Nhiều lợi ích từ các mô hình tổ hợp tác

16:39, 31/10/2017

Theo thống kê của Liên minh Hợp tác xã, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 7.000 tổ hợp tác (tổ liên kết) hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Không chỉ góp phần giải quyết tình trạng thiếu vốn, nhân công, yếu về kỹ thuật và khó tìm đầu ra cho sản phẩm, các mô hình tổ hợp tác (THT) còn đóng vai trò “cầu nối”, phát huy tinh thần đoàn kết giữa các hộ sản xuất để cùng nhau phát triển.

Xuất phát từ ý tưởng tạo việc làm cho các hộ phụ nữ nghèo, đồng thời sử dụng nguyên liệu gạo Bao Thai sẵn có của địa phương để sản xuất mỳ gạo phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, tháng 6-2011, THT sản xuất và kinh doanh mỳ gạo Bao Thai ở xóm Bản Lanh, xã Kim Phượng (Định Hóa) đã được thành lập với 6 thành viên. Ngoài số tiền 40 triệu đồng được hỗ trợ để mua máy móc từ Dự án phụ nữ Thái Nguyên phát triển kinh tế hợp tác, các thành viên THT đã tự nguyện góp vốn đầu tư xây dựng nhà xưởng, mua sắm thiết bị. Chị Nông Thị Dung, Tổ trưởng THT cho biết thêm: Để tráng mỳ gạo theo dây chuyền thì phải có ít nhất 4-5 người đứng máy thực hiện nhiều khâu, từ đổ bột gạo lên nồi tráng bằng điện, đặt tấm phên tre để máy quét bột tráng ra phên, cắt bánh tráng, phơi nắng đến cắt sợi rồi phơi khô mỳ. Các khâu trong dây chuyền này chúng tôi đều phải làm liên tục cho đến khi tráng hết bột, nếu không phối hợp nhịp nhàng với nhau thì không thể sản xuất được... Từ chỗ sản xuất riêng lẻ, thủ công, khi các thành viên liên kết với nhau đã đem lại hiệu quả khả quan: Do sản xuất bằng máy móc liên hoàn nên sản lượng mỳ gạo làm ra tăng đáng kể, sản phẩm của THT từng bước khẳng định được chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Trung bình mỗi ngày, THT chế biến 130kg gạo, thu được 100kg mỳ khô bán ra thị trường, thu nhập bình quân của các thành viên đạt từ 2-2,2 triệu đồng/người/tháng.

Đối với THT đồ gỗ mỹ nghệ Nguyễn Hiền, ở phường Đồng Bẩm (T.P Thái Nguyên), mặc dù mới đi vào hoạt động được hơn 1 năm nhưng đã phát huy được hiệu quả khi tập trung được sức sáng tạo, khả năng lao động của các thành viên. Anh Nguyễn Xuân Hiền, Tổ trưởng, cho biết: Làm đồ gỗ mỹ nghệ không giống như những nghề khác bởi nó đòi hỏi sự khéo léo và tỷ mỷ, do vậy, tốn rất nhiều thời gian. Để làm 1 pho tượng cỡ trung hoàn chỉnh, trung bình một người thợ phải cần từ 2-6 tháng. Tuy nhiên, thời gian này sẽ rút xuống khoảng phân nửa khi phân công lao động rõ ràng: người vỡ (tạo khối), gọt (tạo nét) và mặt (hoàn thiện). Đó cũng chính là lý do mà chúng tôi liên kết lại với nhau để thành lập THT với 3 tổ viên ban đầu. Với sản phẩm chính là tượng dân gian, tượng thờ, con giống, mỗi tháng, THT xuất ra thị trường khoảng 40-50 pho tượng lớn nhỏ với đủ loại chất liệu như: bừu nghiến, gù hương, hoàng đàn, gỗ lũa... Doanh thu của THT ước đạt 50-70 triệu đồng/tháng, đồng thời giải quyết việc làm cho 4 lao động thường xuyên với thu nhập trung bình đạt 10-15 triệu đồng/người/tháng.

Không chỉ tập trung nhân lực, nhiều THT còn được thành lập với ý nghĩa là “hạt nhân” trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Ông Phan Đức Thụ, Trưởng xóm Gốc Gạo, xã Tức Tranh (Phú Lương) cho biết: Nghề chè ở xóm Gốc Gạo đã có từ lâu, song bà con vẫn chủ yếu canh tác theo phương pháp truyền thống, hiệu quả chưa cao. Sau khi đi tham quan một số mô hình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP, chúng tôi đã quyết định triển khai đến các hộ dân trong Làng nghề. Hơn 40 hộ đã mạnh dạn thực hiện trước, cùng nhau thành lập THT sản xuất chè VietGAP. Với 15ha chè được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, mỗi lứa THT xuất ra thị trường khoảng 6-8 tấn chè búp khô, giá bán dao động 250-300 nghìn đồng/kg. Không chỉ được hướng dẫn về kỹ thuật, THT còn là đầu mối nhận hỗ trợ khi từ đầu năm tới nay, liên tục có các dự án triển khai như: Dự án sản xuất chè an toàn chất lượng cao, Dự án phát triển làng nghề… Qua đây, các tổ viên trong THT được nhận hỗ trợ phân bón, máy móc thiết bị chế biến chè, dàn tưới chè tự động…

Ngoài các THT nói trên thì thực tế trên địa bàn tỉnh những năm qua đã ghi nhận rất nhiều THT mới ra đời, lĩnh vực phong phú, đa dạng. Trong đó, nhiều THT phát triển mạnh đã chuyển hình thức hoạt động lên tổ chức cao hơn là HTX, như: THT chè Hảo Đạt thành HTX chè Hảo Đạt (T.P Thái Nguyên), THT rau an toàn Thị trấn Hùng Sơn thành HTX rau an toàn Thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ), THT gà đồi Phú Bình thành HTX Chăn nuôi, trồng trọt và dịch vụ nông nghiệp Đông Thịnh (Phú Bình)… Tuy nhiên, bên cạnh những THT hiệu quả thì không thể phủ nhận sự tồn tại một số THT có hoạt động thiếu liên kết chặt chẽ, thiếu bền vững, thời gian hợp tác chỉ mang tính thời vụ, không có định hướng lâu dài. Mặt khác, tính cơ sở pháp nhân của các THT chưa cao (không có con dấu, tài khoản riêng) cũng gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc thống kê, theo dõi và đánh giá tính hiệu quả của loại hình này, đồng thời, khiến các THT gặp khó khăn trong giao dịch kinh tế, tranh thủ chính sách ưu đãi của Nhà nước... 

Trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Xuân Tình, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: Hiệu quả từ các THT mang lại đã rõ, tuy nhiên, để các mô hình phát triển theo hướng bền vững không hề đơn giản. Khó khăn lớn nhất trong việc mở rộng sản xuất chính là tâm lý e ngại của người dân trong việc tổ chức kinh tế hợp tác. Vì vậy, việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu và nhân rộng các mô hình mới là rất quan trọng. Khi người dân nhận thấy được hiệu quả thiết thực từ các mô hình hợp tác cụ thể sẽ tích cực tham gia. Thiết nghĩ, các cấp, ngành cần quan tâm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho loại hình này phát triển bền vững, phát huy hết hiệu quả, tính ưu việt của nó. Mặt khác, các THT cần nêu cao tính tự chủ, khai thác tiềm năng sẵn có để củng cố hoạt động…