“Một việc nhỏ sẽ thành to, nếu chúng ta để nó âm ỉ lâu ngày không được giải quyết; ngược lại, một việc phức tạp, nếu người lãnh đạo biết cách tiếp cận người trong cuộc, lắng nghe, tháo gỡ từng nút thắt thì khó khăn đến mấy cũng có thể giải quyết ổn thỏa... Xác định được điều đó, thời gian qua, huyện Đại Từ đã làm tốt việc tổ chức các hội nghị đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền xã, thị trấn với nhân dân”. - Đồng chí Hoàng Thị Bạch Yến, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Đại Từ chia sẻ với chúng tôi.
Những năm gần đây, Đại Từ là một trong những huyện có nhiều dự án lớn vào đầu tư, như các dự án: Khai thác, chế biến khoáng sản Núi Pháo (xã Hà Thượng); Khu dân cư kiểu mẫu (thị trấn Hùng Sơn); nạo vét lòng hồ, tận thu cát, sỏi (xã Lục Ba); xây dựng nhà máy nhiệt điện, khai thác than (xã An Khánh)... Cơ bản các dự án đã góp phần tích cực trong việc thay đổi diện mạo nông thôn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương... Tuy nhiên, khi dự án vào, không tránh khỏi những liên quan đến lợi ích của nhiều hộ dân (đền bù, giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng đến môi trường...) khiến nảy sinh những bức xúc trong nhân dân. Mặt khác, ở nhiều địa phương, dù không có dự án vào đầu tư nhưng những vấn đề mâu thuẫn nảy sinh từ cơ sở cũng khá nhiều nên áp lực rất lớn cho người đứng đầu cấp ủy, chính quyền nếu không được giải quyết kịp thời.
Xác định được nguyên nhân, tầm quan trọng của việc gần dân, lắng nghe để thấu hiểu và giải quyết kịp thời những bức xúc ngay tại cơ sở, từ năm 2015 đến nay, Huyện ủy, UBND huyện đã tổ chức được 14 hội nghị đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo huyện với các hộ dân, như: Hội nghị đối thoại trực tiếp với các hộ kinh doanh tại chợ Đại Từ; đối thoại với người dân các xã An Khánh, Lục Ba, Yên Lãng, Tiên Hội... Ban Dân vận Huyện ủy đã chỉ đạo 24/30 xã, thị trấn tổ chức các buổi đối thoại trực tiếp với tổng số hơn 1.500 hộ dân tham gia. Các ý của nhân dân chủ yếu tập trung vào việc cấp quyền sử dụng đất, vệ sinh môi trường, chế độ chính sách... Thông qua các hội nghị này, nhân dân đã được trực tiếp đối thoại, bày tỏ tâm tư, nguyện vọng với lãnh đạo huyện, xã, góp phần tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa người lãnh đạo với nhân dân.
Ông Vũ Văn Nam, xóm 7, xã Hà Thượng cho biết: “Gia đình tôi thuộc diện ảnh hưởng bởi Dự án Núi Pháo. Trong quá trình bồi thường, giải phóng mặt bằng, gia đình tôi cũng có những thắc mắc, nhưng sau khi được lãnh đạo xã, huyện và Công ty giải thích, giải đáp, tôi cảm thấy rất thoải mái”.
Còn bà Nguyễn Văn Tính, xóm Đồng Mạt, xã Tiên Hội, nói: “Ngày trước, người dân chúng tôi muốn gặp lãnh đạo xã còn khó chứ nói gì đến gặp lãnh đạo huyện, tỉnh... Nhưng nay đã khác, tôi là một trong những người dân thường được tham gia các buổi đối thoại trực tiếp hoặc tiếp xúc cử tri. Tôi thấy rất thiết thực vì tham gia các hội nghị đó, chúng tôi được bày tỏ ý kiến, quan điểm của mình cũng như trình bày những thắc mắc về các vấn đề có ảnh hưởng, liên quan... Có nhiều việc được lãnh đạo giải thích thỏa đáng tại hội nghị hoặc chỉ đạo ngành chức năng giải quyết ngay sau khi kết thúc hội nghị; có những việc không thuộc thẩm quyền được ghi chép tổng hợp để chuyển lên cấp trên”.
Cù Vân là một trong những xã thực hiện tốt việc tổ chức các hội nghị tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân. Đồng chí Đặng Cương Quyết, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Trước khi tổ chức đối thoại với nhân dân, chúng tôi xác định rõ mục đích, yêu cầu, thành phần tham dự, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cán bộ. Đảng ủy chỉ đạo Ủy ban MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội tổng hợp các ý kiến kiến nghị của cử tri qua các kỳ tiếp xúc chưa được giải quyết; các ý kiến kiến nghị của nhân dân liên quan đến lĩnh vực quản lý của tổ chức mình gửi về Văn phòng Đảng ủy để tổng hợp, phân loại; chỉ đạo xây dựng mẫu phiếu xin ý kiến phản ánh của nhân dân. Thời gian qua, chúng tôi đã phát hành được 130 phiếu và phần lớn các ý kiến tập trung vào một số lĩnh vực như đất đai; giải quyết thủ tục hành chính... Qua hội nghị tiếp xúc, đối thoại, chúng tôi đã tiếp thu những tâm tư, nguyện vọng và ý kiến của người dân, trên cơ sở đó đề ra những giải pháp lãnh đạo, điều hành có hiệu quả, đảm bảo quyền làm chủ và phát huy vai trò giám sát của nhân dân.
“Vào cuối năm 2016, lần đầu tiên xã Lục Ba tổ chức hội nghị tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân, là một trong những lãnh đạo chủ chốt của xã, tôi nhận thấy trước đó mình còn nhiều thiếu xót, chưa thật sự thấu hiểu tâm tư, tình cảm của người dân... Nay chúng tôi đã rút được nhiều kinh nghiệm, làm tốt hơn công việc của mình, được người dân trong xã tin tưởng, yên tâm lao động, sản xuất, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần. Từ một xã thuần nông vùng bán ngập còn nhiều khó khăn, Lục Ba đã vươn lên thuộc top đầu trong tăng trưởng kinh tế của huyện. Chúng tôi sẽ duy trì việc tổ chức gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với nhân dân”. - Đó là chia sẻ của đồng chí Trần Đức Tuân, Bí thư Đảng ủy xã Lục Ba.
Thông qua các hội nghị tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với nhân dân đã tạo ra môi trường dân chủ, cởi mở giữa nhân dân với cấp ủy, chính quyền, nhân dân được bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị với thái độ tích cực... góp phần hạn chế những bức xúc, đơn thư khiếu kiện. Niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước được nâng lên.