Trong hệ thống chính trị cấp cơ sở, đội ngũ cán bộ không chuyên trách (KCT) được xem là cánh tay nối dài trong việc thực thi chính sách. Ở cấp xã, đó là phó các đoàn thể, công an, chỉ huy quân sự, văn phòng đảng ủy… Mỗi khu dân cư là bí thư chi bộ, trưởng thôn, xóm, công an viên, thôn đội trưởng và y tế thôn bản. Họ là cầu nối giữa nhân dân với cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể; đồng thời tích cực tham gia vào mọi lĩnh vực trong đời sống kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, những bất hợp lý trong việc tổ chức, chi trả chế độ khiến nhiều người chưa thực sự tâm huyết với công việc; bộ máy ngày càng “phình” ra cũng là vấn đề cần được giải quyết.
Nỗi niềm cán bộ không chuyên
Tuy là cán bộ KCT, nghĩa là chỉ tham gia bán thời gian nhưng thực thế khối lượng công việc và trách nhiệm so với cán bộ, công chức ở cơ sở không hề ít so với cán bộ chuyên trách. Từ tiếp nhận hồ sơ văn bản, soạn thảo kế hoạch, báo cáo, tự đi phát hành thư mời, xác minh đơn thư dân nguyện, hồ sơ hộ nghèo, góp ý các chức danh chủ chốt cơ sở... cho đến tham gia giải quyết nhiều vấn đề nảy sinh trên địa bàn.
Những công việc không tên
Dù đã hẹn từ trước nhưng khi đến nhà, chúng tôi vẫn phải chờ ông Hoàng Đức Dụng, Trưởng xóm Thái Sơn 2, xã Quyết Thắng (T.P Thái Nguyên) một lúc khá lâu. “Cấp trên đang thực hiện chủ trương cắm đất và làm bìa đỏ cho những hộ đã làm nhà từ lâu gần với Nhà máy Z115. Là trưởng xóm nên tôi phải có mặt” - ông Dụng phân trần. Chia sẻ về công việc, ông bảo: “Nói vui nhưng mà thật, là trưởng xóm thì tất thảy thượng vàng hạ cám, từ lúc công dân sinh ra đến lúc mất đi đều phải xắn tay vào. Rồi chuyện hiếu hỷ, vợ chồng bất hòa, hàng xóm xích mích cũng gọi đến mình. Công việc thì nhiều nhưng kể rành rẽ ra thì thật khó vì toàn thứ không tên”. Sau tròn 20 làm công an viên, bắt đầu từ năm 2012 tới nay, ông Dụng liên tục được bà con tín nhiệm bầu làm Trưởng xóm. Là địa bàn rộng với 300 hộ dân, nhiều thành phần dân cư và đang triển khai nhiều dự án đường giao thông nên công việc của ông khá vất vả. Hầu như chẳng có ngày nào ở nhà, từ việc giải phóng mặt bằng, giải quyết tranh chấp đến thực hiện chế độ chính sách cho công dân như thu các loại quỹ, bảo hiểm y tế, chế độ cho hộ nghèo…
Cũng là cán bộ KCT, anh Lưu Quốc Hưng là một trong những phó trưởng công an xã trẻ nhất của T.X Phổ Yên. Năm 2013, anh được xã Hồng Tiến bổ nhiệm khi mới tròn 20 tuổi. Vinh dự nhưng đi liền với trách nhiệm lớn. Là địa bàn tiếp giáp nhiều nhà máy sản xuất công nghiệp với lượng công nhân lớn, an ninh phức tạp nên hầu như anh Hưng không có ngày nghỉ. “Quy định cấp phó chỉ trực 3 ngày một tuần, nhưng tôi đi suốt, thậm chí không còn thời gian để làm việc khác. Hễ cứ có việc liên quan đến an ninh là mình phải có mặt, không kể ngày nghỉ trực hay đêm hôm. Có hôm vừa kết ca trực về chưa kịp ăn bát cơm thì có vụ ẩu đả dưới xóm, tôi lại phải lên đường” - anh Hưng chia sẻ.
Có thể thấy, dù là cán bộ KCT nhưng nếu làm hết trách nhiệm theo quy định thì khối lượng công việc của họ không hề nhỏ. Cụ thể như: Với phó công an xã là theo dõi, nắm tình hình, tuyên truyền phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật về an ninh trật tự, thực hiện các quy định về quản lý cư trú, các giấy tờ đi lại khác…; văn phòng đảng ủy tiếp nhận, lưu giữ công văn, hồ sơ tài liệu, đánh máy vi tính các loại văn bản, báo cáo về công tác Đảng, cả công tác kiểm tra, tuyên giáo, dân vận, tổ chức xây dựng Đảng; phó chủ tịch uỷ ban MTTQ lo công việc phong trào, triển khai các cuộc vận động… Ở các khu dân cư, tổ trưởng là người tổ chức, quán xuyến công việc trên địa bàn trong các lĩnh vực từ văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng đến phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thu các loại quỹ theo pháp lệnh. Bí thư chi bộ thực hiện các nhiệm vụ về Đảng; công an viên cũng khá vất vả với việc tuần tra, kiểm soát, theo dõi, nắm tình hình an ninh trật tự…
Chưa được quan tâm tương xứng
Như đã nói ở trên dù, khối lượng công việc và trách nhiệm không hề nhỏ, nhưng đội ngũ cán bộ KCT chưa thực sự được quan tâm đúng mức. Trong đó, đáng chú ý nhất là chế độ phụ cấp.
