Chăm sóc sức khỏe tâm thần cần được quan tâm đúng mức

07:45, 13/12/2017

Theo ước tính của ngành Y tế, nước ta có trên 14% dân số mắc một hoặc nhiều bệnh trong hơn 300 bệnh liên quan đến sức khỏe tâm thần, rối nhiễu tâm trí. Trong khi bệnh nhân tâm thần mãn tính được hỗ trợ đầy đủ về mặt y tế và xã hội thì đa số những người có sức khỏe tâm thần, rối nhiễu tâm trí còn lại trong cộng đồng chưa thực sự được hỗ trợ đúng mức.

Thực trạng này cho thấy cần có những giải pháp cụ thể tới sức khỏe tâm thần thì mới có thể đạt được mục tiêu đến năm 2020, 90% số người bị rối nhiễu tâm trí có nguy cơ cao bị tâm thần, người tâm thần được tư vấn, trị liệu tâm lý và sử dụng các dịch vụ công tác xã hội khác theo Quyết định 1215/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Kỳ 1: Thành công trong hỗ trợ bệnh nhân tâm thần mãn tính

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có gần 5,2 nghìn bệnh nhân tâm thần mãn tính có danh sách quản lý của cơ quan y tế hoặc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội. Nhóm những bệnh nhân này đã và đang được quản lý, chăm sóc và hỗ trợ điều trị hiệu quả từ các ngành, các cấp và các cơ quan chuyên môn của tỉnh.

Chăm sóc dựa vào cộng đồng

Trạm Tâm thần tỉnh Thái Nguyên là đơn vị được giao nhiệm vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người dân trên địa bàn. Với nhiệm vụ này, ngoài vai trò là cầu nối về y tế cho người bệnh, nhân viên của Trạm cũng giữ vai trò như những nhân viên công tác xã hội qua việc thường xuyên giữ mối liên hệ với cơ sở để hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân tâm thần. Đồng thời, phối hợp với y tế tuyến cơ sở hướng dẫn người có sức khỏe tâm thần tiếp cận các dịch vụ tư vấn, trị liệu tâm lý và sử dụng các dịch vụ công tác xã hội khác.

Trao đổi với chúng tôi, Bác sĩ Nguyễn Văn Thịnh, Phó Trạm trưởng Trạm Tâm thần tỉnh cho biết: Để làm tốt nhiệm vụ được giao, chúng tôi đã phối hợp với 181 trạm y tế trên toàn tỉnh triển khai mô hình chăm sóc sức khỏe tâm thần dựa vào cộng đồng. Qua đó, quản lý tốt số bệnh nhân hiện có đồng thời phát hiện, chăm sóc số bệnh nhân mới chưa được đưa vào quản lý. Trong hoạt động phối hợp, Trạm thường xuyên mở các lớp đào tạo, tập huấn kiến thức tâm thần và chương trình tâm thần cộng đồng cho các trạm y tế phường, xã. Thường xuyên tổ chức hoạt động giáo dục truyền thông về sức khỏe tâm thần, tránh phân biệt đối xử và miệt thị người bệnh ngay tại cộng đồng. Thông qua đó, chúng tôi đã tổ chức lồng ghép hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần vào các chương trình mục tiêu quốc gia.

Theo chân Y sĩ Hoàng Văn Nam, cán bộ chỉ đạo tuyến của Trạm Tâm thần tỉnh, chúng tôi đến xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ) - một trong những xã có lượng bệnh nhân tâm thần mãn tính nhiều nhất trên địa bàn. Y sĩ Hoàng Trung Thông, Phó Trạm trưởng Trạm Y tế Hóa Thượng cho biết: Trạm hiện đang quản lý, cấp phát thuốc cho 40 bệnh nhân tâm thần mãn tính, trong đó có 25 bệnh nhân tâm thần phân liệt và 15 bệnh nhân mắc bệnh động kinh. Để hỗ trợ tốt nhất cho các bệnh nhân, chúng tôi giao một bác sĩ chuyên trách phối hợp với cán bộ y tế của Trạm Tâm thần tỉnh theo dõi, quản lý và hỗ trợ bệnh nhân điều trị đồng thời giao nhiệm vụ cụ thể cho các y tế thôn bản hỗ trợ thường xuyên, tư vấn tâm lý, tư vấn hướng xử lý những vấn đề phát sinh của bệnh nhân, giúp họ hòa nhập tốt hơn trong cộng đồng. Chính vì vậy, dù có số bệnh nhân đông nhưng kết quả điều trị thường xuyên cho các bệnh nhân đều đạt kết quả cao qua các năm, bệnh nhân không bị tái phát trong thời gian dài.

