Ở rất nhiều cuộc tiếp xúc cử tri, chúng tôi đều ghi nhận ý kiến đề nghị tăng phụ cấp cho cán bộ KCT và trưởng, phó các đoàn thể. Trong khi bộ máy ở cơ sở đang ngày càng phình ra, nguồn ngân sách chi trả phụ cấp lại có hạn thì không còn cách nào khác là phải tinh giản số lượng. Để giải bài toán này cần phải tháo gỡ nhiều vướng mắc từ thực tế.
Bộ máy cồng kềnh
Theo thống kê của Sở Nội vụ, toàn tỉnh hiện có trên 40 nghìn người là cán bộ KCT và một số chức danh cấp xã, xóm được hưởng phụ cấp hằng tháng, với tổng số tiền chi trả từ ngân sách mỗi năm trên 250 tỷ đồng. Không chỉ lớn về quy mô, mà việc bố trí một số chức danh và đơn vị hành chính ở nhiều nơi còn chưa thật sự hợp lý.
Phan Đình Phùng là phường trung tâm của T.P Thái Nguyên. Trong cơ cấu kinh tế hiện không có sản xuất nông nghiệp, nông dân đương nhiên cũng không còn nhưng tại đây vẫn bố trí Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội Nông dân. Hội viên có 400 người, chủ yếu là tiểu thương buôn bán nhỏ. Thừa nhận các chức danh này thực tình không có nhiều vai trò, nhưng lãnh đạo UBND phường cũng cho rằng: Hội nông dân là một tổ chức chính trị - xã hội nên vẫn cần duy trì. Vì trong điều lệ, tổ chức hội còn có vai trò tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Theo khảo sát của chúng tôi, hầu hết các các phường trung tâm của T.P Thái Nguyên vẫn có đầy đủ chức danh đoàn thể, mặc dù không thật sự cần thiết. Ở nhiều xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh, một số vị trí KCT cũng có thể bỏ vì không thật sự cần thiết. Chị Phó Thị Thủy, Chủ tịch UBND xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ) cho rằng: Ở cấp xã, một số vị trí có lượng công việc không nhiều, như: Khuyến học, người cao tuổi, người mù, chữ thập đỏ…có thể gộp lại cho một người kiêm nhiệm mà vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Xét về bộ máy cồng kềnh, không thể bỏ qua cấp xóm với quá nhiều khu dân cư quy mô thuộc diện cực nhỏ. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 3032 xóm, tổ dân phố. Trong đó có hơn 400 xóm quy mô dưới 50 hộ, gần 300 tổ dân phố dưới 80 hộ dân. Đáng chú ý ở những khu dân cư này vẫn phải bố trí đầy đủ chức danh được hưởng phụ cấp theo quy định. Chúng tôi có cuộc khảo sát tại xóm Trại Mới, xã Tân Khánh (Phú Bình) - khu dân cư thuộc diện nhỏ nhất cả tỉnh với vẻn vẹn chỉ 11 hộ dân. Trưởng xóm Tạ Văn Tuấn nói: Tuy hộ ít nhưng xóm vẫn có đủ các vị trí để đảm nhiệm công việc. Ngoài trưởng xóm, còn có phó xóm, công an viên, thanh niên, phụ nữ, nông dân, chỉ có Bí thư Chi bộ không có vì không đủ đảng viên nên sinh hoạt ghép, các vị trí thôn đội trưởng và chi hội trưởng cựu chiến binh đang khuyết vì chưa bố trí được người. Tương tự ở xóm Khuổi Uốn, xã Sảng Mộc (Võ Nhai) có 21 hộ dân nhưng cũng đủ các vị trí đoàn thể. Tính ra, tiền ngân sách chi trả để cho bộ khung hoạt động ở đây không thua kém gì so với xóm có quy mô thuộc diện lớn nhất tỉnh là xóm Trung, xã Điềm Thụy (Phú Bình) với hơn 430 hộ dân.
Cơ chế chưa khuyến khích việc kiêm nhiệm
Xuất phát từ thực tế bộ máy ở cơ sở cồng kềnh như vậy, yêu cầu bức thiết hiện nay là phải tinh giản nhằm tiết kiệm ngân sách, nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả hoạt động. Thế nhưng, vướng mắc về cơ chế đang cản trở điều này.
Trở lại với xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ), tuy đề xuất phương án một người có thể đảm nhiệm nhiều chức danh KCT nhưng thực tế ít người muốn nhận. Chị Phó Thị Thủy, Chủ tịch UBND xã thông tin: Là đơn vị hành chính loại 1, theo quy định chúng tôi có tối đa 14 cán bộ KCT cấp xã. Hiện xã bố trí đủ chức danh và mỗi người làm một việc, không có ai kiêm nhiệm. Điều này xuất phát từ cơ chế tính phụ cấp kiêm nhiệm chưa thực sự phù hợp. Cụ thể là, đối với cấp xã nếu cùng lúc làm 2 vị trí KCT, thì chỉ được hưởng 100% phụ cấp một vị trí, chức vụ thứ 2 được hưởng 0,5 hệ số lương cơ bản. Còn ở cấp xóm, nếu kiêm nhiệm hai chức vụ thì được hưởng 100% phụ cấp vị trí thứ nhất, còn chức vụ thứ 2 hưởng 0,3 hệ số lương cơ bản. Khi làm kiêm nhiệm, công việc là gấp đôi nhưng tiền phụ cấp không tăng tương ứng nên nhiều người không mặn mà.
