Với mục tiêu nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, hỗ trợ tích cực thực hiện các nhiệm vụ của Hội và góp phần đẩy mạnh công tác đối ngoại của tỉnh, thời gian qua, công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế luôn được các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh chú trọng thực hiện, mở rộng trên nhiều lĩnh vực. Qua đó cũng từng bước khẳng định vị thế, vai trò của phụ nữ trong mọi mặt của đời sống xã hội.
Thời gian qua, bên cạnh việc vận động các tầng lớp phụ nữ chủ động, tích cực thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, hỗ trợ chị em nâng cao năng lực, trình độ, xây dựng gia đình hạnh phúc, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần thì công tác đối ngoại trong thời kỳ hội nhập quốc tế cũng được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh chú trọng triển khai thực hiện.
Cụ thể, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên về công tác đối ngoại được Hội triển khai thường xuyên; các cấp Hội đã tổ chức trên 2.500 cuộc tuyên truyền về lĩnh vực này, thu hút 240 nghìn lượt cán bộ, hội viên tham gia. Cùng với đó, trong vòng 10 năm (2007-2017), Hội LHPN tỉnh đã phối hợp với 10 đối tác tổ chức thực hiện 33 chương trình, dự án (trong đó có 22 dự án cấp tỉnh, 11 chương trình, dự án cấp huyện), tập trung vào các lĩnh vực: Nâng cao thu nhập; tập huấn kiến thức về giới và bình đẳng giới; phòng chống HIV/AIDS; bảo vệ quyền cơ bản cho nhóm phụ nữ và trẻ em yếu thế; củng cố tổ chức Hội LHPN các cấp; đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ Hội; thúc đẩy kinh tế hợp tác; phát triển cộng đồng bền vững; phòng, chống mua bán người; thúc đẩy quản lý cộng đồng; vệ sinh an toàn thực phẩm, sản xuất nông nghiệp an toàn; hỗ trợ sinh kế; chăm sóc sức khỏe; vệ sinh môi trường. Các cấp Hội đã chủ động hợp tác với các đối tác như: Liên minh châu Âu EU, Cơ quan Hợp tác và Phát triển Thụy Sỹ (SDC), Tổ chức Hợp tác phát triển quốc tế Thụy Điển (SIDA), Văn phòng Tổ chức Bánh mì cho thế giới của Đức tại Việt Nam… triển khai thực hiện các chương trình, dự án trên địa bàn tỉnh.
Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức gian hàng giới thiệu các mặt hàng nông sản đặc trưng của các địa phương với bạn bè quốc tế.
Quan hệ hợp tác giữa Hội LHPN tỉnh với các nước và tổ chức quốc tế được duy trì, mở rộng và phát triển. Nhiều vấn đề nóng, nổi cộm, nhiều lĩnh vực xã hội quan tâm như: vấn đề giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng; chống phân biệt, đối xử, tạo cơ hội cải thiện cuộc sống với người nhiễm HIV; đào tạo nghề cho lao động nữ nông thôn; xóa đói giảm nghèo; phát triển kinh tế hợp tác; thực hiện các quyền trẻ em, bình đẳng giới... được Hội LHPN tỉnh triển khai thực hiện, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho cán bộ, hội viên và người dân tại các địa bàn thuộc các huyện, thành, thị trong toàn tỉnh. Nhiều dự án sau khi kết thúc được duy trì và nhân rộng góp phần tích cực giải quyết các vấn đề xã hội, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị của các địa phương và của tỉnh.
Thực hiện chương trình “Vận động phụ nữ tham gia xây dựng và bảo vệ biên giới”, Hội LHPN tỉnh duy trì có hiệu quả chương trình kết nghĩa giữa Hội và Đồn Biên phòng Ngọc Côn, Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng, Đồn Biên phòng Nacosa, Bộ đội Biên phòng Điện Biên. Qua đó, thắt chặt tình đoàn kết quân dân, tạo niềm tin cho cán bộ chiến sỹ biên phòng, góp phần củng cố quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Mô hình thâm canh lúa cải tiến SRI thuộc Dự án phát triển cộng đồng tổng hợp cấp thôn, bản do tổ chức Bánh mỳ cho thế giới của Đức tài trợ được Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ôn Lương (Phú Lương) triển khai thực hiện.