Mắc bệnh tâm thần phân liệt gần 20 năm, chị Đào Thị Huệ, 40 tuổi ở xóm Luông, xã Hóa Thượng được điều trị thường xuyên và đặc biệt là được tư vấn tâm lý kịp thời từ cán bộ y tế xã, y tế thôn bản và ngay từ những người thân nên chị thường xuyên giữ được sức khỏe ổn định. Chị đủ sức khỏe để tham gia các hoạt động ở cộng đồng và làm gia công hàng mã cùng gia đình để có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống. Trao đổi với chúng tôi, bà Hoàng Thị Chiến, 68 tuổi, mẹ đẻ chị Huệ cho biết: Lúc đầu, kiến thức về bệnh tâm thần không có nên gia đình tôi rất khó khăn trong hỗ trợ con gái điều trị. Nhờ có sự giúp đỡ của y tế thôn bản, trạm y tế nên con gái tôi được tiếp cận đầy đủ với dịch vụ y tế, cả gia đình tôi cũng đã được hướng dẫn các hoạt động hỗ trợ điều trị bệnh nên con tôi không còn bị tái phát bệnh, không còn hoang tưởng, mất ngủ nữa.

Theo sát từ những năm đầu chị Huệ mắc bệnh, chị Sái Thị Hồng, y tế thôn bản xóm Luông cho biết: Trên địa bàn xóm có hai bệnh nhân tâm thần phân liệt, tôi luôn dành thời gian theo dõi, động viên bệnh nhân điều trị, động viên gia đình hỗ trợ bệnh nhân. Tôi cũng vui vì lâu nay, cả hai bệnh nhân trong xóm đều có sức khỏe ổn định, không tái phát bệnh.

Theo y sĩ Hoàng Văn Nam, Hóa Thượng là một trong những xã tiêu biểu trong tỉnh thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe dựa vào cộng đồng. Nhờ có mô hình này mà gần 5 nghìn người bị tâm thần phân liệt, động kinh và gần 200 bệnh nhân có sức khỏe tâm thần trên toàn tỉnh đã được điều trị, hỗ trợ ngay tại cộng đồng. Cùng với hoạt động chăm sóc sức khỏe tâm thần dựa vào cộng đồng, sự kỳ thị của người dân đối với bệnh nhân, gia đình bệnh nhân ngày một giảm bớt. Từ chương trình này, riêng năm 2017, đã có trên 150 bệnh nhân điều trị, hòa nhập cộng đồng tốt được đưa ra khỏi danh sách quản lý thường xuyên về y tế, xã hội. Điều này góp phần rất lớn trong việc giảm đau khổ về tinh thần và vất vả trong điều trị cho cả bệnh nhân và gia đình họ.

Góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội

Không giống như mô hình chăm sóc dựa vào cộng đồng, Trung tâm Điều dưỡng và Phục hồi chức năng tâm thần kinh (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) hiện quản lý, chăm sóc, điều trị và phục hồi chức năng tâm thần kinh cho các bệnh nhân tâm thần phân liệt mãn tính nặng, đặc biệt nặng hoặc những bệnh nhân tâm thần phân liệt không có khả năng kiểm soát bệnh tại cộng đồng.

Cán bộ Trung tâm Điều dưỡng và Phục hồi chức năng tâm thần kinh Thái Nguyên đang chăm sóc bệnh nhân tâm thần phân liệt nặng, chưa tự lo được việc vệ sinh của bản thân.

