Thắp sáng cho ước mơ tuổi thơ

19:39, 03/10/2017

Vào mỗi dịp Tết Trung thu, bên cạnh việc chuẩn bị những chiếc bánh dẻo, bánh nướng, mâm ngũ quả cho con trẻ phá cỗ thì đèn ông sao là một món đồ chơi truyền thống không thể thiếu trong lễ hội Trăng Rằm. Trước khi phá cỗ trông trăng, các em nhỏ thường đi rước đèn ông sao, dạo qua các phố; tiếng trống ếch rộn ràng, âm hưởng bài hát “Rước đèn ông sao” luôn là kỷ niệm đẹp trong ký ức tuổi thơ của mỗi người.

Tôi còn nhớ ngày còn bé, cứ gần đến Rằm Trung thu là bố tôi lại lên vườn chặt tre về vót nan, làm cán, rồi lấy những quyển vở đã viết hết để làm đèn ông sao cho mấy chị em tôi. Chiếc đèn cũng có tua rua màu trắng, loang lổ chữ trên 5 cánh sao vàng. Hồi ấy không sẵn nến như bây giờ, nhưng do bố tôi làm thợ điện nên đã biết tận dụng những quả pin Con thỏ nối đấu vào với nhau và dùng bóng đèn pin làm ánh sáng. Đúng đêm Rằm, trăng miền quê sáng vằng vặc, lũ trẻ con chúng tôi mỗi đứa một chiếc đèn ông sao và nhóm trống ếch đi từ đầu làng đến cuối xóm hát vang bài Rước đèn ông sao thật là vui.

Có thời gian, những chiếc đèn lồng của Trung Quốc với nhiều màu sắc rực rỡ, hình khối đa dạng lấn át chiếc đèn ông sao năm cánh. Chính vì lý do này nên những người biết làm đèn ông sao truyền thống đã dần mai một, trong các cuộc rước rèn hình bóng đèn ông sao vắng bóng dần. Nhưng vài năm trở lại đây, từ người lớn đến trẻ em lại bắt đầu có xu hướng tìm về với những trò chơi truyền thống như: chiếc đèn ông sao, những con tò he đủ màu sắc rực rỡ, chiếc đèn kéo quân hay những chú Tễu vui vẻ. Bởi một số người dân đã nhận ra rằng: những chiếc đèn lồng của Trung Quốc có thể gây độc hại cho trẻ em từ các chất liệu làm đèn đến ánh sáng phát ra nên không còn mặn nồng với loại đèn này nữa. Chị Tống Thị Sinh, Tổ dân phố Thống Nhất, thị trấn Chợ Chu (Định Hóa) cho biết: “Mấy năm nay tôi không mua đèn lồng của Trung Quốc cho con chơi nữa vì nghe mọi người nói loại đồ chơi này chất độc hại nên chuyển sang mua đèn ông sao cho các con. Sau mấy Tết Trung Thu, không chỉ các cháu nhà tôi mà trẻ con hàng xóm đứa nào cũng thích đèn ông sao để đi rước đèn”.

Thái Nguyên không phải là nơi có những làng nghề truyền thống làm đèn ông sao hay các đồ chơi truyền thống như ở Báo Đáp (Nam Định) hay Hưng Yên, Hà Nội... Song đây đó vẫn có người vẫn làm được loại đồ chơi này để đáp ứng nhu cầu của con trẻ trong vùng vào mỗi dịp Tết Trung thu. Chúng tôi đã tìm đến gia đình anh Đào Xuân Loan ở xóm Trường, thị trấn Chợ Chu (Định Hóa). Trong nhà anh đang bày la liệt những chiếc đèn ông sao, cái thì đang làm dang dở, cái đã hoàn chỉnh. Khác với những chiếc đèn truyền thống mà tôi đã nhìn thấy được dán bằng giấy bóng kính đỏ, viền xanh, tua rua vàng thì những chiếc đèn của anh Loan được làm hoàn toàn bằng giấy trắng. Điểm xuyết trên 5 cánh là các hoa văn, hình chữ “Vui Trung thu nhớ Bác” được cắt dán khéo léo. Ở giữa lồng đèn là những hình ảnh: chị Hằng Nga trong bộ cánh mềm mại; chú Cuội thổi sáo bên gốc đa; khóm tre, khóm trúc soi gương dưới ánh trăng rằm; hình ảnh Bác Hồ cười tươi nhìn các cháu vui Tết Trung thu…Xung quanh đèn và cán cầm tay được trang trí những hình tua rua xanh, đỏ, tím, vàng làm cho chiếc đèn càng thêm rực rỡ. Anh Loan cho biết: “Để làm được một chiếc đèn ông sao như vậy không hề đơn giản. Bởi các công đoạn làm đèn hoàn toàn bằng thủ công và rất công phu, kỹ lưỡng từ khâu chọn vật liệu đến cắt dán, trang trí. Không những vậy, mỗi chiếc đèn làm ra không chỉ kết tinh mồ hôi công sức mà đòi hỏi phải có đôi tay khéo léo, tâm hồn yêu trẻ và làm bằng cả cái tâm của mình”. Chính sự công phu, tỉ mẩn nên một ngày anh chỉ làm được 3 đến 4 khung đèn hoặc 2 chiếc đèn hoàn chỉnh. Để đáp ứng nhu cầu của khách đặt hàng và bán vào những ngày Tết Trung thu anh phải chuẩn bị vật liệu và làm đèn từ cách đây hai tháng. Đèn được làm chắc chắn, có thể dùng nhiều năm nên giá dao động từ 50.000 đến 70.000 đồng..

Chị Đinh Thị Tuyết ở tổ dân phố Thống Nhất, thị trấn Chợ Chu cho biết: “Do từ những ngày còn nhỏ tôi đã rất thích chiếc đèn ông sao nên tôi đã tự mày mò làm đèn cho mình và các em vào mỗi dịp Tết Trung thu. Lớn lên đi lấy chồng, tôi lại làm đèn cho các con. Hàng xóm thấy đẹp đặt luôn. “Tiếng lành đồn xa”, nhiều năm qua, mọi người trong khu vực thường đến đặt và mua hàng, hàng làm đến đâu bán hết đến đó mặc dù giá không rẻ, từ 50.000 đến 150.000 đồng. Với suy nghĩ làm cho vui và phục vụ các cháu nhỏ quanh vùng, chưa mở rộng làm với số lượng để bán đại trà ra thị trường song, anh Loan và chị Tuyết đã và đang là những người thắp lửa giữ hồn Tết Trung thu qua chiếc đèn ông sao, thắp sáng cho ước mơ tuổi thơ hiểu thêm về nét đẹp văn hóa truyền thống, tìm về với kỷ niệm tuổi thơ trong sáng, êm đềm.