Sau gần 10 năm triển khai tại các xã Ôn Lương (Phú Lương), Tân Thịnh (Định Hoá) dự án “Phát triển cộng đồng tổng hợp cấp thôn bản” do Tổ chức Bánh mỳ cho thế giới của Đức tài trợ, thông qua Hội LHPN tỉnh Thái Nguyên đã góp phần không nhỏ vào việc xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, văn hoá xã hội, tạo sinh kế cho người dân địa phương.
Na Pặng vốn là một trong những xóm nghèo của xã Ôn Lương (Phú Lương), với trên 100 hộ dân, 80% là người dân tộc thiểu số, nhận thức của người dân còn hạn chế, kinh tế xã hội nhiều khó khăn. Với mục tiêu, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống đồng bào dân tộc thiểu số, giúp họ giảm sức lao động, nâng cao thu nhập, cải thiện môi trường sống và được tiếp cận các điều kiện sinh hoạt về vật chất, tinh thần, từ năm 2007, Tổ chức Bánh mỳ cho thế giới của Đức (BFDW) đã hỗ trợ Hội LHPN xã Ôn Lương để thực hiện Dự án “Phát triển cộng đồng tổng hợp cấp thôn bản”. Theo đó, người dân được tập huấn kiến thức khoa học kỹ thuật về sản xuất, chăn nuôi; hỗ trợ trang thiết bị máy móc như: tôn sao chè, máy cắt lúa, bể chứa nước, xây chuồng trại, nhà vệ sinh…; xây dựng các mô hình sản xuất, chăn nuôi, áp dụng phương pháp canh tác hiện đại nhằm tăng năng suất trên cùng một đơn vị diện tích; hỗ trợ thành lập các câu lạc bộ nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, đặc biệt là chị em phụ nữ trong việc chăm sóc sức khoẻ cộng đồng như vệ sinh môi trường, sắp xếp đồ dùng trong gia đình gắn với chương trình “5 không, 3 sạch”…
Trong vòng 2 năm thực hiện Dự án, bộ mặt xóm đã thay đổi đáng kể. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 32 hộ (năm 2008) nay còn 9 hộ, 100% các hộ gia đình có đầy đủ các vật dụng như xe máy, ti vi… Xóm có đường bê tông đi lại thuận tiện, có nhà văn hoá, sân thể thao phục vụ sinh hoạt cộng đồng. Người dân đã biết sắp xếp các vật dụng ngăn nắp, sạch sẽ, chăm lo con cái học hành đến nơi đến chốn. Các phong trào văn hoá, văn nghệ, hội họp đều được người dân nhiệt tình hưởng ứng. Chị Dương Thị Phương, là một trong những hộ được hỗ trợ trực tiếp từ dự án cho biết: Điều lớn nhất chúng tôi học được từ dự án là có kiến thức khoa học kỹ thuật, biết cách tính toán, đầu tư trong sản xuất kinh doanh, từ đó đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện, có thời gian chăm sóc gia đình cũng như tham gia các hoạt động xã hội.
Theo bà Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, những dự án được các tổ chức quốc tế tài trợ trên địa bàn tỉnh đã có tác động lớn đến việc thay đổi nhận thức, hành vi, chất lượng cuộc sống của các nhóm đối tượng thụ hưởng và cộng đồng, vị thế của người phụ nữ được khẳng định và nâng cao. Tuy nhiên, việc khai thác và vận động nguồn lực từ các tổ chức quốc tế còn ít, các mô hình có cách tiếp cận triển khai mới trong khi cán bộ tham mưu về công tác đối ngoại trong các cấp Hội còn hạn chế về ngoại ngữ, kiến thức và kỹ năng đối ngoại. Do đó, chúng tôi sẽ tiếp tục bồi dưỡng kiến thức, tuyên truyền công tác đối ngoại bằng nhiều hình thức cho cán bộ, hội viên; đưa những kinh nghiệm, mô hình mới, góp phần thúc đẩy vào công tác đối ngoại của tỉnh nhà.