Đại Từ là huyện miền núi có hơn 17 vạn người, trong đó người dân tộc thiểu số chiếm trên 25% là. Đời sống nhân dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, trình độ dân trí chưa đồng đều giữa các địa phương nên nhiều người dân còn thiếu ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, sử dụng nhà tiêu chưa hợp vệ sinh... Những năm gần đây, huyện đã triển khai mô hình “Vệ sinh tổng thể do cộng đồng làm chủ” (Dự án Hỗ trợ phát triển giáo dục, y tế, vệ sinh môi trường) ở một số xã, thị trấn đã góp phần làm thay đổi rõ rệt nhận thức, hành vi của người dân.
Ông Vũ Hoài Nam, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đại Từ cho biết: Trong quá trình triển khai thực hiện mô hình, người dân ở các xóm tham gia được tập huấn về kỹ thuật xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh (NTHVS) giá rẻ theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Khi xây dựng các mẫu nhà tiêu có sự giám sát hỗ trợ của giảng viên và thợ xây có kinh nghiệm thực tế. Bên cạnh đó, Dự án cũng nhận được sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương, sự vào cuộc của cấp ủy chi bộ, ban liên tịch các xóm và sự nhiệt tình hưởng ứng của các hộ dân. Trong quá trình xây dựng mô hình, chúng tôi lấy trẻ em làm trung tâm của chương trình, khuyến khích sự tham gia của trẻ em, giảm thiểu nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe và đảm bảo sự an toàn cho trẻ em.
Tuy nhiên, chương trình cũng gặp phải một số khó khăn nhất định, như: một số hộ dân kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, nên khi triển khai còn vướng mắc; chưa thực sự nhận thức đầy đủ về vấn đề môi trường; kỹ năng tuyên truyền, vận động của một số cán bộ còn hạn chế. Một số xóm có số hộ chưa có NTHVS cao như xóm Kim Tào (Phú Thịnh) 29/34 hộ chưa có NTHVS; xóm Na Khâm (Phúc Lương) 55/72 hộ chưa có NTHVS...
Trước thực trạng trên, từ năm 2013, các buổi kích hoạt “Vệ sinh tổng thể do cộng đồng làm chủ” bắt đầu được thực hiện tại các xã Quân Chu, Phú Thịnh, Phúc Lương, thị trấn Quân Chu... Các xóm tham gia mô hình đã tổ chức họp nhóm hộ gia đình. Mỗi kỳ sinh hoạt đều có chủ đề, nội dung sinh hoạt cụ thể. Các thành viên tham gia sinh hoạt được trao đổi, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm liên quan đến sức khoẻ, vệ sinh môi trường, gia đình... Qua đó, đã giúp các hộ gia đình, cộng đồng nhận thức được được việc nhất thiết phải có và sử dụng NTHVS. Đến nay, tất cả các xóm triển khai mô hình “Vệ sinh tổng thể do cộng đồng làm chủ” đã đạt từ hơn 80% đến 100% số gia đình có NTHVS. Ví dụ tại thị trấn Quân Chu, trước khi thực hiện dự án, chỉ có 418/1.009 hộ có NTHVS (chiếm 41,12%); 127 hộ chưa từng có nhà tiêu, thì đến nay, 13/13 xóm đã triển khai thực hiện tốt mô hình, xã trở thành đơn vị đầu tiên của tỉnh đạt danh hiệu “Cộng đồng 100% có và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh”. 100% số hộ ở các xóm Kim Tào (Phú Thịnh), Na Khâm (Phúc Lương) đều đã xây dựng và sử dụng NTHVS.
Mô hình “Vệ sinh tổng thể do cộng đồng làm chủ” góp vai trò quan trọng trong việc thay đổi nhận thức và hành vi vệ sinh của người dân không chỉ ở những xã, thị trấn có Dự án mà còn có sức lan tỏa ssang các xã, thị trấn lân cận như Hùng Sơn, Hà Thượng, Mỹ Yên...; góp phần phòng, chống dịch bệnh, nhất là vào những thời điểm giao mùa, khi các bệnh truyền nhiễm như tiêu chảy, bệnh tay chân miệng, bệnh giun sán, H1N1, H5N1 đang có diễn biến phức tạp và chiều hướng gia tăng...