Đứng ở thị trấn Đình Cả (Võ Nhai), nhìn bốn bên đều thấy núi. Có chỗ núi dựng vách, chỗ lại thoải dốc. Nhưng trong cái địa thế phức hợp ấy lại có rất nhiều những tuyến đường lựa thế núi, thế đất vươn dài theo sông Dong vào Bình Long, sang Bắc Giang; hoặc men theo dòng khe kẹp giữa 2 dải núi vào tít tắp các xã Nghinh tường, Sảng Mộc, Thần Sa; hoặc lên Ngả Hai (Phú Thượng) thông đến Lạng Sơn.
Từ các trục đường này lại có thêm những ngả rẽ. Nếu có dịp đứng trên núi Phượng Hoàng, núi Khau Nao và dải Ngân Sơn… nhìn xuống, thấy từng trục đường liên xã, liên huyện của Võ Nhai giống như những con rết khổng lồ đang nằm ngủ giữa vùng núi non trùng điệp. Nhìn kỹ hơn lại thấy những “cái chân rết” xắp hàng chuẩn bị cho một cuộc săn tìm. Đó chính là từng trục đường dốc ngược lên bản người Mông của huyện Võ Nhai. Bao đời việc lên bản, xuống chợ của đồng bào đều trông cậy vào đôi chân của mình.
Đó là câu chuyện của gần 3 năm về trước. Bởi từ cuối năm 2015, đường lên các bản có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống được Nhà nước đầu tư mở rộng, làm bê tông. Bàn chân của người Mông không còn bị đá tai mèo chém chảy máu. Ngô, lợn, gà, rau bí của đồng bào được đi bằng ô tô xuống núi. Nhiều người dân cũng đi bằng xe máy xuống núi. Tiếng động cơ, tiếng còi bim bim làm nhịp sống của người Mông trên lưng núi hối hả, tấp lập hơn. Hôm rồi, vừa gặp La Día, bản Mỏ Chì, xã Cúc Đường trên rừng keo. Tưởng anh đi lấy bi chuối rừng về làm nộm uống rượu, lấy điện thoại hỏi thì La Día bảo: Tôi đang ở chợ Cúc Đường.
Nửa giờ sau đã thấy La Día về đến nhà. Anh bảo: Cái đường từ nhà mình xuống chợ, nếu đi bằng chân thì mất gần buổi sáng. Còn đi bằng… tay ga (xe máy) chẳng đáng bao nhiêu thời gian, lại không mất tí mồ hôi nào.
Từ trục đường bê tông của bản vào đến nhà La Día phải đi bộ qua một đoạn dốc thúc gối vào ngực, men bên khe suối. Ngồi uống rượu trong nhà, thỉnh thoảng lại nghe thấy tiếng động cơ xe máy gầm rú vượt dốc, hoặc kêu ken két vì má phanh ép xe giảm tốc độ. Chị Hoàng Thị Xay, vợ của La Día nói: Vào hôm có phiên chợ, lúc sớm xe máy chạy xuống núi, đến trưa xe máy chạy ngược dốc, cứ như một dòng chảy toàn người xe. Ai cũng đi đúng luật giao thông đường bộ, nên không xảy ra va chạm. La Día đỡ lời vợ: Từ ngày có đường bê tông cho xe máy đi, bà con nhắc nhau: Khi xuống núi bằng xe máy thì không nên uống rượu.
Xuống chợ bằng xe máy, đồng bào các dân tộc nhắc nhau không uống rượu và phải đội mũ bảo hiểm. Ảnh chụp trên đường về bản Lũng Cà, xã Thượng Nung, huyện Võ Nhai.
“Phía trước là sự sống”, ông Nguyễn Việt Hưng, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Võ Nhai khi cùng tôi đèo nhau bằng xe máy lên bản người Mông Lũng Hoài, xã Thượng Nung đã bắt đầu câu chuyện như vậy. Được biết: Huyện Võ có hơn 4.500 người dân tộc Mông, 895 hộ, 28 xóm (bản) thuộc 9 xã. Từ năm 2015 đến nay, hầu hết các bản có nhiều người dân tộc Mông sinh sống đã được Nhà nước đầu tư làm đường bê tông. Nhờ đó, khoảng cách giàu, nghèo giữa đồng bào Mông trên núi và người dân ở khu vực trung tâm xã, thị trấn được rút ngắn lại. Cuộc sống về vật chất và sự hưởng thụ văn hóa của đồng bào Mông được cải thiện, nâng cao. Tuy nhiên, ngay từ khi có đường bê tông về bản, các cấp, ngành chức năng của huyện, chính quyền địa phương đã tính toán tơi việc đồng bào đi xe máy thay con ngựa. Nên nhắc nhở, động viên đồng bào chú ý trong việc đi lại, cần bảo đảm an toàn cho mình và mọi người.
