Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế cho biết: Tại Việt Nam, mất cân bằng giới tính khi sinh tuy diễn ra muộn hơn các nước châu Á khác nhưng tốc độ gia tăng nhanh chóng. Từ năm 2001 đến nay, tỉ số giới tính khi sinh ở Việt Nam liên tục tăng và tốc độ càng ngày càng khó kiểm soát.
Năm 2014, tỉ số giới tính khi sinh là 112,2 bé trai/100 bé gái, năm 2015 lên đến 118 bé trai/100 bé gái. Nếu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn tiếp tục gia tăng, dự tính đến năm 2050 Việt Nam sẽ phải đối mặt với viễn cảnh có khoảng 2,3 - 4,3 triệu nam giới không tìm được vợ để kết hôn.
Mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam xuất hiện chủ yếu ở các đô thị và nhất là ở vùng Thủ đô. Nguyên nhân chính của vấn đề này là do hệ tư tưởng Á Đông, trọng nam khinh nữ, mong muốn có con trai để nối dõi tông đường, thừa kế tài sản. Tư tưởng lạc hậu này ảnh hưởng nghiêm trọng đối với xã hội và chống lại vấn đề bình đẳng giới.
Giải quyết tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh là vấn đề cấp bách, quan trọng, yêu cầu sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, toàn dân. Trong thời gian tới, rất cần có sự vào cuộc quyết liệt của toàn xã hội, qua đó từng bước kiểm soát tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức bình thường, góp phần chuyển hướng chiến lược từ kế hoạch hóa gia đình sang thời kỳ dân số và phát triển.