Người dân thiệt thòi khi sống trong vùng dự án

16:10, 30/11/2017

Cụm công nghiệp (CCN) Cao Ngạn (T.P Thái Nguyên) được công bố quy hoạch từ năm 2010, với diện tích 79ha thuộc 3 xóm của xã Cao Ngạn. Đây là CCN trọng điểm của thành phố nhằm phát triển các loại hình công nghiệp đa ngành nghề. Tuy nhiên, sau gần 7 năm công bố quy hoạch và mời gọi nhà đầu tư, đến nay tỷ lệ lấp đầy chỉ đạt khoảng 40%, điều này khiến cuộc sống của người dân trong vùng dự án chịu không ít thiệt thòi.

Có mặt tại 3 xóm của vùng dự án CCN Cao Ngạn, gồm: Hội Hiểu, Gốc Vối 2, Ao Vàng chúng tôi mới thấy hết nỗi khổ của người dân nơi đây. Đường liên xóm là đường đất, nhỏ hẹp, mặt đường gồ ghề, phương tiện đi lại hết sức khó khăn. Ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng xóm Hội Hiểu thông tin: Những năm qua, T.P Thái Nguyên đã đầu tư nguồn kinh phí khá lớn để xã Cao Ngạn hoàn thành mục tiêu Chương trình Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đến nay Chương trình đã về đích, tuy nhiên, riêng các xóm nằm trong vùng dự án như xóm chúng tôi thì không được đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu với lý do nếu đầu tư xong khi doanh nghiệp vào giải phóng mặt bằng lại phá dỡ các công trình thì sẽ rất tốn kém. Bởi vậy, đường giao thông xóm tôi xuống cấp nhưng không được làm, nhân dân đi lại vất vả, nắng thì bụi, mưa thì lầy.

Còn ông Lương Văn Hùng, trưởng xóm Ao Vàng thì cho biết: Vì nằm giữa vùng dự án nên xóm tôi không được đầu tư xây dựng bất cứ một công trình kiên cố nào, từ nhà văn hóa đến đường giao thông. Trong khi hiện nay, tất cả các công trình đều đã xuống cấp nghiêm trọng. Nhà văn hóa xóm được làm từ năm 2001, xà gồ mối mọt, trần nhà xập xệ, tường hư hỏng, nhưng chúng tôi chỉ dám sửa chữa để lấy nơi sinh hoạt cộng đồng. Mỗi khi sửa các công trình lại phải huy động sự đóng góp của nhân dân, đã vậy trong xóm nhiều người dân đời sống còn rất khó khăn nên việc huy động cũng hạn chế.

Cùng với công trình phúc lợi không được xây dựng, nhiều người dân nơi đây còn rất bức xúc vì con đông nhưng không được làm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho con; không được xây dựng công trình kiên cố; đầu tư cho sản xuất cũng gặp nhiều khó khăn. Ông Đinh Văn Đản, một công dân xóm Hội Hiểu bức xúc: “Khi có công bố quy hoạch dự án, chúng tôi ai cũng đồng tình ủng hộ, những tưởng các gia đình nơi đây sẽ được di dời sớm để ổn định cuộc sống nhưng đến nay đã gần 7 năm chúng tôi vẫn chưa được chuyển đi, phải sống tạm bợ”. Cũng do sống chung với vùng dự án, người dân còn chịu ảnh hưởng ô nhiễm môi trường do một số nhà máy tại CCN  gây ra.

Bà Nguyễn Thị Thọ, xóm Ao Vàng chia sẻ, gia đình tôi nằm sát một số cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng nên chịu ảnh hưởng của khói bụi nghiêm trọng. Mặc dù nhà cửa lau hàng ngày nhưng lúc nào cũng dày đặc bụi, còn các thành viên trong gia đình thức dậy là phải đeo khẩu trang.

Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết: Theo Quyết định số 1081/QĐ-UBND ngày 28-4-2001 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết mở rộng CCN Cao Ngạn thì CCN có tổng diện tích nghiên cứu quy hoạch là 79ha. Trong quá trình thực hiện, doanh nghiệp khi đầu tư vào đây phải tự bỏ tiền để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường và tái định cư cho các hộ dân. Tuy nhiên, sau gần 7 năm triển khai, đến nay tỷ lệ lấp đầy CCN chỉ đạt khoảng 40%. Nếu như trong thời gian tới không có doanh nghiệp đầu tư vào CCN thì người dân vẫn phải chờ đợi vì chưa thể có kinh phí để di dời. Trước thực trạng trên, người dân vùng dự án đã nhiều lần kiến nghị tại các cuộc tiếp xúc cử tri và mong muốn các cấp chính quyền và ngành chức năng sớm có giải pháp để người dân vùng dự án ổn định cuộc sống, yên tâm phát triển sản xuất.