Người con gái Đồng Tháp

11:23, 20/10/2017

Nhớ ngày kỷ niệm thành lập Trung đoàn 320, anh em cựu chiến binh chúng tôi từ miền Bắc vào dự, đơn vị cũ đang đóng quân tại T.P Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Trước khi vào buổi lễ chúng tôi được đơn vị tổ chức cho đi thăm viếng nghĩa trang liệt sĩ huyện Tam Nông. Nơi đây có nhiều phần mộ của các liệt sĩ trong đơn vị và nhiều đồng chí quê hương miền Bắc. Anh em chúng tôi dâng hương đến từng liệt sĩ nhiều đồng chí tuổi đời còn rất trẻ, bùi ngùi tiếc thương các liệt sĩ đã cống hiến đời mình cho Tổ quốc để chúng tôi được hưởng cuộc sống thanh bình như ngày hôm nay.

Khi ra đến hàng mộ ngoài cũng bỗng gặp một phụ nữ trung tuổi mặc bộ bà ba đen, cổ quấn khăn rằn, tóc búi tròn. Chị đứng hồi lâu trước ngôi mộ như có điều gì tâm sự. Tới bên đồng chí Chính ủy Trung đoàn, tôi tò mò hỏi và được biết chị Thu Mây, lẽ ra chị được làm con dâu của chiến khu Việt Bắc. Tôi mạnh dạn đến cạnh chị và hẹn tới nhà thăm gia đình và được nghe câu chuyện tình duyên của chị.

Một ngày chúng tôi đến nhà chị. Biết chúng tôi là bộ đội giải phóng, năm 1975 đã về đóng quân tại địa phương và tại gia đình, má chị và chị rất vui mặc dù mấy chục năm đã qua, nhưng cả chủ và khách đều cảm thấy như vừa mới đây. Qua câu chuyện, được biết má chị Thu Mây - má Tám nay đã gần 90 tuổi, nhưng vẫn minh mẫn khỏe mạnh. Bà Tám kể, chồng bà là ông Trần Đình Hòe, quê ở Vân Hóa, Tuyên Hóa (Quảng Bình). Ông có mặt trong đoàn quân Nam tiến. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc để lại cho bà ba người con gái. Thu Mây là lớn nhất. Bà đã dồn cả tình thương, vượt mọi khó khăn vất vả để nuôi các con khôn lớn.

Và một ngày ông Hòe, Chỉ huy Trung đoàn Pháo binh quân giải phóng, chiến đấu từ Tây Nguyên xuống đồng bằng sông Cửu Long, tham gia giải phóng Sài Gòn năm 1975. Ông từ trần năm 1995 ở tuổi 75.

Chị Thu Mây cho biết, dưới thời ngụy quyền chị hoạt động trong phong trào học sinh, sinh viên tại T.X Cao Lãnh. Sau ngày đất nước thống nhất chị tham gia Hội Liên hiệp Phụ nữ T.X Cao Lãnh. Khi đó đơn vị quân giải phóng chúng tôi về đóng quân tại địa phương và ở tại gia đình chị thời gian khá lâu. Những mẩu chuyện chiến đấu, những đêm giao lưu văn nghệ càng thêm gắn bó tình quân dân. Và từ đó chị có cảm tình với anh Đặng Văn Lợi - chỉ huy Phân đội trinh sát, quê ở Trung Lương, Định Hóa (Thái Nguyên). Những buổi chị cùng anh Lợi trên chiếc xuồng ba lá đi giăng câu ngoài cánh đồng, những câu chuyện về quê hương của hai người càng in sâu vào trí nhớ.

