Nữ cán bộ Hội yêu phong trào, mê làm kinh tế

07:37, 20/10/2017

“Tôi nghĩ, làm công tác xã hội thì mình cần được mọi người ủng hộ. Mà muốn được như vậy thì bản thân mình phải luôn gương mẫu đi đầu trong mọi phong trào, nhất là về phát triển kinh tế gia đình...”. Với tâm niệm đó, trong suốt 17 năm qua, chị Phùng Thị Hưởng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Hoàng Nông (Đại Từ) thực sự trở thành một “thủ lĩnh” dẫn dắt phong trào Hội phát triển, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của gia đình các hội viên.

Vượt khó đi lên

Chị Phùng Thị Hưởng sinh năm 1971, quê gốc ở huyện Hoài Đức (thuộc tỉnh Hà Tây cũ, nay là T.P Hà Nội). Nhìn chị còn khá trẻ so với tuổi 46 của mình. Trò chuyện với chúng tôi, chị kể: Trước đây, cuộc sống của vợ chồng tôi rất khó khăn, tài sản lớn nhất là chiếc xe đạp cũ và 3 sào ruộng. Dù lặn lội sớm hôm, tay cày tay cuốc, làm thuê làm mướn khắp nơi nhưng cái nghèo vẫn bám riết... Đến năm 1995, được sự giúp đỡ của anh em, bạn bè, vợ chồng chị quyết định rời quê lên xã Hoàng Nông (Đại Từ) và mua được 1ha đất đồi để phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống. Ban đầu cũng lúng túng vì chưa biết cách làm ăn, lại không có họ hàng thân thích bên cạnh.

Nhờ tham gia sinh hoạt chi hội phụ nữ ở xóm Đoàn Kết, được tham dự các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật và học tập kinh nghiệm tại nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả, vợ chồng chị đã mạnh dạn xóa bỏ vườn tạp để trồng cây ăn quả. Sau khi trồng táo ta, vải thiều được vài năm mà hiệu quả không cao, đến năm 2005, anh chị đã vay vốn ngân hàng để chuyển sang trồng 100 cây bưởi Diễn, 400 cây cam Canh và nhận khoán hồ nước rộng 3,5ha của xóm (nằm ngay cạnh nhà) để phục vụ nguồn nước tưới cho vườn cây, đồng thời đầu tư nuôi cá giống. Từ đó, gia đình chị bắt đầu xây dựng mô hình vườn - ao - chuồng khép kín.

Chị Hưởng cho biết thêm: Lúc đó, gia đình tôi đi đầu trong trồng các loại cây này ở xã nên chưa có kinh nghiệm. Vừa làm, vừa tích cực học hỏi, chăm bẵm sau 3 năm, vườn cây đã cho những trái ngọt đầu tiên... Với tâm niệm đưa sản phẩm an toàn đến tay người tiêu dùng, từ năm 2012, gia đình chị là hộ đầu tiên của xã đăng ký sản xuất theo quy trình VietGap. Nhờ vậy, sản phẩm của chị luôn được khách hàng tin tưởng đến tận nhà thu mua. Đến nay vườn nhà chị Hưởng có trên 300 cây bưởi, trên 400 cây cam canh, cam vinh, 50 gốc táo Đài Loan, cộng với nuôi ong mật… Mỗi năm, gia đình chị thu hàng tấn hoa quả các loại, trừ chi phí thu nhập hơn 300 triệu đồng/năm. Nhiều năm liền, hộ gia đình chị được các cấp khen thưởng vì sản xuất kinh doanh giỏi. Kinh tế ổn định, chị có điều kiện mua sắt thiết bị trong gia đình, nuôi dạy con cái học hành.

 “Mái nhà thứ hai” của các hội viên

Với chị em ở xã Hoàng Nông, từ lâu họ đã coi Hội LHPN xã như mái nhà thứ hai của mình. Bởi ở đó, họ không chỉ được giao lưu văn hoá, văn nghệ, được tham quan, hướng dẫn; hỗ trợ vay vốn để gây dựng các mô hình kinh tế; mà còn được chia sẻ, động viên kịp thời những lúc gặp khó khăn, hoạn nạn; nâng cao nhận thức, kiến thức trong mọi lĩnh vực.

