẫn còn nóng sốt, thực đơn khá đa dạng. Đặc biệt, các dụng cụ đựng, bảo quản thức ăn được vệ sinh sạch sẽ, sắp xếp ngăn nắp. Trao đổi với chúng tôi, cô giáo Đặng Thị Minh Thu, Hiệu trưởng Trường Mầm non Ba Hàng cho biết: Hiện, trường có 11 nhóm lớp với 390 trẻ ở hai độ tuổi Nhà trẻ và Mẫu giáo nuôi dạy bán trú 100%. Xác định, công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) đặc biệt quan trọng đối với bậc học mầm non nên Nhà trường đã quan tâm làm tốt công tác này. Hằng năm, trường đều cử giáo viên, đặc biệt là các cô nuôi tham gia lớp tập huấn VSATTP do Thị xã tổ chức và tổ chức kiểm tra sức khỏe định kỳ 2 lần/năm.

Cùng với đó, bếp ăn bán trú của Nhà trường được xây dựng theo quy trình bếp ăn một chiều và đã được Trung tâm Y tế Thị xã công nhận đạt chuẩn. Trong đó, nơi chế biến thực phẩm tươi sống, khu để thức ăn chín, khu chia thức ăn được quy định rõ ràng; dụng cụ, đồ dùng đựng thức ăn đều được rửa sạch, tráng nước sôi và phơi khô trước khi sử dụng. Để duy trì công tác đảm bảo VSATTP trong bữa ăn hằng ngày của trẻ, ngay từ đầu năm học, Nhà trường đã lựa chọn các cơ sở cung cấp thực phẩm uy tín, đảm bảo chất lượng để ký kết hợp đồng. Khi thực phẩm đưa về trường mỗi ngày, Ban Giám hiệu Nhà trường đều cử đại diện ký kết giao nhận. Qua kiểm tra cảm quan, nếu nguồn thực phẩm đảm bảo tươi, sống, rau củ quả không bị thối hỏng, dập nát... mới đồng ý sử dụng. Sau khi chế biến thức ăn trong ngày, trường đều lưu lại mẫu theo quy định.

Để tăng cường nguồn thực phẩm an toàn cho trẻ, tận dụng khoảng đất trống gần 100m2, các giáo viên trong Nhà trường đã trồng đa dạng các loại rau, nuôi lợn hoặc gà để bổ sung nguồn thực phẩm cho các cháu. Cứ mùa nào thức nấy, các cô trong trường đều tranh thủ thời gian trồng rau và thay phiên nhau chăm sóc để góp phần làm phong phú bữa ăn cho trẻ. Nguồn rau tự trồng này đã đáp ứng nhu cầu từ 2-3 bữa ăn/tuần cho các cháu. Với mục tiêu đảm bảo an toàn trong từng bữa ăn của trẻ, Nhà trường còn huy động nguồn thực phẩm tươi, sạch từ các bậc phụ huynh.

Chị Nguyễn Thị Thu Hương, một phụ huynh học sinh cho biết: Các bậc cha mẹ rất ủng hộ việc huy động nguồn thực phẩm an toàn của Nhà trường, khi có thực phẩm như rau, thịt, cá nuôi, trồng được họ mang đến ủng hộ hoặc được Nhà trường mua lại. Hằng tháng, Hội Cha mẹ học sinh của Nhà trường đều tổ chức kiểm tra đột xuất việc nhập nguyên liệu, chế biến thực phẩm và nấu ăn của trẻ. Bởi thế, khi cho con học bán trú tại đây, tôi rất yên tâm khi con được ăn uống đầy đủ, sạch sẽ và vui khỏe sau mỗi ngày đến trường.

Để trẻ có bữa ăn ngon, ngoài việc đảm bảo nguồn thực phẩm thì thực đơn cũng luôn được thay đổi theo mùa, theo tuần và theo ngày, đảm bảo dinh dưỡng của trẻ. Cô Nguyễn Thị Hồng, một trong những cô nuôi của trường thông tin: Căn cứ vào nhu cầu phát triển của trẻ, chúng tôi đã chủ động tìm hiểu để đa dạng thực đơn mỗi ngày với đầy đủ chất đạm, béo, tinh bột, vitamin, khoáng chất... Với tiêu chuẩn 13.000 đồng/ngày, Nhà trường xây dựng thực đơn 2 bữa ăn chính và 1 bữa phụ, trong đó, bữa trưa ăn cơm có một món mặn, món canh, trái cây; bữa ăn phụ có cháo hoặc bún, sữa, trái cây… Trong tuần, chúng tôi cũng liên tục thay đổi thực đơn, cách chế biến tránh sự nhàm chán để kích thích trẻ ăn ngon miệng. Cùng với thức ăn thì nước uống cũng được đảm bảo vệ sinh, phù hợp với thời tiết nóng, lạnh; khu vực trong và ngoài lớp học cũng như bếp ăn thường xuyên được vệ sinh sạch sẽ nhằm tiêu diệt mầm bệnh.

Từ những giải pháp thiết thực trên, công tác VSATTP của Trường Mầm non Ba Hàng luôn được đảm bảo. Trong những năm học qua, Nhà trường chưa để xảy ra trường hợp nào bị ngộ độc thực phẩm; không có dịch bệnh truyền nhiễm... Năm học 2016-2017, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng còn 5,9%, giảm 0,2% so với năm học trước; tỷ lệ trẻ phát triển bình thường đạt trên 97%; 100% trẻ trong độ tuổi mẫu giáo được đến trường... Hầu hết các bậc phụ huynh đều hài lòng, tin tưởng và phối hợp tốt với Nhà trường trong công tác chăm sóc, giáo dục trẻ.