Đây là cơ sở bảo trợ xã hội công lập mang tính từ thiện, tính nhân văn sâu sắc bởi từ khi thành lập năm 1990 đến nay, Trung tâm đã góp phần giải quyết được rất nhiều vấn đề nguy hiểm cho cộng đồng xã hội, hạn chế tối đa tình trạng những người bệnh tâm thần đi lang thang, tái cơn kích động, đập phá đồ đạc, nhà cửa, thậm chí đánh, đập, gây nguy hiểm cho người dân trong cộng đồng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đức Hiếu, Giám đốc Trung tâm cho biết: Trung tâm được giao kế hoạch điều trị 220 giường bệnh và thường xuyên thực hiện đạt hoặc vượt chỉ tiêu này. Riêng năm 2017, Trung tâm tiếp nhận, điều trị, chăm sóc và phục hồi chức năng cho 220 bệnh nhân trong đó có gần 200 bệnh nhân có quyết định đi điều trị tập trung theo quy định. Theo ông Hiếu, bệnh nhân khi mới đến trung tâm hầu hết trong tình trạng phát bệnh, tái cơn kích động gây nguy hiểm cho cán bộ trực tiếp tiếp nhận, điều trị. Căn cứ thực tế, trung tâm điều trị cho bệnh nhân theo liệu trình, hình thức, biện pháp phù hợp đồng thời thực hiện thăm khám, theo dõi hàng ngày để điều chỉnh liệu trình phù hợp. Chúng tôi cũng thực hiện song song kết hợp điều trị và phục hồi chức năng để tăng cường khả năng phục hồi, phục hồi sớm cho bệnh nhân. Chính vì vậy, hầu hết bệnh nhân tâm thần phân liệt nặng đều có tiến triển tốt, sau từ 20 đến 30 ngày điều trị, bệnh nhân đã ổn định sức khỏe, tự phục vụ nhu cầu cá nhân như: ăn uống, vệ sinh…

Không đơn thuần điều trị cho bệnh nhân, Trung tâm Điều dưỡng và phục hồi chức năng tâm thần kinh tỉnh còn tổ chức nhiều hoạt động lý dược, tâm lý trợ giúp bệnh nhân phục hồi. Trung tâm thành lập riêng phòng Nghiệp vụ Công tác xã hội làm nhiệm vụ giúp bệnh nhân cải thiện về thể chất, tinh thần thông qua các hoạt động tập thể. Hằng ngày, bệnh nhân được chia thành các nhóm từ 5 đến 10 người tham gia các hoạt động như: nghe nhạc, tập hát, làm phép toán đơn giản, viết thư, vẽ tranh, chia sẻ cảm nhận… Anh Bùi Thanh Hà, Trưởng phòng Nghiệp vụ Công tác xã hội cho biết: Thông qua những hoạt động này, chúng tôi tạo không khí cởi mở, hòa nhập cho bệnh nhân, qua đó giúp bệnh nhân hồi phục những hoạt động đơn giản như chăm sóc bản thân, giải trí, giải tỏa tâm lý… từ đó trang bị lại cho họ một số kỹ năng đơn giản để tái hòa nhập cộng đồng.

Với những giải pháp trên, Trung tâm đã điều trị thành công, đưa về tái hòa nhập cộng đồng hàng trăm lượt bệnh nhân. Trung bình, mỗi năm Trung tâm tiếp nhận trên 50 bệnh nhân đến điều trị, đồng thời cũng đưa khoảng trên 50 bệnh nhân điều trị ổn định tái hòa nhập cộng đồng. Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Văn Mão, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đánh giá cao những thành công của Trung tâm Điều dưỡng và Phục hồi chức năng tâm thần kinh trong việc điều trị hiệu quả cho bệnh nhân tâm thần. Qua đó góp phần tích cực bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.

Theo ước tính của ngành Y tế, có khoảng 14% tỷ lệ dân số cả nước có sức khỏe tâm thần, rối nhiễu tâm trí. Theo tỷ lệ này, toàn tỉnh có tới trên 150 nghìn người có sức khỏe tâm thần, rối nhiễu tâm trí. Trừ lượng bệnh nhân mãn tính được hỗ trợ thường xuyên, toàn tỉnh còn tới trên 140 nghìn người không trong diện quản lý và phần đa trong số họ tự giấu bệnh hoặc không biết về tình trạng bệnh của mình. Đây là nhóm người tiềm ẩn nguy cơ chuyển thành tâm thần mãn tính nếu không được can thiệp, tư vấn hoặc hỗ trợ điều trị kịp thời.