Đổi thay ở bản vùng cao

15:45, 17/11/2017

Xã vùng cao Tân Long (Đồng Hỷ) có gần 250 hộ đồng bào dân tộc Mông, sinh sống chủ yếu ở 2 xóm Mỏ Ba và Lân Quan. Trước đây, mỗi khi nhắc đến các xóm này, người ta thường nghĩ đến những hình ảnh về sự đói nghèo, đồi núi hoang vu, dân cư thưa thớt… Nhưng nay, đời sống của bà con đang từng bước thay đổi nhờ sự quan tâm đầu tư theo các chương trình, dự án hỗ trợ của Nhà nước và nỗ lực vươn lên của chính người dân nơi đây.

Tuyến đường từ trụ sở UBND xã Tân Long lên xóm Mỏ Ba dài hơn 10km. Thay vì phải mất vài tiếng đồng hồ như trước, nay chúng tôi chỉ đi xe máy khoảng 30 phút là đến nơi, bởi đường đã được đổ bê tông đến trung tâm xóm. Ông Phạm Tuấn Tú, Bí thư Chi bộ xóm cho biết: Trước kia, con đường đất lên Mỏ Ba có nhiều đá tai mèo sắc nhọn. Khi trời mưa to, đường lầy lội, trơn trượt, xóm người Mông này dường như bị cô lập, xe ô tô gầm cao cũng không thể lên được, đi bộ thì mất gần nửa ngày trời, còn nếu lên bằng xe máy cần phải quen đường và vững tay lái lắm mới đi được. Bây giờ, đường đã được Nhà nước đầu tư đổ bê tông, đó là điều trước đây có trong mơ bà con cũng chưa từng nghĩ tới...

Xóm Mỏ Ba có 148 hộ với trên 800 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc Mông chiếm khoảng 80%. Theo lời kể của những người cao tuổi trong xóm, Mỏ Ba trước kia vốn là vùng đất hoang vu, khoảng cuối những năm 1970, các hộ người Mông và một vài dân tộc khác từ các tỉnh lân cận đã đến đây khai hoang, lập nên xóm này. Cuộc sống của bà con vẫn còn rất khó khăn, nhiều nhà bị đói ăn, trẻ em không được đi học đầy đủ… Vài năm trở lại đây, nhờ được hưởng lợi từ các dự án, chương trình đầu tư cho đồng bào dân tộc Mông, dân tộc thiểu số mà cuộc sống của bà con đã vơi bớt nhọc nhằn. Hiện tại, xóm đã có điểm trường tiểu học, mầm non được đầu tư xây dựng khang trang, phục vụ nhu cầu học tập của các cháu. Vào mùa giáp hạt, xóm không còn hộ đói vì đồng bào giờ đã biết trồng ngô 2 vụ thay vì trồng 1 vụ như trước kia với những giống ngô lai năng suất, chất lượng cao. Ngoài ra, bà con còn được cán bộ khuyến nông hướng dẫn trồng thêm nhiều loại cây có giá trị kinh tế như cây chè, cây dong giềng, cây bưởi Diễn…

Chị Lý Thị Hoa, một người dân trong xóm cho biết: Trước kia nhà mình chỉ trồng ngô thôi, vất vả lắm mà cũng có lúc thiếu ăn. Mấy năm nay được tham gia lớp tập huấn về cây chè nên mình mạnh dạn trồng thử. Cây chè hợp đất nên tốt lắm, mỗi cân chè khô được từ 120 nghìn đến  170 nghìn đồng. Có thêm nguồn thu nhập, nhà mình không lo thiếu ăn nữa mà còn sắm sửa được thêm nhiều đồ dùng tốt để sinh hoạt.

