Cải cách chính sách tiền lương

10:32, 10/11/2017

Những ngày qua, câu chuyện cô giáo Trương Thị Lan, Trường Mầm non Lê Duẩn, xã Cẩm Duệ (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) nhận quyết định nghỉ hưu với mức lương 1,3 triệu đồng/tháng sau 37 năm công tác đang là chủ đề nóng trong dư luận và cả nghị trường Quốc hội.

Cô giáo Trương Thị Lan đã tham gia giảng dạy 37 năm, nhưng theo hình thức dân lập, không theo cơ chế công lập. Cô giáo Lan mới có 22 năm 8 tháng được ký Hợp đồng lao động, tức là đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc. Theo quy định, tiền lương để hưởng chính sách BHXH khi nghỉ hưu là 1.263.000 đồng/ tháng. Do đó, BHXH đã bù thêm 37.000 đồng để cô giáo Lan được hưởng lương hưu 1,3 triệu đồng/tháng.

Mặc dù đại diện Bảo hiểm xã hội tỉnh Hà Tĩnh khẳng định, căn cứ vào quy định của Nhà nước và thời gian đóng BHXH của cô Lan, mức tiền lương hưu hằng tháng mà cô nhận được hoàn toàn đúng quy định, song dư luận vẫn còn nhiều băn khoăn bởi đây không phải là trường hợp hy hữu. Theo thông tin từ các chuyên gia thực hiện công tác BHXH, không chỉ có cô giáo Trương Thị Lan (Hà Tĩnh) - giáo viên mầm non công tác trước năm 1995 - có lương hưu 1.300.000 đồng/tháng. Cả nước hiện có 3.228 người đang nhận lương hưu bằng và thấp hơn mức 1.300.000 đồng/tháng. Họ thuộc nhiều nhóm đối tượng khác nhau. Không chỉ trên diễn đàn Quốc hội mà dư luận xã hội nhiều người chia sẻ: Chưa cần biết quy định tính lương BHXH có đúng hay sai, lương hưu 1,3 triệu đồng/tháng của một cô giáo mầm non là quá thấp so với số năm cống hiến gần nửa cuộc đời.

Mới đây, Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, BHXH và ưu đãi người có công đã làm việc với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐ) để nghiên cứu, khảo sát phục vụ xây dựng đề án cải cách chính sách tiền lương. Đại diện Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, hiện nay tiền lương, tiền công, phụ cấp và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) chưa phải là nguồn thu nhập chính; bởi vậy, chưa tạo được động lực, nhất là đối với những người có năng lực, trình độ, chuyên tâm cống hiến hết mình cho công việc, chưa phát huy được tính sáng tạo để có năng suất, chất lượng và hiệu quả.

Lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng chỉ ra rằng, tiền lương của CBCCVC vẫn ở mức thấp so với khu vực ngoài nhà nước, chưa đảm bảo cho họ và gia đình có mức sống trung bình khá trong xã hội. Đối với người lao động, nếu không có các khoản làm thêm giờ, hỗ trợ từ phía doanh nghiệp thì tiền lương của họ rất thấp, đời sống gặp nhiều khó khăn và không thể có tích lũy. Qua khảo sát thực tế cho thấy, hiện chỉ có 51,3% người lao động vừa đủ trang trải đời sống, 20,6% phải chi tiêu tằn tiện kham khổ, 12% cho biết thu nhập không thể đủ sống và chỉ có 16,1% có thể tích luỹ từ tiền thu nhập. Ban Chỉ đạo Trung ương đã đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam nghiên cứu, làm rõ vì sao chính sách tiền lương chưa là động lực để người lao động gắn bó, tận tâm với công việc; hệ thống thang bậc lương đối với CBCCVC còn phức tạp và lạc hậu.

Tiền lương và chính sách tiền lương là một bộ phận quan trọng trong hệ thống chính sách của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, đây là vấn đề không đơn giản. Trung ương đã đặt ra từ nhiều hội nghị khác nhau và chúng ta cũng đã trải qua nhiều đợt cải cách chính sách tiền lương, song trong quá trình thực hiện luôn phát sinh những vấn đề mới cần điều chỉnh cho phù hợp với thực tế.

Từ hiện thực khách quan này, các cơ quan chức năng cần rà soát lại chính sách tiền lương của đội ngũ cán bộ nói chung và của riêng đội ngũ cán bộ giáo viên mầm non ở các cơ sở để xây dựng một chính sách phù hợp, làm sao để người dân tham gia vào hệ thống BHXH phải đảm bảo được cuộc sống khi về già. Hội nghị Trung ương 6 khoá XII vừa qua đã thông qua 2 nghị quyết quan trọng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp lại tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và nghị quyết về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng dịch vụ và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Đây là tiền đề quan trọng để sắp tới, Trung ương sẽ bàn thảo và thông qua nghị quyết về cải cách tiền lương.
Mới đây, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đề nghị Trung ương sớm ban hành Luật Tiền lương tối thiểu, trước mắt là hoàn thiện các quy định về tiền lương tối thiểu nêu trong Bộ luật Lao động theo hướng tiền lương tối thiểu là mức tiền lương thấp nhất trả cho người lao động làm công việc đơn giản nhất và phải đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động và gia đình họ.