Những năm gần đây, số lượng trẻ em mắc lao có xu hướng gia tăng. Trong năm 2016 và 10 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh phát hiện 86 trẻ em mắc lao. Tuy vậy, thực tế cho thấy, các triệu chứng của bệnh lao ở trẻ em và những biện pháp phòng bệnh vẫn bị xem nhẹ.
Bác sĩ Ngô Thị Thu Tiền, Phó Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh cho biết: Phải đến năm 2016, nội dung về bệnh Lao ở trẻ em mới trở thành mục riêng trong Chương trình Phòng chống Lao quốc gia. Điều này nói lên mức độ cầp thiết của việc phát hiện và điều trị lao ở trẻ em. Số trẻ mắc lao được phát hiện tăng có nghĩa là những trẻ mắc lao trước đây chưa được phát hiện thì giờ đã được chăm sóc điều trị.
Theo thống kê của Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh, năm 2016, toàn tỉnh phát hiện 40 trẻ em mắc lao mọi thể trong tổng số trên 900 ca mắc lao trong toàn tỉnh. Và chỉ tính riêng 10 tháng đầu năm 2017, con số này đã là 46 trẻ/732 ca mắc lao mọi thể. Đa số các trường hợp đều là lao sơ nhiễm. Điều đáng nói là các trường hợp bệnh hầu hết chỉ được phát hiện tại các bệnh viện tuyến tỉnh. Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Tân, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh chia sẻ: Triệu chứng bệnh lao ở trẻ em bao gồm mệt mỏi, chán ăn, sụt cân, sốt nhẹ về chiều, thỉnh thoảng có sốt cao, điều trị bằng kháng sinh thông thường không khỏi. Những triệu chứng này rất gần với các bệnh về hô hấp khác trẻ thường mắc nên gia đình và thậm chí là nhiều bác sĩ thường nhầm lẫn và không nghĩ đến nguyên nhân do vi khuẩn lao. Có những bệnh nhân chúng tôi tiếp nhận đã từng điều trị bệnh hô hấp đến hơn 6 tháng mà không có tiến triển.
Theo dịch tễ học, tỷ lệ số ca mắc lao ở trẻ em thường chiếm khoảng 10% tổng số ca mắc lao. Tuy nhiên, khi nhìn lại thực trạng trên địa bàn tỉnh, có thể thấy nhiều ca mắc lao ở trẻ em có thể đã bị bỏ sót. Trên thực tế, khi trẻ bị có các biểu hiện như ho, sốt kéo dài…, các gia đình thường đưa đến các bệnh viện đa khoa. Trong khi ở tuyến huyện, Chương trình phòng chống Lao do Trung tâm y tế đảm nhận. Vì vậy, việc chẩn đoán nguyên nhân hay xét nghiệm tìm vi khuẩn lao ít được chú trọng. Hơn nữa, ở trẻ em việc chẩn đoán lao, tìm ra vi trùng lao thường khó hơn so với người lớn. Ngay cả bản thân trẻ bị lao phổi cũng khó tìm ra vi trùng lao vì khó lấy đờm. Đối với lao sơ nhiễm trẻ có những triệu chứng, biểu hiện giống như bệnh cảnh viêm đường hô hấp nên rất khó chẩn đoán. Ở Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh, để chẩn đoán chính xác lao sơ nhiễm, trẻ thường được chụp X - quang phổi, thử phản ứng lao tố và điều tra việc tiếp xúc với nguồn lây lao.
Theo các bác sĩ, để phòng chống bệnh lao, trẻ cần được tiêm chủng đầy đủ vắc xin chống lao. Tuy nhiên, đây không phải là phương pháp đặc hiệu, miễn dịch suốt đời. Vì dù đã tiêm chủng đầy đủ nhưng nếu trẻ trong môi trường trẻ sống có người mắc bệnh lao thể lao phổi có vi khuẩn lao trẻ vẫn có nguy cơ mắc lao. Và nếu không được điều trị kịp thời, trẻ có thể mắc các bệnh lao nặng như: lao màng não, lao phổi… và gặp biến chứng của bệnh. Phương pháp tốt nhất hiện nay là phát hiện sớm và điều trị tận gốc bệnh lao ở trẻ em ngay từ giai đoạn sơ nhiễm.
Hiện nay, tỉnh đang triển khai Chương trình quản lý lao tại cộng đồng, quản lý nguồn lây. Theo đó, các nhân viên y tế thôn bản, nhân viên y tế các xã, huyện, tỉnh được tập huấn về triệu chứng của bệnh lao, định hướng trẻ có nguy cơ mắc lao tại cộng đồng để tầm soát sớm. Sở Y tế đã chỉ đạo Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh tổ chức tập huấn cho đội ngũ bác sĩ khoa Nhi, khoa Khám bệnh của các bệnh viện trên địa bàn về các trường hợp trẻ em nghi ngờ mắc lao. Tỉnh cũng đang thực hiện điều trị dự phòng lao ở trẻ em có người thân trong gia đình mắc lao, trẻ nhiễm HIV, trẻ em suy dinh dưỡng kéo dài, trẻ dưới 5 tuổi. Tuy vậy, theo bác sĩ Ngô Thị Thu Tiền: Khó khăn lớn nhất hiện nay là hầu hết các gia đình từ chối điều trị dự phòng cho trẻ. Nguyên nhân họ đưa ra là con, cháu họ chưa mắc bệnh nên chưa cẫn điều trị. Thêm nữa, trong suy nghĩ của nhiều người, bệnh lao là bệnh lây nhiễm, cần cách ly khỏi cộng đồng nên việc điều trị dự phòng lao có thể khiến cho con em họ bị kỳ thị.
Bệnh lao là bệnh có thể lây nhiễm, đặc biệt ở trẻ em, đối tượng có hệ miễn dịch yếu. Vì vậy để phòng chống bệnh lao ở trẻ em, cần thực hiện tiêm chủng đầy đủ cho trẻ, đảm bảo môi trường sống thoáng, sạch, cách ly trẻ với người đã mắc lao. Khi trẻ có các triệu chứng nghi mắc bệnh lao như ho kéo dài, sụt cân hoặc không lên cân, ra mồ hôi trộm... cần đưa ngay đến cơ sở y tế để kiểm tra.