Dự án hai khu nghỉ dưỡng cao cấp với mức đầu tư cả nghìn tỷ đồng đã triển khai được nhiều năm, nhưng các hạng mục mới thì chưa xây dựng, còn các hạng mục đã thực hiện lại xuống cấp, đổ nát nên cả vùng đất trước lung linh, thơ mộng bên hồ Núi Cốc giờ hoang hoá. Quỹ đất vàng này bị dự án “treo” nên vô dụng; nhà đầu tư không còn đủ năng lực nhưng vẫn cố níu giữ; cơ quan quản lý lại “cái lý không bằng tý cái tình” khiến việc giải quyết dứt điểm hay tìm lối thoát cho hai dự án này đều bế tắc…
Dự án Khu du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng Quốc tế Hồ Núi Cốc được UBND tỉnh cấp phép đầu tư cho Công ty cổ phần Khoáng sản và Công nghiệp Chiến Công từ tháng 3-2011 với tổng số vốn thực hiện 480 tỷ đồng, trên diện tích 150ha, tại 2 xã: Phúc Xuân và Phúc Trìu (T.P Thái Nguyên). Về tiến độ thực hiện Dự án, đến hết quý III-2017, chủ đầu tư mới mới giải phóng mặt bằng được 10ha, thực hiện một số hạng mục như: sân khấu chính; bãi đỗ xe số 3; 1 tầu chở khách; 12 gian nhà gỗ trưng bày sản phẩm trà (phố trà Chiến Công)...Tổng chí phí đền bù giải phóng mặt bằng, xây dựng các hạng mục thuộc Dự án khoảng 50 tỷ đồng (theo báo cáo của Chủ đầu tư). Đây là đơn vị đã có nhiều đóng góp lớn với tỉnh trong quá trình tổ chức Fastival Trà Quốc tế Thái Nguyên các năm: 2011, 2013, 2015 và được các cấp, ngành của tỉnh, người dân bị ảnh hưởng tạo mọi điều kiện thuận lợi để thực hiện Dự án.
Tuy nhiên, từ khi được cấp phép đầu tư Dự án đến nay, ngoài một số hạng mục công trình đã thi công kể trên, Công ty cổ phần Khoáng sản và Công nghiệp Chiến Công không tiếp tục hoàn thiện các hạng mục còn lại (theo danh mục đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt). Phần lớn diện tích đất trong phạm vi ảnh hưởng của Dự án đang thuộc quyền sử dụng của các tổ chức, cá nhân đã được cơ quan Nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bị hạn chế chuyển mục đích, sang nhượng, xây dựng công trình và đầu tư phát triển các loại cây trồng lâu năm. Đặc biệt là trong quá trình triển khai Dự án, chủ đầu tư cam kết hỗ trợ tiền thuê nhà, di dời cho các hộ nằm trong vùng giải phóng mặt bằng (các hộ ở xã Phúc Trìu 680 triệu đồng; các hộ ở xã Phúc Xuân 330 triệu đồng) đến nay vẫn chưa thanh toán nên người dân rất bức xúc. Do vậy, trong các đợt tiếp xúc cử tri của cơ quan dân cử các cấp đều có kiến ý kiến đề nghị cơ quan chức năng có thẩm quyền có biện pháp thúc đẩy nhanh Dự án; giải quyết bức xúc của người dân.
Sau nhiều lần có văn bản đốc thúc nhưng chủ đầu tư Dự án vẫn không tiếp tục triển khai các hạng mục còn lại nên ngày 5-5-2016, liên ngành của tỉnh gồm các sở: Kế hoạch - Đầu tư, Xây dựng; Sở Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và PTNT, Ban quản lý Khu du lịch vùng hồ Núi Cốc; UBND T.P Thái Nguyê) đã làm việc với đại diện chủ đầu tư là ông Hoàng Như Hùng, Giám đốc Dự án này. Tại buổi làm việc, đại diện các ngành và chủ đầu tư đều thống nhất nội dung Dự án triển khai chậm tiến độ so với thời gian cấp phép của UBND tỉnh. Nhà đầu tư thông tin tình hình khó khăn của doanh nghiệp nên chưa bố trí được vốn tiếp tục thực hiện Dự án và đề nghị cho doanh nghiệp tái cơ cấu lại bộ máy đến hết tháng 10-2016. Sau khi tái cơ cấu lại Công ty, chủ đầu tư sẽ tiếp tục thực hiện Dự án Khu du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng Quốc tế Hồ Núi Cốc, nhưng đến nay các hạng mục công trình mới chưa xây dựng, hạng mục đã thi công thì xuống cấp nghiêm trọng, trở thành bãi đổ nát vô cùng lãng phí về tài sản của doanh nghiệp và tài nguyên đất của Nhà nước, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hình ảnh ấn tượng du lịch của tỉnh (Dự án nằm trên cung đường tham quan vùng chè đặc sản Tân Cương và khu Nam hồ Núi Cốc).
Ngoài Dự án Khu du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng Quốc tế Hồ Núi Cốc, Công ty cổ phần Khoáng sản và Công nghiệp Cao Bằng (đều do ông Đinh Huy Chiến làm Chủ tịch HĐQT) được UBND tỉnh cấp phép đầu tư Dự án khu du lịch sinh thái Nam Hồ Núi Cốc với tổng số vốn 830 tỷ đồng trên diện tích 180ha từ năm 2011 (có danh mục sân golf 36 lỗ). Qua gần 6 năm triển khai, chủ đầu tư mới bỏ ra khoản kinh phí khoảng 30 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng 1ha đất, san lấp mặt bằng bãi đỗ xe số 1, xây dựng lặp đặt biển điện tử quảng cáo khu nghỉ dưỡng…Khi chúng tôi tìm hiểu thực tế tại hai khu nghỉ dưỡng cao cấp này thấy chỗ nào cũng hoang vắng, rác và cỏ dại che kín lối đi. Cả hai khu chỉ còn vài người làm công tác bảo vệ nhưng không có lương ổn định (bảo vệ được nhận 1 triệu đồng/tháng) nên tự thu 10.000 đồng/lượt khi có người đến câu cá, chụp ảnh, đi picnic gia đình và nuôi thêm vài con bò để có thu nhập.
Hai Dự án này được cấp phép thực hiện trên tích đất lớn và ở những vị trí rất đắc địa, tiềm năng phát triển du lịch, thương mại bậc nhất của tỉnh nên một lần nữa công luận đề nghị cơ quan cấp phép đầu tư, các cơ quan chức năng liên quan của tỉnh và UBND T.P Thái Nguyên nên tái họp liên ngành để yêu cầu chủ đầu tư thực hiện nghiêm túc theo quy định của pháp luật về đầu tư.