Tham quan các điểm trường ở đây, chúng tôi càng cảm nhận rõ hơn sự đổi thay của xóm Mỏ Ba. Nếu như trước kia, lớp học ở đây chỉ là những mảnh gỗ ghép lại, khó khăn thiếu thốn đủ bề thì nay các phòng học đều được xây dựng khang trang, cô và trò được trang bị đầy đủ dụng cụ giảng dạy, học tập thiết yếu. Cô giáo Đinh Thanh Nga, giáo viên ở Điểm trường Mầm non xóm Mỏ Ba cho biết: Sự học ở đây giờ đỡ vất vả hơn trước nhiều. Nhất là từ khi có đường bê tông lên xóm, giáo viên không còn lo bị trễ giờ lên lớp bởi những hôm gặp mưa lũ. Còn các em học sinh không còn phải dò từng bước đi để vượt dốc đường xa đến trường. Cuộc sống của người dân sung túc hơn nên việc học hành của trẻ em nơi đây cũng được quan tâm, đa số trẻ đến tuổi đi học đều được bố mẹ đưa đến lớp đầy đủ, giáo viên ít phải đến nhà vận động đi học như trước.

Rời xóm Mỏ Ba, chúng tôi đến với bà con ở xóm Lân Quan, một trong những xóm xa nhất của xã Tân Long. Còn nhớ cách đây 5 năm, khi chúng tôi đến đây thì Lân Quan vẫn khó khăn lắm, đường vào xóm chủ yếu là đường mòn, hiểm trở, khó đi. Bà con hầu như chỉ quanh quẩn trong xóm, cuộc sống được duy trì theo cách tự cung tự cấp. Hiện tại, đường vào bản Lân Quan đã được bê tông hóa, thuận lợi hơn nhiều so với trước. Có đường đi, đồng bào không còn bị “đứt liên lạc” với những vùng lân cận, dễ dàng tiếp cận với những ứng dụng khoa học kỹ thuật để từ đó thay đổi tư duy làm ăn. Dọc các triền núi hoang vu, nhiều cây cỏ trước kia đã được thay bằng màu xanh của ngô, của rừng. Màu của sự sống, ấm no đã và đang xóa dần cuộc sống u tối, quẩn quanh từng đeo bám bà con dân bản. Đi một vòng quanh xóm, chúng tôi được tham quan thêm nhiều mô hình kinh tế mới. Đặc biệt, những năm gần đây, cán bộ nông nghiệp ở xã, huyện thường xuyên đến tận nơi hướng dẫn cho bà con trong việc sản xuất nông nghiệp nên cuộc sống của bà con ngày càng ổn định hơn. Chị Ngô Thị Xí Xanh, một người dân ở xóm chia sẻ: Trước kia nhà mình chỉ trồng ngô bằng giống cũ, 1kg ngô giống chỉ thu được khoảng 1,5 tạ ngô hạt nhưng bây giờ được cán bộ giới thiệu cho giống ngô lai NK 4300 với nhiều ưu điểm nên mình đã chuyển toàn bộ diện thích đất sang trồng giống ngô này. Mỗi cân ngô giống được thu về hơn 3 tạ ngô hạt, ngoài để dành cho gia đình dùng mình còn có ngô để bán nữa.

Ông Trần Văn Hồ, Trưởng xóm Lân Quan cho biết thêm: Trước đây, người Mông mình khổ lắm, vì các hộ sống phân tán mỗi hộ một triền núi, nhìn thì vẫn thấy cái nóc nhà đấy nhưng đi mãi vẫn chẳng đến nơi nên Nhà nước muốn giúp cũng khó. Bây giờ, đường vào xóm đã có, Nhà nước đã đầu tư cho bà con đường nước sạch để dùng, nhà văn hóa xóm để bà con tập trung sinh hoạt… Vài năm nay, dân bản cũng không bị thiếu ăn, nhiều nhà đã mua được xe máy để làm phương tiện đi lại và vận chuyển nông sản xuống núi. Ngoài ra, đồng bào Mông còn được chính quyền các cấp tuyên truyền cho cái hay, giúp bà con loại bỏ những hủ tục lạc hậu và nắm được các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước…

Rời Lân Quan, thỉnh thoảng chúng tôi lại gặp từng tốp trẻ con í ới gọi nhau chơi đùa trên con đường bê tông giữa xóm. Mặt trời đã bắt đầu xuống núi nhưng những chiếc xe máy, ô tô chở nông sản vẫn chạy ra, vào khiến xóm nhỏ sôi động hơn. Dường như các xóm người Mông nơi đây đang được “đánh thức” sau một “giấc ngủ” dài.