Chữa bệnh cho nhân dân bằng y học cổ truyền hoặc kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại, Bệnh viện Y học cổ truyền Thái Nguyên đã làm nên những điều diệu kỳ khi điều trị thành công cho những ca bệnh mà y học hiện đại khó có thể điều trị dứt điểm…
Hơn 10 năm trước, bà Nguyễn Thị Lan, tổ 13, phường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên) phát hiện mình bị thoái vị đĩa đệm đốt sống lưng. Những cơn đau lưng hành hạ khiến bà ăn không ngon, ngủ không yên. Với Tây y, để điều trị căn bệnh này, các bác sĩ chỉ có thể kê cho bà uống các loại thuốc như: giảm đau, giãn cơ, can xi... Tuy nhiên, cứ hết thuốc là lưng bà Lan lại đau trở lại. Dùng thuốc giảm đau trong một thời gian dài, tác dụng phụ của thuốc còn mang đến cho bà thêm căn bệnh đau dạ dày. Bà cho hay: Được bạn bè giới thiệu, tôi đã đến Bệnh viện Y học cổ truyền Thái Nguyên. Đến Bệnh viên trong tâm trạng “có bệnh thì vái tứ phương”, nghĩa là tôi không hy vọng nơi này sẽ điều trị bệnh hiệu quả cho tôi. Nhưng thật diệu kỳ khi sau một thời gian ngắn điều trị, chứng bệnh đau lưng của tôi đã hết. Đến nay đã được 3 năm rồi, những cơn đau nhức lưng chưa quay trở lại.
Cũng như bà Lan, bà Ma Thị Đăm, xóm Nà Pháng, xã Yên Trạch (Phú Lương) hiện đang điều trị tại Bệnh viện rất lạc quan: Tôi bị chứng bệnh cao huyết áp và đau xương khớp, đi lại khó khăn. Mấy ngày qua, được Bệnh viện cho uống thuốc, châm cứu, bấm huyệt… tôi thấy bệnh thuyên giảm nhiều. Các y, bác sĩ ở đây lúc nào cũng có thái độ ân cần với bệnh nhân.
Không chỉ điều trị hiệu quả cho những người mắc bệnh về khớp và thần kinh như bà Lan, bà Đăm, Bệnh viện còn điều trị hiệu quả một số căn bệnh như liệt nửa người do tai biến mạch máu não; thiểu năng tuần hoàn não; các bệnh rối loạn chuyển hóa; u xơ tuyến tiền liệt; phục hồi cho bệnh nhân sau phẫu thuật sọ não… Hiện tại, Bệnh viện đã triển khai thêm một số dịch vụ kỹ thuật mới như: Ô xy cao áp lâm sàng, phẫu thuật trĩ bằng điện cao tần, điều trị u xơ tiền liệt tuyến bằng Laser, Laser nội mạch, Laser hồng ngoại tần số thấp, xông thuốc y học cổ truyền, tập vận động trị liệu… mang lại kết quả điều trị rất tốt cho bệnh nhân. Ngoài ra, Bệnh viện còn sản xuất các chế phẩm y học cổ truyền phục vụ điều trị tại Bệnh viện. Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện đã sản xuất được 105.000 viên hoàn các loại; 500 lít si rô ho bổ phế; 80 lít cồn xoa bóp và 550 lít cao lỏng hoạt huyết thông mạch. Các chế phẩm này đã ứng dụng trong điều trị lâm sàng có hiệu quả.
Để Bệnh viện đổi thay tích cực như ngày hôm nay có sự đóng góp rất lớn của Thầy thuốc ưu tú, Giám đốc Trương Thị Thu Hương, con em của đồng bào dân tộc Tày - Người đã vinh dự được trao giải thưởng “Hải Thượng Lãn Ông” dành cho những cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác bảo tồn và phát triển y dược học cổ truyền Việt Nam hồi đầu năm. Là người “đứng mũi, chịu sào”, chèo lái đưa Bệnh viện ngày càng phát triển đi lên, chị đã phải nỗ lực rất nhiều.
Chị nói: Năm 1995, ngay sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Y Bắc Thái (Nay là Đại học Y - Dược Thái Nguyên), tôi về Bệnh viện này làm việc. Hồi ấy, nơi này chỉ có 70 giường bệnh và 9 bác sĩ. Các phòng khám, điều trị bệnh chỉ là nhà cấp 4 đã xuống cấp. Bệnh nhân cũng chưa tin tưởng đội ngũ y, bác sĩ của Bệnh viện. Tôi còn nhớ, khi mới vào nghề, tôi được phân công điều trị cho một bệnh nhân cao tuổi là bác Quý ở phường Đồng Quang (T.P Thái Nguyên). Đã từng đi chữa trị bệnh đau lưng ở nhiều nơi không khỏi nên khi đến đây, thấy một bác sĩ trẻ như tôi, bác Quý tỏ vẻ rất thất vọng, không tin tôi có thể chữa bệnh thành công cho bác. Tuy nhiên, tôi không nản lòng mà càng động viên mình phải cố gắng. Tôi vui lắm khi ngày ra viện, bác Quý rất hài lòng vì căn bệnh đau lưng đã được chữa trị hiệu quả. Những bệnh nhân được chữa trị thành công như bác Quý đã truyền cảm hứng cho tôi và đội ngũ y, bác sĩ ở đây. Sau này, may mắn được trở thành lãnh đạo của Bệnh viên, tôi luôn động viên mọi người cùng nỗ lực làm theo lời dạy của Bác là “Lương y phải như từ mẫu” để nâng cao uy tín của Bệnh viện.
Có thể thấy, Bệnh viện Y học cổ truyền Thái Nguyên đã làm nên những điều diệu kỳ khi điều trị thành công nhiều ca bệnh khó. Giờ đây, với các dãy khoa, phòng đã được xây dựng khang trang; thiết bị y tế hiện đại hỗ trợ cho việc chẩn đoán, điều trị bệnh, Bệnh viện trở thành là địa chỉ tin cậy của bệnh nhân trong tỉnh và các tỉnh bạn như Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Thái Bình… và là điểm sáng về y đức của khu vực miền núi phía Bắc. Tuy nhiên, hiện nay, Bệnh viện vẫn đang gặp khá nhiều khó khăn. Hiện tại, Bệnh viên mới có 170 giường điều trị nội trú trong khi nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân tại đây rất cao. 9 tháng qua, công suất sử dụng giường bệnh của Bệnh viện vượt tới 34%, với số lượt bệnh nhân điều trị nội trú là trên 3.380 người, tăng gần 280 người so với cùng kỳ năm 2016.
Trong khi bệnh nhân đến khám, điều trị ngày càng tăng thì biên chế của bệnh viện lại không tăng. Hiện, Bệnh viện mới có 133 cán bộ trong biên chế đang làm việc tại 15 khoa, phòng. Chia sẻ với chúng tôi, bác sĩ Hương bày tỏ mong muốn được các cấp, ngành chức năng quan tâm, tăng chỉ tiêu giường bệnh kế hoạch; hỗ trợ kinh phí mua các trang, thiết bị, máy móc… để tạo điều kiện cho Bệnh viện hoàn thành chức năng nhiệm vụ được giao là cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng cho bệnh nhân; đào tạo cán bộ, nghiên cúu khoa học, chỉ đạo tuyến...