Ông Hà Ánh Thép, Phó Chủ tịch Hội Nông dân, kiêm Bí thư Chi bộ tiểu khu Cầu Trắng, thị trấn Đu (Phú Lương) lấy ví dụ của chính bản thân mình: Với vị trí Phó Chủ tịch Hội Nông dân, tôi được hưởng phụ cấp 1,2 hệ số cơ bản. Còn Bí thư Chi bộ nếu một người phụ trách riêng sẽ được 1,2 nữa, nhưng vì kiêm nhiệm nên tôi chỉ được thêm 0,3. Tổng cộng mỗi tháng được khoảng 2 triệu đồng. Tôi cho rằng, phần phụ cấp kiêm nhiệm thêm ít nhất cũng phải bằng một nửa (tức 0,6) thì mới khuyến khích được mọi người. Ông Thép cũng đề xuất phương án, đối với tổ chức đoàn thể cấp cơ sở, có thể thực hiện tự chủ kinh phí hoạt động. Ví dụ như thị trấn Đu có có 800 hội viên, mỗi năm thu hội phí được gần 10 triệu đồng, trừ đóng 4 triệu đồng lên trên còn lại chi cho hoạt động thường xuyên. Số tiền này có thể hỗ trợ một phần vào phụ cấp cán bộ không chuyên trách. Đó cũng là cách để động viên họ hoạt động, nhất là những nơi địa bàn rộng và số hội viên lớn.
Cần giải pháp đồng bộ
Việc xem xét thay đổi cơ chế, nhất là cách tính phụ cấp để khuyến khích cán bộ kiêm nhiệm nhiều vị trí KCT cũng là ý kiến chung của những người chúng tôi đã phỏng vấn. Chị Nguyễn Thu Hương, Phó Trưởng phòng Nội vụ huyện Phú Lương cho rằng: Thực tế ở cơ sở cho thấy, ở cấp xã Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ có thể giao cho Chủ tịch UBND xã kiêm nhiệm; Phó Chủ tịch Hội Nông dân nếu là nữ có thể làm luôn Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ hoặc thêm mảng chính sách. Ở thôn xóm, phó xóm có thể kiêm công an viên hoặc thôn đội trưởng, một số mô hình nhất thể Trưởng xóm và Bí thư Chi bộ cũng cho thấy hiệu quả hoạt động tốt.
Quan trọng là phải có cách tính phù hợp để khuyến khích việc kiêm nhiệm. Điều này vừa giảm được đầu mối người phụ trách, đồng thời tiết kiệm được ngân sách.
Một việc cần tập trung giải quyết đó là sáp nhập những đơn vị xóm, tổ dân phố có quá ít dân cư. Thực tế, UBND tỉnh cũng đã ban hành các văn bản quy định về việc phân loại xóm, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó là dự thảo về số hộ dân tối thiểu với từng loại xóm, tổ dân phố. Ông Đăng Ngọc Sơn, Chủ tịch UBND phường Phan Đình Phùng nói: Hiện phường có 40 tổ dân phố, 6 nghìn hộ với khoảng 25 nghìn nhân khẩu. Tổng số cán bộ không chuyên trách và chức danh ở cơ sở được hưởng phụ cấp lên tới hơn 500 người. Tính toán một cách đơn giản, chỉ cần rút gọn số tổ dân phố xuống còn một nửa thì lượng người hưởng phụ cấp cũng giảm gần tương tương. Số tiền tiết kiệm cho ngân sách đã là gần 2 tỷ đồng mỗi năm. Có thể khẳng định, việc sáp nhập này sẽ không ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở.
Việc quan tâm chăm lo đời sống, nhất là quy hoạch đối với đội ngũ cán bộ kiêm nhiệm cũng là vấn đề đáng lưu tâm. Phường Thịnh Đán (T.P Thái Nguyên) là một trong những địa phương làm tốt điều này. Ông Nguyễn Đức Cường, Chủ tịch UBND phường cho rằng: Vấn đề phụ cấp, quy định các chức danh là do cấp trên, cơ sở không thể thay đổi được. Chúng tôi chú ý quan tâm đến đội ngũ KCT từ những việc nhỏ, như chăm lo dịp lễ tết, các loại thưởng đều tương đương với người làm chuyên trách. Ngoài ra, phường đặc biệt chú trọng bồi dưỡng những người có năng lực, quy hoạch và bổ nhiệm từ KCT thành chuyên trách nếu đủ điều kiện. Như trường hợp anh Nguyễn Văn Cường, từng là Phó Chủ tịch Hội Nông dân, Phó Bí thư nay đã được bầu là Bí thư Đoàn phường; chị Kiều Kim Lành là cán bộ văn hóa được quy hoạch Chủ tịch Hội Nông dân; chị Vũ Thị Nhung là cán bộ văn phòng quy hoạch Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ… Nhờ vậy, dù phụ cấp thấp nhưng người làm KCT vẫn thấy vẫn được sự quan tâm và có tương lai nên gắn bó với công việc.
Ông Nguyễn Đức Tôn, Phó Giám đốc Sở Nội vụ cũng cho rằng: Bộ máy những người làm KCT ở cơ sở hiện quá cồng kềnh và phình to hơn so với trước. Do vậy, việc sáp nhập các đơn vị hành chính nhỏ, tính toán lại chế độ phụ cấp cho người kiêm nhiệm là rất cần thiết. Đối với cấp xã, có thể thực hiện theo cơ chế tự quản, tự chủ về kinh phí hoạt động, không hỗ trợ từ ngân sách đề giảm sự bao cấp của Nhà nước. Ở cấp xóm, cần thực hiện đúng Kết luận số 64-KL/TW ngày 28-5-2013 của Ban Chấp hành Trung ương về chức danh và số lượng người KCT ở xóm, tổ dân phố. Đó là, mỗi thôn, tổ dân phố và tương đương không quá 3 người được hưởng phụ cấp hằng tháng từ ngân sách, các chức danh khác hoạt động theo cơ chế tự quản, tự chủ kinh phí hoạt động.