Xứng đáng với niềm tin yêu

08:06, 16/11/2017

Nhắc đến ông Hà Vũ Thuận, nguyên Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Nguyên, cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và bà con tổ 21, phường Thịnh Đán (T.P Thái Nguyên) đều có chung nhận xét: Đó là một nhà giáo mẫu mực, hết lòng vì khu dân cư.

Đến thăm nhà ông Thuận, chúng tôi ngỡ ngàng trước hàng chục cuốn sổ mà ông kỳ công ghi chép về những bài thuốc hay, thuốc quý như: Cẩm nang sức khỏe người cao tuổi; bí quyết sống lâu, sống khỏe; ăn uống phòng trị bệnh; 100 bài thơ sức khỏe là vàng; phương pháp điều trị bấm huyệt bàn chân… để tặng bạn bè, đồng nghiệp, họ hàng, hàng xóm.

Trò chuyện cùng chúng tôi, ông Thuận tâm sự: Khi tuổi đã cao, tôi luôn cố gắp sắp xếp thời gian hợp lý để đọc sách, xem ti vi, tập thể dục. Tôi tham gia các lớp tập huấn chuyên đề về sức khỏe, rồi mày mò nghiên cứu và học bấm huyệt để chữa bệnh cho chính mình và người thân trong gia đình. Đồng thời, tôi sưu tầm, ghi chép lại những bài thuốc hay trên sách, báo, phân loại từng bệnh, đóng quyển, lên mục lục rồi photocopy ra nhiều bản để dành tặng mọi người. Hễ cứ nghe người quen, đồng nghiệp cũ, hàng xóm bị bệnh này, bệnh kia, ông đều gửi sách để mong mọi người có thêm kiến thức bảo vệ sức khỏe. Vì thế mà chồng sách ông Thuận sưu tầm cũng vơi dần đi rồi lại đầy lên theo năm tháng. Theo nhẩm tính phải có đến vài trăm tập các bài thuốc quý được ông gửi tặng cho mọi người. Tấm lòng của ông thật đáng trân trọng.

Ông Thuận năm nay đã 85 tuổi đời và 50 năm tuổi Đảng. Tuy tuổi đã cao nhưng ông còn nhanh nhẹn, khỏe mạnh. Sinh ra và lớn lên ở tỉnh Cao Bằng, năm 1953, khi vừa tròn 20 tuổi, chàng thanh niên Hà Vũ Thuận được Nhà nước chọn cử đi đào tạo tại Khu học xá Trung ương (Nam Ninh, Quảng Tây, Trung Quốc). Đến năm 1956, về nước, ông được phân công giảng dạy tại trường cấp 2 của tỉnh Bắc Kạn. Sau đó, ông được cử đi học nâng cao tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Đến năm 1965, sau khi hợp nhất hai tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn, ông Thuận được phân công về làm ở Ty giáo dục Bắc Thái. Đến năm 1968, thành lập Trường Sư phạm 10+3, (tức Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Nguyên hiện nay), ông được điều động về làm Phó Hiệu trưởng Nhà trường.

Hơn 30 năm công tác trong ngành Giáo dục, ông Thuận luôn là tấm gương sáng, với lối sống giản dị, hòa đồng, quan tâm chia sẻ với mọi người. Năm 1987, khi T.P Thái Nguyên có chủ trương giao đất ở cho cán bộ, giáo viên Nhà trường, ông đã nhường suất đất của mình cho thầy giáo Bùi Kính Hùng, bởi thương cảnh đồng nghiệp đông con, phải sống trong căn tập thể chật hẹp, tồi tàn. Còn bản thân ông thì vẫn phải nương nhờ trên mảnh đất mượn của nhà trường, từ năm 1990 đến tận năm 2016, khi người con trai út mua được đất, làm nhà riêng, hai vợ chồng ông mới chuyển ra ở cùng. Khi được hỏi, ông có thấy hối tiếc không khi suất đất nhường cho đồng nghiệp ngày xưa, nếu giờ bán cũng thu được trên dưới tỷ bạc, ông chỉ cười hiền: Tôi chưa bao giờ hối tiếc về việc làm của mình, dù có lúc thoáng buồn vì đồng lương của hai vợ chồng trong nghề giáo đến cuối đời vẫn không mua được mảnh đất của riêng mình. Có lẽ, chính những việc làm không giống ai của ông Thuận đã được đồng nghiệp, bạn bè trân trọng, quý mến dù khi còn đương chức cũng như lúc nghỉ hưu. 37 năm công tác, ông Thuận đã có nhiều công lao cống hiến cho ngành Giáo dục - Đào tạo. Ông luôn phát huy phẩm chất của người thầy giáo; suy nghĩ, tìm tòi sáng tạo, áp dụng tiến bộ khoa học vào công tác giảng dạy và quản lý giáo dục, là tấm gương sáng cho học sinh và đồng nghiệp noi theo.

Năm 1993, về nghỉ chế độ, ông Thuận là một trong những người đầu tiên gây dựng phát triển Hội cựu giáo chức của phường và được tín nhiệm bầu làm Phó Bí thư Chi bộ, rồi Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi của khu dân cư. Nhà nào có hoàn cảnh khó khăn, có thân nhân qua đời hoặc ốm đau bệnh tật, ông đến tận nơi ân cần thăm hỏi động viên. Hàng xóm, láng giềng khúc mắc, ông đều kiên trì vận động, giải thích, giảng hòa. Những đợt vận động quyên góp ủng hộ cho người nghèo, người cô đơn không nơi nương tựa hay ủng hộ các đối tượng chính sách… bao giờ ông cũng là một trong những người tình nguyện đi đầu.
Khi được hỏi về ông Thuận, cô Phạm Thị Thoa, người dân trong tổ nhận xét: Ông Thuận là tấm gương sáng để bà con noi theo. Trong cuộc sống, ông rất mẫu mực, nhiệt tình, trách nhiệm. Hiện nay, 5 người con của ông đều là giáo viên đang công tác ở các trường phổ thông trung học, cao đẳng, đại học trên địa bàn tỉnh. Gia đình ông sống giản dị, gần gũi đúng bản chất của nhà giáo.