Vốn là người “mê” phong trào, vì thế, từ khi chuyển lên đây sinh sống, chị đã tích cực tham gia vào Chi hội Phụ nữ xóm. Thấy hoạt động sôi nổi, chị em phụ nữ và người dân tín nhiệm lần lượt bầu chị làm Chi hội trưởng chi hội Phụ nữ xóm, đại biểu HĐND xã, Phó Chủ tịch MTTQ xã, rồi Chủ tịch Hội LHPN xã. Hoàng Nông vốn là xã nghèo, hơn 30% là người dân tộc thiểu số, đời sống kinh tế, nhận thức của chị em còn hạn chế. Vì vậy, để chị em tích cực tham gia vào công tác Hội là một điều không dễ, có những chi hội rất khó kết nạp được hội viên. Để khắc phục được điều này, ban đầu chị khuấy động phong trào vào dịp 20-10, 8-3, các ngày lễ, Tết bằng nhiều hoạt động như giao lưu văn nghệ, thi hái hoa dân chủ, tổ chức giải bóng đá; tổ chức cho chị em đi du lịch, tham quan các mô hình phát triển kinh tế, mô hình trồng cây ăn quả của gia đình… Nhờ vậy, chị em trong xã rất hào hứng tham gia.

Thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới của xã, chị chỉ đạo các chi hội tuyên truyền đến các hội viên của mình tích cực lao động sản xuất; nêu cao tinh thần tự giác hiến đất xây dựng đường giao thông liên xã (Bản Ngoại - Tiên Hội - Hoàng Nông). Theo đó, từ năm 2011 đến nay có khoảng 80 gia đình hội viên ở 5 xóm hiến trên 17.000m2 diện tích đất; vận động trên 400 gia đình hội viên đóng góp ngày công, tiền của để xây dựng đường giao thông, nhà văn hoá xóm…

Với nhiệm vụ “vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường” thời gian qua, chị đã tuyên truyền, chỉ đạo thành lập được 17/18 câu lạc bộ (CLB) “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” thu hút hơn 800 hội viên tham gia; thành lập 2 chi hội nòng cốt bảo vệ môi trường; 1 CLB “Giúp nhau phát triển kinh tế và giúp con học tốt”; 1 CLB Phụ nữ phát triển kinh tế tại 6 xóm vùng đệm chân núi Tam Đảo… Vận động chị em đẩy mạnh kinh tế gia đình, chuyển đổi cây trồng già cỗi, kém hiệu quả sang cây trồng có giá trị như trồng chè giống mới, cây ăn quả; áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất. 

Đặc biệt, ý tưởng “Tổ chức giúp công lao động cho chị em phụ nữ gặp hoàn cảnh khó khăn” do chị khởi xướng từ năm 2003 đến nay vẫn được duy trì hiệu quả. Hiện, có 100% các xóm đều duy trì tổ giúp công lao động, qua đó đã giúp nhiều chị em vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Chị Tô Thị Kiều, xóm Đoàn Kết cho biết: Tháng 7 vừa rồi, hai mẹ con tôi đều phải nhập viện, vợ chồng tôi không biết xoay sở ra sao. Thấy hoàn cảnh vậy, chị Hưởng đã huy động các chị em đến giúp gia đình tôi hái chè, làm việc nhà, thăm hỏi, chăm sóc mẹ con tôi khiến tôi thấy rất cảm kích. Mô hình trồng bưởi, cam nhà tôi đang phát triển cũng nhờ chị ấy tư vấn, giúp đỡ đấy.

Chị Hưởng cho biết thêm: Hàng năm, căn cứ vào danh sách hộ nghèo, chị quán triệt và giao cho các chi hội giúp đỡ mỗi năm, mỗi xóm giúp đỡ ít nhất một hộ thoát nghèo bằng hình thức hỗ trợ vay vốn ngân hàng, vốn tiết kiệm phụ nữ, giúp công lao động. Nhờ vậy, mà tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm đáng kể. Hiện có 67 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ, giảm 14 hộ so với năm 2016. Nhiều người thoát nghèo trở thành những điển hình phát triển kinh tế như chị Lê Thị Loan xóm Cầu Đá, chị Vũ Thị Thuý, xóm Đoàn Kết…

Làm công việc “vác tù và” này tuy vất vả, thậm chí nhiều khi phải bỏ tiền túi ra song chị Hưởng không vì thế mà nản. Tham gia công tác Hội chị thấy được hoàn thiện mình, hiểu biết rộng và hơn cả là niềm vui khi các hội viên của mình thoát nghèo, làm giàu, hăng hái cùng địa phương xây dựng nông thôn mới.