Cùng với xu hướng già hóa dân số cả cả nước, số lượng người cao tuổi (NCT) ở Thái Nguyên cũng đang tăng nhanh. Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có gần 139.000 người đang sinh hoạt trong Hội NCT, chiếm 11,1% dân số. Xu hướng già hóa dân số đang tạo ra những thách thức không nhỏ trong việc chăm sóc sức khỏe cho NCT ở địa phương.
Ông Tăng Hữu Xuân ở xóm Cà phê 1, xã Minh Lập (Đồng Hỷ) chia sẻ: Năm nay tôi đã 71 tuổi nhưng vẫn tương đối khỏe mạnh, nên hầu như cần không đi khám bệnh. Vì vậy, phải thông qua đợt khám bệnh thiện nguyện ở xã, được các bác sĩ khuyên nên đi khám và xét nghiệm thêm tôi mới biết mình bị bệnh cao huyết áp.
Cũng giống như ông Xuân, ông Nguyễn Văn Phú, 62 tuổi ở xóm Ngọc Lâm, xã Linh Sơn (Đồng Hỷ) chỉ phát hiện ra mình bị viêm gan B khi được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên trong tình trạng bệnh đã tương đối nặng. Ông Phúc bộc bạch: Ở nông thôn nên tôi không có điều kiện được chăm sóc sức khỏe nhiều. Thêm nữa, vì vẫn sinh hoạt, lao động bình thường nên tôi nghĩ mình không có bệnh gì cả.
Ông Xuân hay ông Phúc chỉ là hai trong số rất nhiều NCT trên địa bàn tỉnh chưa được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn diện. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, toàn tỉnh hiện có gần 13.000 NCT từ đủ 80 tuổi trở lên được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; 24.600 NCT được khám sức khỏe định kỳ; 29.785 NCT có sổ theo dõi sức khỏe ban đầu; 54.608 NCT có thẻ bảo hiểm y tế. Toàn tỉnh có 1.788 câu lạc bộ văn hóa - văn nghệ, thể dục thể thao của NCT với 34.138 người tham gia. Có thể thấy, số lượng người cao tuổi được chăm sóc sức khỏe còn khá hạn chế. Theo ông Nguyễn Ngọc Yến, Trưởng Ban đại diện Hội NCT tỉnh: Dù hàng năm, Hội đã phối hợp với các tổ chức, đơn vị thực hiện nhiều đợt khám chữa bệnh cho NCT nhưng trên thực tế, số lượng NCT được chăm sóc sức khỏe thường xuyên trên địa bàn tỉnh còn ở mức thấp.
Hiện nay, số lượng NCT trên địa bàn tỉnh đang có xu hướng tăng nhanh trong khi mức sinh thay thế ngày càng giảm. Thêm nữa, NCT trên địa bàn tỉnh phân bố không đồng đều, chủ yếu sinh sống ở khu vực nông thôn, miền núi nên điều kiện về chăm sóc sức khỏe còn hạn chế. Thêm nữa, đa số NCT chưa có thói quen khám bệnh định kỳ, vì vậy khi phát hiện bệnh thường ở giai đoạn muộn khiến việc chữa trị rất khó khăn. Hệ thống y tế lão khoa ở tuyến cơ sở còn chưa đầy đủ, trang thiết bị còn thiếu, đội ngũ cán bộ y tế không đúng chuyên môn chưa đáp ứng nhu cầu để giải quyết các bệnh đặc trưng của NCT. Đặc biệt, ngày nay, gánh bệnh tật kép, chủ yếu là các bệnh không lây nhiễm như: huyết áp, đái tháo đường, tim mạch… ở NCT ngày càng tăng khiến hệ thống y tế phải chịu áp lực tương đối lớn.
Được biết, trên địa bàn tỉnh mới chỉ có một số mô hình chăm sóc hoặc lồng ghép chăm sóc sức khỏe NCT như: mô hình quản lý bệnh không lây nhiễm tại huyện Đồng Hỷ và T.P Sông Công; 5 mô hình tư vấn và chăm sóc NCT dựa vào cộng đồng… Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh hiện đang xây dựng Đề án án chăm sóc sức khỏe NCT dựa cộng đồng và sẽ trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt trong thời gian tới.
Được biết, hiện nay, Chi cục đã đề ra nhiệm vụ mới trong công tác dân số là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân về công tác dân số; quan tâm chăm sóc NCT và NCT có hoàn cảnh khó khăn. Tổ chức truyền thông bề nổi và các hoạt động truyền thông trực tiếp tại các địa phương trong tỉnh nhằm tuyên truyền về các vấn đề “già hóa dân số”, nâng cao chất lượng dân số, đặc biệt là chăm sóc sức khỏe NCT. Bên cạnh đó, chú trọng triển khai các loại hình cung cấp thông tin, dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ, nâng cao chất lượng dân số cho nhân dân tại các vùng sâu, vùng xa, vùng biển, trong đó ưu tiên nhóm đối tượng là NCT. Tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật hiện hành của Đảng và Nhà nước về công tác Dân số-KHHGĐ, đặc biệt là thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật về chăm sóc NCT.