Thực hiện bình đẳng giới

09:09, 22/11/2017

Bình đẳng giới là vấn đề luôn được Nhà nước quan tâm và triển khai nhiều chính sách mang lại quyền lợi bình đẳng giữa mọi người, đồng thời tuyên truyền, giáo dục để thay đổi quan niệm, tư duy về bình đẳng giới. Vì thế, vấn đề bình đẳng giới ở nước ta đã có những bước chuyển biến tích cực. Tuy nhiên trên thực tế, tình trạng bất bình đẳng giới vẫn diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau.

Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới, 10 năm trở lại đây, chỉ số khoảng cách giới của Việt Nam giảm 27 bậc, từ thứ 42 trong số 128 nước năm 2007 xuống 69 trong số 144 nước năm 2017. Định kiến giới còn hiện diện đâu đó trong gia đình đến ngoài xã hội, là rào cản vô hình không dễ vượt qua, là gánh nặng trong tiến trình bình đẳng giới.

Không thể phủ nhận những thành tích về thực hiện bình đẳng giới mà nước ta đã đạt được như: Xây dựng và ban hành văn bản pháp quy thể hiện nguyên tắc về bình đẳng giới, là một trong các quốc gia xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong vòng 20 năm qua, đã hoàn thành trước thời hạn mục tiêu bình đẳng nam nữ và nâng cao vị thế cho phụ nữ... Nước ta nằm trong nhóm nước có tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội cao ở khu vực và thế giới; là nước dẫn đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương về các chỉ số bình đẳng giới thông qua việc cung cấp các dịch vụ y tế, giáo dục tới trẻ em gái, trẻ em trai, phụ nữ, nam giới; tỷ lệ mù chữ của nữ giới so với nam giới ngày càng giảm… Đây là những con số rất có ý nghĩa, bởi việc thực hiện bình đẳng giới sẽ giúp mang lại các nguồn lợi lớn cho sự phát triền bền vững của mỗi quốc gia.

Song, tình trạng bất bình đẳng giới đang có xu hướng tăng. Bất bình đẳng giới còn thể hiện trên một số lĩnh vực xã hội; phụ nữ vẫn chịu nhiều gánh nặng công việc, thu nhập, phân biệt đối xử... Một trong những vấn đề bất bình đẳng giới là sự tham gia của phụ nữ trong cơ cấu tổ chức, quản lý xã hội còn hạn chế, đặc biệt ở cấp cơ sở. Tỷ lệ cán bộ nữ làm công tác quản lý, lãnh đạo tuy có tăng nhưng không đáng kể, còn thấp so với các vị trí quản lý, lãnh đạo nói chung, so với sự gia tăng của lực lượng lao động nữ nói riêng, vẫn ở mức thấp so với mục tiêu đặt ra. Trong kinh tế, cơ hội để phụ nữ tiếp cận những việc làm có thu nhập cao vẫn thấp hơn so với nam giới; lao động nữ chưa được đánh giá cao như lao động nam, là đối tượng dễ bị rủi ro và tổn thương hơn khi doanh nghiệp có nhu cầu cắt giảm nhân lực. Một số gia đình, dù phụ nữ tham gia đóng góp kinh tế như nam giới nhưng vẫn phải làm nhiều việc nhà hơn và nam giới vẫn thường là người đưa ra các quyết định quan trọng.

Đặc biệt, tình trạng bạo hành phụ nữ vẫn diễn ra ở một số nơi, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi xa xôi. Có trường hợp phụ nữ bị bạo hành nghiêm trọng mà chưa được chính quyền, người xung quanh bảo vệ. Có những phụ nữ âm thầm chịu bạo hành gia đình trong nhiều năm mà không dám tố cáo. Thực trạng này một phần do nhận thức hạn chế của người dân về luật pháp nên chưa biết tự bảo vệ; một phần, do chế tài xử phạt chưa đủ mạnh nên thiếu sức răn đe. Bên cạnh đó, vấn đề chăm sóc sức khỏe, nhất là sức khỏe sinh sản của phụ nữ ở một số vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận các dịch vụ y tế.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng bất bình đẳng giới. Trước hết là tỷ lệ sinh chênh lệch giữa nam và nữ có chiều hướng gia tăng đã khiến mức chênh lệch về giới trong độ tuổi lao động tăng, dẫn đến sự bất bình đẳng giới trong lao động. Cán bộ làm công tác bình đẳng giới còn thiếu, hạn chế về kiến thức giới, kỹ năng lồng ghép giới... nên việc tuyên truyền về bình đẳng giới còn hạn chế. Vẫn còn lao động nữ ở miền núi, vùng cao không có điều kiện được đến trường học nên chưa biết chữ, khó có thể chủ động tham gia hoạt động xã hội để mang lại sự bình đẳng cho chính mình. Nhiều quan niệm cổ hủ, lạc hậu, trọng nam khinh nữ, phụ nữ chỉ ở nhà quanh quẩn bếp núc, phụ nữ phải lo chuyện gia đình, trẻ em gái không cần học nhiều... còn tồn tại ở nhiều nơi. Vẫn còn tình trạng nữ giới chưa nhận thức đầy đủ về quyền được bình đẳng của mình, chấp nhận chịu bạo hành, chịu sự phân biệt đối xử.

Bình đẳng giới là một trong những yếu tố để xác định một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Việc xây dựng xã hội bình đẳng giới, bảo đảm bình đẳng giới là mong muốn không chỉ của riêng nữ giới, mà của mọi người, là mục tiêu của mọi quốc gia để góp phần xây dựng xã hội phát triển bền vững. Nhằm tăng cường thực hiện pháp luật về bình đẳng giới và các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới, song song với việc tiếp tục nâng cao nhận thức của toàn xã hội, gia đình, các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị hãy quan tâm nhiều hơn nữa đến nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu về bình đăng giới. Để cải thiện tình trạng bất bình đẳng giới, bên cạnh các chương trình hành động, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, sự bảo vệ của hệ thống pháp luật, các biện pháp tuyên truyền giáo dục thì quan trọng hơn là mọi người, cả nam giới và nữ giới hãy chủ động, tự giác thay đổi quan niệm về phân biệt đối xử; nữ giới cũng cần phải tự nâng cao trình độ, sự hiểu biết để vừa tự bảo vệ bản thân, vừa tích cực tham gia các hoạt động xã hội; qua đó tự ý thức về quyền được bình đẳng của mình.