Chị kể, quê chị có hai mùa mưa nắng, mùa mưa từ tháng 8 dương lịch cho đến tháng 1 năm sau và cũng là lúc nước từ sông Mê Kông tràn về mang theo phù sa, nước về đến đâu cây lúa mọc theo tới đó, tôm cá cũng ùa về theo. Dân trong này gọi là mùa nước nổi, bởi muốn đi ra ruộng phải đi bằng xuồng. Người già kể lại nơi đây có cánh đồng thẳng cánh cò bay, có gò đất rộng gần 5.000m2, ở giữa có ngôi chùa do dân Việt khai phá lập nên dễ có gần hai ngàn năm. Năm 1956, chùa bị lính ngụy di chuyển đi nơi khác, chúng xây lên tháp mười tầng để quan sát cán bộ, bộ đội ta qua cánh đồng rộng lên tận biên giới Campuchia. Không để chúng làm đài viễn vọng quan sát, năm 1959, quân ta đánh sập tháp, đến nay trên nền gò còn nền đá.

Nhớ lại những ngày đầu hai người đi giăng câu bắt cá, giữa cánh đồng nước mênh mông trên chiếc xuồng ba lá giọng hò từ xa vọng lại nghe man mác cá cõi lòng: Sông sâu cá lội biệt tăm/ Phải duyên chồng vợ ngàn năm năm em vẫn chờ. Tình cảm hai người ngày càng gắn bó, đã hứa kết duyên cùng nhau. Thu Mây nói: “Nếu duyên không thành thì em ở vậy, không yêu ai nữa”. Tình yêu chân thành của Mây và Lợi trong đơn vị, bà con trong xóm ai cũng đều khen đẹp đôi và mong hai người sớm nên duyên vợ chồng. Đất nước mới thoát khỏi ách giặc ngoại xâm chưa được vài năm giặc bên kia biên giới lăm le xâm lấn đất nước nơi biên giới Tây Nam của Tổ quốc. Vào giữa năm 1978, bọn Pôn pốt đưa quân áp sát biên giới nước ta. Đơn vị chúng tôi được lệnh sẵn sàng chiến đấu, các đơn vị đi điều nghiên xây dựng kế hoạch chiến đấu không cho chúng lấn chiếm một tấc đất của ta.

Tối 11/9/1978, anh Lợi cùng một tổ đi trinh sát địa hình chuẩn bị cho tác chiến sắp tới, xuồng vừa cập bở kênh, bọn địch bắn xối xả xuống đội hình của ta. Anh Lợi và tổ trinh sát bắn trả lại, dũng mãnh xông lên, bọn địch vừa bỏ chạy vừa quay đầu bắn lại. Không may một viên đạn trúng vào anh Lợi, anh em đưa anh Lợi về quân y cấp cứu. Bà con dân xóm đến thăm anh trong đó có Thu Mây. Khi mọi người ra về thì Thu Mây nán lại. Nếu anh không qua khỏi em cho anh nằm lại đất mẹ Tháp Mười, Thu Mây gật đầu rồi động viên anh điều trị, lời hứa của em, lời dặn của anh, em sẽ giữ trọn. Vì vết thương quá nặng. Anh Lợi đã hy sinh ở tuổi 28 khi cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tổ quốc mới bắt đầu. Ít năm sau anh Lợi được quy tập về nghĩa trang huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp.

Sau ngày anh Lợi hy sinh, Thu Mây được các bà, các chị em tín nhiệm bầu vào Ban Chấp hành Phụ nữ thị xã. Ngày đi làm, tối về quây quần cùng gia đình, thời gian cứ lặng lẽ trôi mau sự phấn đấu của bản thân giúp đỡ của tổ chức năm 1981, Thu Mây được kết nạp vào Đảng. Sau khi học Trường Nguyễn Ái Quốc học, năm 1985, chị được đề bạt làm Giám đốc Công ty Thương nghiệp T.X Cao Lãnh và kinh qua các chức vụ: Phó Chủ tịch HĐND thị xã; Phó ban Pháp chế HĐND tỉnh, sau đó chị công tác tại Ban tôn giáo tỉnh. Khi nghỉ hưu, với tinh thần trách nhiệm nên được bầu vào Ban giám đốc bảo trợ nhân đạo (trẻ mồ côi, người khuyết tật, người già cô đơn). Ở cương vị nào, chị Thu Mây vẫn luôn nêu cao tinh thần người đảng viên.