Ngày 15/11, Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ chức tọa đàm khoa học "Nghiên cứu, phát huy giá trị tài liệu, hiện vật chủ quyền biển đảo Việt Nam" và trưng bày một số tư liệu, bản đồ về chủ quyền biển đảo Việt Nam. Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực, hướng tới Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23/11.
Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia Nguyễn Văn Cường cho biết: Thông qua tọa đàm, Ban Tổ chức mong muốn nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học về nghiên cứu, sưu tầm, lựa chọn hiện vật để tiến tới thực hiện trưng bày "Cương vực lãnh thổ Việt Nam" mà trọng tâm là "Chủ quyền biển đảo Việt Nam". Trưng bày chuyên đề này sẽ diễn ra tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, góp phần tuyên truyền, quảng bá về bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam. Bên cạnh đó, thời gian tới, Bảo tàng Lịch sử quốc gia cũng tiếp tục nghiên cứu di sản văn hoá biển; điều tra, khai quật các con tàu đắm; sưu tầm hiện vật về các làng nghề truyền thống; mở rộng hợp tác với các cơ quan trong và ngoài nước nghiên cứu về di sản Việt Nam; xuất bản các ấn phẩm, tư liệu về chủ quyền biển đảo Việt Nam...
Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ, Bộ Ngoại giao đánh giá: Hiện nay, việc trưng bày các tư liệu, hiện vật về chủ quyền biển đảo ở nhiều bảo tàng vẫn chưa rõ ràng, phân tán nên người xem chưa hiểu rõ nội dung trưng bày. Vì vậy, các đơn vị có liên quan cần tập trung các tư liệu, hiện vật ở trong và ngoài nước về một đầu mối để trưng bày. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tiếp tục sưu tầm, nghiên cứu, đánh giá, phân loại các tư liệu, hiện vật theo định hướng xây dựng "Bộ hồ sơ pháp lý" về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phục vụ cho công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên phương diện pháp lý, thông qua đàm phán ngoại giao hay thông qua các cơ quan tài phán quốc tế.
Viện trưởng Viện Biển Đông (Học viện Ngoại giao) Nguyễn Trường Giang cũng cho rằng, công tác trưng bày tư liệu, hiện vật là việc làm quan trọng. Việc cần làm là nội dung, hình thức trưng bày phải sinh động, thuyết phục, để người xem dễ hiểu, dễ nhớ; nội dung trưng bày cần nhấn mạnh tầm quan trọng của biển đảo Việt Nam. Phó Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Nguyễn Văn Kim cho rằng, quá trình nghiên cứu các tư liệu, hiện vật không nên chỉ dựa vào cứ liệu lịch sử mà cần kết hợp với bằng chứng khảo cổ học...
Tại buổi tọa đàm, hầu hết các đại biểu đều kiến nghị cần tiến hành số hóa, 3D hoá các tài liệu, hiện vật khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam. Đồng thời, các đơn vị chức năng cần dịch bộ tư liệu ra nhiều thứ tiếng để phổ biến trên thế giới. Đây là một biện pháp để tuyên truyền, phổ biến bộ tư liệu khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam đến nhiều người trên thế giới một cách nhanh nhất.
Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổng hợp các ý kiến đóng góp tại cuộc tọa đàm này, trình lãnh đạo Bộ xem xét rút kinh nghiệm, từ đó định hướng các bảo tàng công lập tại Việt Nam trong việc sưu tầm, số hóa, phát huy giá trị các hiện vật, tư liệu biển đảo Việt Nam trong thời gian tới.
Nhân dịp này, Tiến sĩ Nguyễn Nhã, Hội Khoa học Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh đã trao tặng bản đồ, sách, đĩa video về chủ quyền biển đảo Việt Nam cho Bảo tàng Lịch sử quốc gia./.