Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”. Đề án nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của học sinh, sinh viên, giúp trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên trong thời gian học tập tại nhà trường; đồng thời tạo môi trường thuận lợi để hỗ trợ học sinh, sinh viên hình thành và hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp, góp phần tạo việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp.
Theo Đề án, đến năm 2020, 100% các học viện, trường đại học, cao đẳng, trung cấp có kế hoạch triển khai công tác hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp; có ít nhất 90% học sinh, sinh viên của các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng, trường trung cấp, trường trung học phổ thông và các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên được tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, được trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp trước khi tốt nghiệp. 100% các đại học, học viện, trường đại học, 50% các trường cao đẳng, trường trung cấp có ít nhất 2 ý tưởng, dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên được hỗ trợ đầu tư từ nguồn kinh phí phù hợp hoặc kết nối với các doanh nghiệp, các quỹ đầu tư mạo hiểm.
Một trong những nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Đề án là hỗ trợ đào tạo khởi nghiệp. Cụ thể, hình thành đội ngũ cán bộ làm công tác tư vấn, hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp tại các học viện, trường đại học, cao đẳng, trung cấp trong cả nước và tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ đối với đội ngũ cán bộ này; khuyến khích các cá nhân có kiến thức, kinh nghiệm về khởi nghiệp tình nguyện tham gia công tác tư vấn, hỗ trợ học sinh, sinh viên tại các nhà trường.
Bên cạnh đó, tổ chức đào tạo, tập huấn các kiến thức cơ bản về khởi nghiệp cho đội ngũ cán bộ, giáo viên hướng nghiệp tại các trường phổ thông và các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên; biên soạn và ban hành bộ tài liệu cung cấp kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên, tài liệu đào tạo cán bộ tư vấn hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp, tài liệu đào tạo giáo viên hướng nghiệp.
Đồng thời, tổ chức các khóa đào tạo, học tập, giao lưu, tọa đàm trao đổi kinh nghiệm quốc tế cho học sinh, sinh viên và đội ngũ cán bộ tư vấn hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp trong các nhà trường; khuyến khích các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng và trường trung cấp xây dựng các chuyên đề về khởi nghiệp và đưa vào chương trình đào tạo theo hướng bắt buộc hoặc tự chọn để phù hợp với thực tiễn; tăng cường tổ chức các hoạt động thực tập, trải nghiệm tại doanh nghiệp tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên được tiếp xúc với các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Nhiệm vụ, giải pháp khác của Đề án là hỗ trợ nguồn vốn cho các chương trình, dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên. Cụ thể, các học viện, trường đại học, cao đẳng, trung cấp chủ động bố trí kinh phí từ các nguồn thu hợp pháp của nhà trường (bao gồm các nguồn chi thường xuyên, nguồn nghiên cứu khoa học sinh viên,…) để hỗ trợ các hoạt động, các ý tưởng, dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên trong trường.
Cùng với đó, xây dựng Quỹ hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp tại các nhà trường từ nguồn kinh phí xã hội hóa; hỗ trợ tìm kiếm nguồn kinh phí, kết nối, thu hút đầu tư từ các cá nhân, tổ chức đối với các dự án được hình thành từ các ý tưởng khởi nghiệp của học sinh, sinh viên.
Ngoài ra, tạo môi trường hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp như hình thành trung tâm hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp từ bộ phận hoặc trung tâm hướng nghiệp, tư vấn việc làm, hỗ trợ học sinh, sinh viên của các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng và trường trung cấp; thành lập câu lạc bộ khởi nghiệp tại các học viện, trường đại học, cao đẳng, trung cấp theo các ngành nghề, lĩnh vực khác nhau như: Khởi sự kinh doanh, khởi sự doanh nghiệp, đổi mới sáng tạo; các câu lạc bộ khoa học kỹ thuật về vật liệu, tự động hóa…/.