Khi mảnh trăng còn treo trên đỉnh ngọn cây, đó chính là lúc đoàn quy tập hài cốt liệt sĩ của Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh bắt đầu công việc tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ. Những ánh trăng xuyên qua kẽ lá cũng đủ làm sáng bừng những gương mặt cán bộ, chiến sĩ của đoàn công tác; tiếng cuốc, xẻng, xà beng, những lời trao đổi của những người đồng chí, đồng đội đã phá tan đi sự lạnh lẽo trong đêm tối.
Trước phần mộ đang được khai quật, ông Từ Văn Minh, xóm Gốc Nhãn, xã Linh Sơn, T.P Thái Nguyên cho biết: Từ trước năm 1950, bố tôi có chôn cất một liệt sĩ hy sinh tại gia đình. Liệt sĩ quê ở Thanh Hóa, không biết tên, chỉ biết bị cụt một chân và người thì cao lớn. Với những thông tin từ gia đình ông Minh, đoàn quy tập đã dùng các biện pháp nghiệp vụ để bóc từng lớp đất trên phần mộ. Sau nhiều lớp đất đá đã tìm thấy hài cốt; tuy không còn nguyên vẹn nhưng đoàn công tác đã cất bốc được một phần mảnh xương sọ, hàng chục chiếc răng, đặc biệt là đôi chân chỉ còn duy nhất một gióng xương ống bên trái. Điều này trùng với thông tin của người cung cấp. Vui hơn cả có lẽ là bà Trần Thị Thắng, con liệt sĩ Trần Văn Viên, hy sinh trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Sau gần 70 năm tìm kiếm, bà chỉ biết cha mình hy sinh và được chôn cất ở xóm Gốc Nhãn. Nhận được thông tin của Bộ CHQS tỉnh, bà cùng gia đình đã có mặt trong buổi quy tập, chứng kiến xin lấy mẫu phẩm để xét nghiệm AND; đây là cơ sở khoa học để xác định chính xác danh tính của liệt sĩ và bà Thắng đang có cơ hội tìm được người cha thân yêu sau bao năm vất vả kiếm tìm.
Việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ hiện nay đã và đang gặp rất nhiều khó khăn. Do việc chôn cất liệt sĩ trong những năm chiến tranh rất vội vã, địa hình thay đổi, những cựu chiến binh hoặc người dân thực hiện trọng trách ấy nay vì hầu hết đã qua đời, những dấu tích để xác minh không rõ ràng do đã bị mục nát hoặc hoen gỉ. Theo ông Vũ Văn Mão, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, Phó Ban chỉ đạo Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo của tỉnh (gọi tắt là Đề án 1237) cho biết: Căn cứ vào các quy định, hướng dẫn của Đề án, Ban chỉ đạo 1237 của tỉnh đã tiếp nhận, xác nhận thông tin khách quan, tỉ mỉ, đúng nguyên tắc và đẩy nhanh tiến độ tìm kiếm, cất bốc khi đủ căn cứ. Trong công tác lập hồ sơ, danh sách liệt sĩ, Sở đã phối hợp với Bộ CHQS tỉnh tổng hợp, lập danh sách các liệt sĩ là con em của Thái Nguyên đã từng tham gia chiến đấu trong các thời kỳ. Đồng thời, phối hợp với Hội Cựu chiến binh tỉnh phát hành các phiếu điều tra, phiếu cung cấp thông tin về nơi chôn cất liệt sĩ trong chiến tranh chưa được tìm kiếm, quy tập. Từ năm 2013 đến nay, toàn tỉnh đã tiếp nhận và cung cấp thông tin 683 trường hợp, quy tập được 8 hài cốt liệt sĩ để đưa vào an táng tại nghĩa trang liệt sĩ của địa phương.
Đối với những phần mộ liệt sĩ còn nằm rải rác ở vùng sâu, vùng xa, dấu vết bị mất do thời gian nên khó xác định để tìm kiếm, quy tập. Có những trường hợp xác định được mộ nhưng khi tiến hành khai quật không có hài cốt hoặc di vật. Nguồn thông tin mộ liệt sĩ cơ quan chức năng nắm được chủ yếu dựa vào các ban liên lạc cựu chiến binh, cán bộ hưu trí và nhân dân cung cấp nên rất khó khăn trong việc xác định. Vì vậy, trong thời gian tới, Bộ CHQS tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường tuyên truyền công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, thành lập trang thông tin điện tử, giúp nhân dân thuận tiện trong công tác tìm kiếm, cung cấp thông tin liệt sĩ trên địa bàn.
Chiến tranh đã lùi xa nhưng vẫn còn nhiều gia đình liệt sĩ chưa tìm được hài cốt người thân. Điều đó càng thôi thúc những người đang sống trong hòa bình tiếp tục hành trình tìm kiếm, đưa các anh về với quê hương. Đó chính là tình cảm, sự tri ân đối với những cống hiến, hy sinh to lớn của thế hệ cha anh cho hòa bình, độc lập, tự do hôm nay.