Hàng trăm người dùng chung một chiếc cốc nhựa, nguy cơ lây nhiễm bệnh qua dường hô hấp, tiêu hóa cao và khó kiểm soát. Đó là băn khoăn của không ít phụ huynh học sinh khi đóng tiền nước uống hàng tháng cho con dịp đầu năm học mới.
Hệ thống nước lọc tinh khiết dùng để uống đa phần được lắp đặt tại nhiều cơ quan, nơi công cộng có đông người sử dụng rất tiện ích. Ở các trường học trên địa bàn T.P Thái Nguyên đều có thiết kế lắp đặt hệ thống nước lọc tinh khiết để phục vụ cho giáo viên và học sinh. Để đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng cũng như việc duy trì, bảo dưỡng, vận hành, hàng tháng học sinh phải đóng một khoản tiền nhất định để chi trả cho loại hình dịch vụ này. Tiện ích chính là nhà trường yên tâm có nước sạch đạt tiêu chuẩn quốc gia để sử dụng hàng ngày, học sinh cũng không phải ra khỏi cổng trường mua nước uống khi đã đến trường học. Tuy nhiên, tại các buổi họp phụ huynh học sinh đầu năm học, đã có không ít ý kiến băng khoăn: “Nước sạch công cộng vừa uống vừa lo lây nhiễm bệnh vì cả hệ thống lọc chỉ có chục chiếc cốc nhựa để sẵn đó mà không có hệ thống rửa cốc. Khi hàng trăm học sinh uống thì làm sao bảo đảm vệ sinh được”? Chính điều này đã khiến một số phụ huynh thắc mắc: “Nước sạch nhưng chưa tạo được niềm tin, dẫn đến học sinh nộp tiền nhưng chưa được sử dụng thỏa đáng dịch vụ và mất tiền mua nước uống nhưng không dám uống phải mang theo nước từ nhà đến lớp”.
Qua khảo sát thực tế tại một số trường trên địa bàn T.P Thái Nguyên chúng tôi thấy, hầu hết các trường đều xây cao tầng, việc vận chuyển nước đến phòng học là khó khăn, nên học sinh có nhu cầu thì chủ động đến khu vực đặt thiết bị tủ lọc nước công cộng tại sân trường. Một số trường tiểu học cũng đã tổ chức dịch vụ đưa bình nước đến từng lớp học cho học sinh, nhất là các lớp tổ chức học bán trú (Trường Tiểu học Phú Xá), học sinh có nhu cầu uống nước được giáo viên khuyến cáo rửa cốc trước khi uống, hoặc tự trang bị cho mình dụng cụ uống nước cá nhân (chai, cốc nhựa, ca inox…).
Song thực tế để học sinh thực hiện tốt các quy tắc ATVSTP là rất khó vì phụ thuộc vào nhận thức và hành vi sử dụng nước uống của từng cá nhân. Giáo viên không thể quán xuyến, kiểm soát hết việc các em học sinh uống nước như thế nào cho hợp vệ sinh. Đối với nhóm học sinh lớn tuổi hơn (THCS,THPT) thì nhà trường chỉ bố trí hệ thống nước lọc tinh khiết công cộng tại sân trường, việc uống nước như thế nào hoàn toàn tùy thuộc nhận thức của học sinh. Mặc dù có nhiều tiện ích, nhưng chưa thật hợp lý, khi mà các lớp học ở xa vị trí uống nước, hoặc trên tầng cao. Ở góc độ giáo dục kiến thức vệ sinh dịch tễ và ATVSTP có thể thấy học sinh đều hiểu rõ những nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh và biện pháp vệ sinh công cộng, vệ sinh cá nhân, nhưng chỉ là trên lý thuyết, còn thực hành lại rất tùy tiện. Một số phụ huynh tỏ ra lo lắng: “Sao không cho các em lấy nước vào bình to và mang về lớp học, như là một hoạt động trực nhật hàng ngày?” Cũng có những ý kiến cho rằng: “Đến nước uống cũng mang tận nơi phục vụ nữa thì không nên. Học sinh lớn phải tự ý thức được vệ sinh cá nhân…”.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, bác sĩ Hoàng Anh, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) cho rằng: Có thể nói các tiện ích mà dịch vụ xã hội tham gia vào quá trình giáo dục đã góp phần cải thiện môi trường dạy và học ngày càng hiện đại, thuận lợi và hướng đến mục tiêu chăm lo cho học sinh phát triển ngày càng tốt hơn cả về đức, trí, thể mỹ. Song việc chăm lo sức khỏe, vệ sinh dịch tế và ATVSTP trong trường học càng kỹ lưỡng sẽ giảm thiểu các rủi ro. Bởi thế, bên cạnh việc giáo dục kiến thức về ATVSTP trong trường học, nhà trường cần tăng cường giáo dục thực hành để học sinh chủ động trong kiểm soát phòng ngừa dịch bệnh và bảo đảm môi trường ATVSTP. Các bệnh dễ lây truyền qua đường tiêu hóa thường gặp ở học sinh tại các trường học bao gồm: tiêu chảy cấp Viêm gan A, tay chân miệng, quai bị… Nhiễm ký sinh trùng đường ruột (giun, sán)…
Một trong những yếu tố khiến cho bệnh phát triển tại các trường học là do vệ sinh môi trường kém, kết hợp với khí hậu nóng ẩm giúp vi sinh vật gây bệnh tồn tại và phát triển. Thực trạng sử dụng chung cốc để uống nước trong các trường học (ko có thiết kế vị trí rửa cốc trước khi uống) có nguy cơ làm lây bệnh tay chân miệng cao.