Vệ sinh môi trường được xác định là một trong những tiêu chí khó trong xây dựng nông thôn mới đối với nhiều xã trên địa bàn tỉnh. Với quyết tâm hoàn thành và giữ vững tiêu chí này, các cấp, ngành của tỉnh đã và đang huy động nhiều nguồn lực, trong đó phải kể đến sự hỗ trợ vốn vay của ngân hàng thế giới với Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” đang được triển khai tại 6 huyện, thị.
Gia đình chị Trần Thị Loan thuộc hộ nghèo của xóm Văn Giang, xã Phú Lạc (Đại Từ). Cũng như nhiều hộ nghèo và cận nghèo khác của xã, gia đình chị không chú ý đến các công trình vệ sinh riêng. Nhà tắm, nhà tiêu chỉ được làm tạm bợ, chưa đảm bảo các yếu tố về vệ sinh môi trường, ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt. Năm 2017, gia đình chị được nhận sự hỗ trợ của Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” do Ngân hàng thế giới tài trợ để xây dựng nhà tiêu đảm bảo vệ sinh. Chị Loan nói: “Được hỗ trợ cho hơn một triệu làm nhà tiêu, bà con làng xóm lại giúp công xây dựng nên gia đình tôi giờ đã có nhà vệ sinh, nhà tắm riêng, không lo ô nhiễm môi trường”.
Phú Lạc là một xã thuần nông, đời sống của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nên kinh tế còn nhiều khó khăn. Đặc biệt, lối sống, tập quán của họ đã phần nào đã ảnh hưởng đến công tác phòng dịch bệnh, gây ô nhiễm môi trường. Do vậy, việc triển khai chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” trên địa bàn xã chính là đòn bẩy giúp địa phương thực hiện tiêu chí về vệ sinh môi trường. Theo số liệu điều tra năm 2016, tỷ lệ hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh của toàn xã chỉ đạt 36%. Trước thực trạng đó, xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân xây dựng môi trường xanh, sạch đẹp, làm nhà tiêu hợp vệ sinh theo tiêu chí mới. Đặc biệt, 438 hộ thuộc diện nghèo, cận nghèo và chính sách được nhận hỗ trợ một phần kinh phí của chương trình nói trên để xây dựng nhà tiêu mới. Đến nay, 295 gia đình đã hoàn thành xây mới và đưa vào sử dụng có hiệu quả.
Bên cạnh đó, nhờ triển khai sâu rộng các hoạt động tuyên truyền về lợi ích của việc xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, 284 hộ không thuộc diện hỗ trợ cũng tự nguyện xây nhà tiêu mới hoặc sửa chữa nhà tiêu đã xuống cấp. Nhờ đó, năm 2017, tỷ lệ hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh của toàn xã đã tăng lên 70,3%. Ông Nguyễn Kiên Cường, Chủ tịch UBND xã Phú Lạc cho biết: “Từ nay đến hết quý I/2018, tất cả các hộ nghèo, cận nghèo thuộc diện hỗ trợ của dự án sẽ hoàn thiện xây mới nhà tiêu hợp vệ sinh. Ngoài ra, UBND xã sẽ huy động nhiều nguồn lực nhằm tăng tỷ lệ hộ sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh lên 80%. Đây là một trong những tiêu chí khó nhưng chính quyền địa phương sẽ quyết tâm thực hiện, góp phần đưa xã về đích nông thôn mới vào năm 2019”.
Giống như Phú Lạc, xã Khe Mo của huyện Đồng Hỷ cũng triển khai chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” và có 231 hộ được hỗ trợ xây nhà tiêu mới. Để thực hiện kế hoạch về đích nông thôn mới vào cuối năm 2017, xã Khe Mo tập trung thay đổi nhận thức người dân trong thực hiện vệ sinh môi trường nông thôn, nhiều gia đình đã xây dựng công trình nước sạch, nhà tắm, nhà vệ sinh phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên, là địa bàn nông thôn nên người dân vẫn chưa ý thức cao trong bảo vệ môi trường, đặc biệt là sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh. Năm 2016, xã có trên 80% hộ sử dụng nước sạch, trong đó hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh chỉ đạt 52%. Để đạt tỷ lệ 80% số gia đình có công trình vệ sinh đạt chuẩn, cùng với sự hỗ trợ của chương trình, các ban ngành, đoàn thể xã đã tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân. Bác sĩ Hoàng Thị Mai Hương, Trưởng trạm Y tế xã Khe Mo cho biết: “Thực tế đáng mừng là do làm tốt công tác truyền thông nên người dân hiểu rõ lợi ích của việc đảm bảo vệ sinh môi trường sống. Nhiều người không trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước mà tự bỏ kinh phí để xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh”.
Thái Nguyên là một trong 21 tỉnh thành trên cả nước triển khai Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả đầu ra giai đoạn 2016 - 2020”, dưới sự tài trợ vốn vay của Ngân hàng Thế giới. Với mục tiêu cải thiện hành vi vệ sinh cá nhân, môi trường, tăng cường tiếp cận bền vững nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh trên địa bàn can thiệp, chương trình đã triển khai tại 35 xã nông thôn thuộc 6 huyện, thành, thị là: Định Hóa, Phú Lương, Đại Từ, Đồng Hỷ, Phổ Yên và Võ Nhai. Theo đó, trên 5 nghìn hộ gia đình nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách chưa có nhà tiêu hợp vệ sinh sẽ được hỗ trợ một phần kinh phí để xây dựng nhà tiêu mới, xây mới hoặc cải tạo 48 công trình nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh tại các trạm y tế. Ngoài ra, chương trình còn tổ chức đào tạo nâng cao năng lực quản lý, sử dụng nguồn nước, tăng cường các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, rửa tay bằng xà phòng và sử dụng nước sạch. Nhờ đó đã góp phần nâng cao tỷ lệ hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh, cải thiện môi trường sống của nhân dân, giảm tỷ lệ người mắc các bệnh liên quan đến môi trường không hợp vệ sinh.