Đường bê tông lên bản người Mông là cả một giấc mơ ngàn đời. Nhưng khi giấc mơ thành hiện thực, nhiều người lại lo lắng đến việc có đường đi thuận lợi, thì hệ lụy theo đó là tai nạn giao thông. Ông Lý A Dinh, bản Lũng Hoài bảo: Vì quan tâm đến an toàn cho chính mình, nên người dân trong bản tự học hỏi nhau về Luật giao thông đường bộ. Còn ông Hà Thanh Hải, cán bộ Tư pháp xã Thượng Nung cho biết: Tại các cuộc họp, tập huấn trên bản người Mông, cán bộ các ban, ngành, đoàn thể của xã chủ động thực hiện lồng ghép tuyên truyền Luật an toàn giao thông đường bộ. Để đồng bào hiểu, anh, chị em cán bộ xã thông qua hoạt động giao lưu, trao đổi, đưa ra một số câu hỏi liên quan đến việc người tham gia giao thông bằng phương tiện xe máy, xe ô tô. Khuyến khích đồng bào trả lời rồi mới đưa ra đáp án đúng.
Thực tế có không ít đồng bào chưa có Giấy phép sử dụng xe mô tô, nhưng vẫn mua xe máy để phục vụ việc đi lại, vận chuyển phân bón, hàng hóa nông sản. Nhiều bà con cho rằng: Mình chỉ đi xe máy trên đường núi, không đi xe máy ra đường bằng, nên cứ đổ xăng là chạy… Cũng ở Thượng Nung, khi lên bản người Mông Lũng Luông, lúc qua đoạn dốc tức, lại cua gấp tay áo, tôi gặp ông Sùng Văn Khín, Đào Văn Mình Mã Văn Lý, hỏi chuyện về an toàn giao thông thì được biết: Đường dễ đi, nhưng dốc, nên nhà nào có xe máy cũng nhắc nhở nhau: Nếu thèm rượu thì lúc đi chợ, đi làm không được uống, phải trở về đến nhà mới được uống rượu.
Đến với bản người Mông bằng xe máy, lúc lên dốc cứ kéo ga là è è đến nơi. Nhưng khi xuống dốc, lắm đoạn vã mồ hôi hột. Vì lỡ mất phanh thì xe nát, người bầm dập giống đồng bào vùng cao làm món khau nhục. Một lần tôi mang sự liên tưởng có phần rùng rợn của mình nói với ông Phùng Văn Lành, Trưởng bản người Mông Khuổi Mèo. Ông Lành bảo: Ngày trước người Mông đi ngựa giỏi, bây giờ đi xe máy giỏi. Nhưng say rượu, đi ngựa - ngựa đưa mình về nhà. Còn say rượu, đi xe máy - xe máy đưa mình về cõi Giàng.
Vẫn chuyện đi chợ, uống rượu, theo các ông: Lý Văn Vàng, Dương Văn Pai, Lầu Văn Bảng ở bản Tân Tiến (Dân Tiến): Người Mông xuống núi tìm bạn, gặp bạn, không say, không về. Nhưng bây giờ có đường bê tông, gặp bạn, mời bạn đến nhà, uống thả ga, nằm ngủ một giấc, hết rượu mới về. Đến bản người Mông Chòi Hồng (Tràng Xá), các ông: Lý Văn Khín, Lầu văn Vình và Mã Văn Lý nói: Không chỉ xuống chợ, mà hằng ngày nhiều người Mông đều sử dụng xe máy làm phương tiện đi lại. Để an toàn cho mình, bản thân mỗi người tự hạn chế số chén, hoặc đã uống thì không lái xe xuống núi.
Thế mới hay: Việc xuống núi của đồng bào người Mông bây giờ đã khác nhiều. Trên các trục đường giống như con rết nằm ngủ, tôi không gặp lại bóng dáng những đàn ông gà gật vì say rượu; nằm bên đường vì say rượu, cãi vã nhau vì say rượu như ít năm trước đây. Tất cả là một nhịp sống hối hả, ý nghĩa và rất văn hóa. Tôi nghĩ như thế vì không có ai sống trên núi, lại muốn bị lao đầu xuống vực chỉ vì nể bạn uống thêm chén rượu.