Căn cứ Nghị định số 29/2013/NĐ-CP ngày 8-4-2013 của Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 04/2014/QĐ-UBND ngày 25-01-2014 về số lượng, chức danh, mức phụ cấp đối với những người hoạt động KCT ở cấp xã và xóm, tổ dân phố trên địa bàn. Theo đó, mức độ phụ cấp cao nhất cho người làm KCT cấp xã phó trưởng công an, trưởng ban bảo vệ dân phố với mức 1,4 hệ số lương tối thiểu; ở cấp xóm, tổ dân phố tối đa là 1,2 hệ số lương tối thiểu với vị trí bí thư chi bộ, trưởng khu dân cư và công an viên.
Chị Vi Thị Hoa, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ, kiêm cán bộ phụ trách mảng lao động - thương binh và xã hội xã Kim Phượng (Định Hóa) chia sẻ: Ở khối đoàn thể cấp xã, thường thì người đứng đầu phụ trách chung, còn cấp phó trực tiếp làm chuyên môn. Với công tác hội, mỗi tuần tôi trực 2 ngày, chưa tính đi cơ sở, kiêm thêm quản lý vốn vay và các phong trào. Mảng chính sách tôi phụ trách người có công, bảo trợ trẻ em, hộ nghèo nên nhìn chung là đi cả tuần. Địa bàn xã rộng, có khu cách trung tâm 7-8km nên chỉ tính tiền xăng xe cũng tốn kha khá. Trong khi tổng phụ cấp của cả hai lĩnh vực phụ trách được có hơn 2 triệu đồng.
Ông Nguyễn Trung Thu, Phó Chủ tịch Hội Nông dân, xã Động Đạt (Phú Lương) cũng cho rằng: Nếu làm chỉ vì đồng phụ cấp thì chắc ít người gắn bó được lâu. Ví như tôi gần chục năm làm thường vụ hội, giờ là giữ chức phó nhưng phụ cấp cũng chỉ hơn 1,3 triệu đồng. Trừ các khoản xăng xe, giấy bút, uống nước khi xuống cơ sở thì chẳng còn là bao.
Bắt đầu từ năm 2016, đội ngũ cán bộ KCT được hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và có lương hưu nếu đủ điều kiện. Đây là một sự động viên rất lớn. Tuy nhiên, môt điều mà họ cũng băn khăn là công tác bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực hiện chưa được quan tâm đúng mức. Việc quy hoạch, bổ nhiệm từ KCT trở thành cán bộ cán bộ chuyên trách để có sự ổn định, đồng lương cao hơn ở nhiều địa phương cũng không thường xuyên.
Khó giữ chân cán bộ
Chưa có thống kê chính thức, nhưng trong quá trình thực hiện bài viết này, chúng tôi ghi nhận khá nhiều trường hợp cán bộ KCT xin nghỉ việc. Đáng chú ý là đa phần trong số đó là người trẻ và có trình độ.
Ở xã Hồng Tiến, ngày 26-10 vừa qua, anh Hà Minh Hưng, Phó Công an xã đã chính thức xin nghỉ việc do khối lượng công việc lớn, trong khi phụ cấp quá thấp. Cũng với lý do tương tự, Anh Kiều Anh Tuấn, Phó Công an xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ) cũng nghỉ việc năm 2016 để vào miền Nam làm công nhân.
“Hăng hái vì trách nhiệm, nhưng vì làm bán thời gian, không có quy định cụ thể, phụ cấp lại thấp nên ảnh hưởng lớn đến đời sống. Nhiều người vì thế mà mai một tâm huyết” - đó là chia sẻ của anh Lê Tiến Thành, ở xóm Vườn Thông, xã Động Đạt (Phú Lương). Anh Thành là cử nhân Trường Đại học Khoa học Thái Nguyên, chuyên ngành Hóa dược. Ra trường được nhận vào làm hợp đồng KCT văn hóa - xã hội xã Động Đạt hơn 1 năm thì xin nghỉ. Anh chia sẻ: Tôi được hưởng phụ cấp 1,2, cùng hỗ trợ theo bằng cấp nữa là được khoảng 2 triệu đồng/tháng. Giờ chuyển sang làm quản lý cho doanh nghiệp Thủy Cơ trên địa bàn, lương được 6 triệu đồng/tháng và vẫn được hỗ trợ đóng bảo hiểm.
Đối với anh Nguyễn Duy Đạt, sau hơn 1 năm là Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Kim Phượng (Định Hóa) cũng xin nghỉ việc từ tháng 6 vừa qua để theo nghề lái taxi. Anh nói: Vợ tôi làm kế toán trường học, lương cũng thấp, lại thêm hai đứa con nhỏ nữa. Nếu cứ cố theo đuổi vị trí đó ở xã thì cuộc sống gia đình sẽ không đảm bảo.
Thực tế công việc và chế độ phụ cấp eo hẹp khiến nhiều người không thực sự mặt mà với làm KCT và bỏ đi làm việc khác. Vì vậy, địa phương buộc phải tìm người khác thay thế, vòng luẩn quẩn ra vào đó ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở.