Cần làm rõ nguồn gốc đất là của ai?

08:11, 07/11/2017

Thời gian qua, Báo Thái Nguyên liên tục nhận được đơn của bà Lê Thị Tán, ở xóm Yên Mễ, xã Hồng Tiến (T.X Phổ Yên). Nội dung đơn đề nghị: Từ năm 1990, gia đình bà cùng một số hộ dân trong xóm san lấp phần diện tích đất hoang hóa để trồng lúa. Trong đó, hàng năm gia đình bà vẫn trồng lúa trên thửa đất số 1270, tờ bản đồ 40 và đóng góp quỹ đầy đủ cho xóm. Đến năm 2013, Nhà nước thu hồi đất để triển khai Dự án Khu công nghiệp Điềm Thụy. Tuy nhiên, khi cùng các hộ dân đến nhận tiền bồi thường đất canh tác bà Tán mới biết ông Hà Huy Cương, người cùng xóm đã kê khai thửa đất số 1270 mang tên ông và đã nhận số tiền hơn đền bù 212 triệu đồng.

Để xác minh vấn đề này, phóng viên Báo Thái Nguyên đã trực tiếp làm việc với Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng T.X Phổ Yên, lãnh đạo xã Hồng Tiến và các hộ dân liên quan. Ông Hà Huy Cương - người đứng ra kê khai và nhận số tiền đền bù thửa đất số 1270 cho rằng: “Đây là thửa đất do bố tôi là ông Hà Minh Chi khai phá từ năm 1985. Đến năm 1990 thì gia đình không canh tác nữa vì mưa lũ bồi bạt nhưng vẫn giao cho tôi quản lý. Khi triển khai giải phóng mặt bằng Khu công nghiệp Điềm Thụy, tôi được Trưởng xóm Yên Mễ thông báo và đã kê khai thửa đất trên. Sau khi niêm yết danh sách các hộ kê khai, tôi nhận được giấy mời đi nhận số tiền trên 212 triệu đồng”.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, ông Cương không có giấy tờ tài liệu gì làm căn cứ chứng minh quyền sử dụng thửa đất 1270 và cũng không ai làm chứng ông đã từng canh tác trên thửa đất ấy. Ông Hà Văn Kiến, nguyên Trưởng xóm Yên Mễ  (thôi làm Trưởng xóm từ tháng 9-2017) cũng xác nhận: “Thửa đất trên là do bố ông Cương khai phá và để lại cho ông Cương quản lý (tuy nhiên cũng không có cơ sở chứng minh). Có một thời gian, Hợp tác xã sử dụng thửa đất này ngăn đập làm hồ chứa nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Sau đó bỏ không thì thấy bà Tán và gia đình chị Lê Thị Thúy và ông Hà Văn Nam cùng cấy lúa trên phần đất bồi vào mùa nước cạn, còn ở giữa vẫn là lòng đập chứa nước”.

Chị Lê Thị Toán là con gái của bà Lê Thị Tán thì khẳng định: “Từ ngày tôi còn nhỏ ở với mẹ và cùng mẹ khai phá bãi bồi để cấy lúa. Tôi và mọi người trong gia đình chưa bao giờ nghe thấy ai nói thửa đất trên là của ông Chi hay ông Cương. Mẹ tôi (bà Tán) thấy bãi bồi bỏ hoang thì tận dụng cày cấy từ đó đến khi Nhà nước thu hồi đất làm dự án và cũng không tranh chấp với ai. Năm 1990, xóm có thu tiền quỹ.”. Ông Phạm Ngọc Dân, nguyên Trưởng xóm Yên Mễ giai đoạn 2003-2006 cũng xác nhận: “Thửa đất số 1270 bà Tán đã canh tác nhiều năm không tranh chấp với ai. Từ năm 1990 bà đều nộp tiền quỹ cho xóm”. Trong đơn đề nghị ngày 20-4-2017 của bà Tán gửi Báo Thái Nguyên và một số cơ quan chức năng của tỉnh và T.X Phổ Yên, có bút lục của các ông, bà: Nguyễn Văn Tuấn, Nguyễn Thị Thu, Bùi Thị Mai, Nguyễn Thị Sâm, Nguyễn Thị Toán (cùng xóm) xác nhận bà Tán đã canh tác trên thửa đất số 1270 trong nhiều năm. Các hộ gia đình: Hà Văn Nam, Hà Thị Tuyết, Nguyễn Thế Kỷ (có diện tích ruộng liền kề) cũng xác nhận bà Tán cày cấy trên thửa đất này.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Phạm Văn Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Tiến cho biết: “Việc thực hiện công tác giải phóng mặt bằng dự án Khu công nghiệp Điềm Thụy lô CN7 đã được triển khai theo đúng quy trình, công khai minh bạch”. Tuy nhiên, bà Lê Thị Tán lại cho rằng: “Khi xóm, xã tổ chức họp dân, chúng tôi chỉ được thông báo kê khai những diện tích có bìa đỏ (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất); còn diện tích không có bìa đỏ thì không ai thông báo phải kê khai. Khi niêm yết danh sách các hộ gia đình nhận tiền bồi thường giải phóng mặt bằng ở UBND xã và nhà văn hóa xóm, tôi có biết nhưng do mắt kém lại không biết đọc và không biết nhờ ai xem (nay bà Tán đã 83 tuổi), nên cứ nghĩ mình có tên, chỉ đến khi thấy mọi người nhận tiền mới biết thửa đất trên ông Cương đã nhận tiền”. 

Chính vì ai cũng nhận thửa đất trên là của mình và có sự không minh bạch trong việc sử dụng số tiền bồi thường của ông Cương và lãnh đạo xóm Yên Mễ, nên tại cuộc họp ngày 24-8-2017 giải quyết đơn đề nghị của bà Lê Thị Tán, UBND xã Hồng Tiến có kết luận: “Đề nghị gia đình ông Hà Huy Cương cung cấp các giấy tờ tài liệu liên quan đến thửa đất 1270, tờ bản đồ số 40 ở xóm Yên Mễ để UBND xã làm cơ sở giải quyết các bước tiếp theo”.

Chúng tôi làm việc với ông Phan Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường về trường hợp này, ông Hà cho biết: “Đối với trường hợp không có các giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 100, Luật Đất đai, thì việc xác định nguồn gốc, thời điểm, tình trạng, quá trình sử dụng đất để xác định tính pháp lý của thửa đất thực hiện việc bồi thường, giải phóng mặt bằng được thực hiện theo Điều 21, Nghị định 43/2014/ NĐ-CP của Chính phủ ngày 15/5/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai. Vì vậy, theo Nghị định này, để xác định về thời điểm, mục đích sử dụng đất thì trách nhiệm của UBND cấp xã là phải tổ chức lấy ý kiến cộng đồng khu dân cư, xác nhận tính pháp lý của thửa đất”.  

Như vậy, để có kết luận chính thức, trước hết, UBND xã Hồng Tiến cần lấy ý kiến của cộng đồng khu dân cư để xác định tình trạng, nguồn gốc, quá trình sử dụng. Trên cơ sở tổng hợp ý kiến xác nhận tính pháp lý thửa đất 1270 là của ai để làm cơ sở cho các cơ quan chức năng xử lý các bước tiếp theo và trả số tiền trên 212 triệu đồng về đúng chủ của thửa đất.