Kiểm soát dịch bệnh tay – chân – miệng

10:58, 07/12/2017

Trong hơn 1 tháng trở lại đây, số ca bệnh tay - chân - miệng đang có dấu hiệu tăng nhanh. Mặc dù chưa phát sinh ổ dịch lớn nhưng hiện đang là thời điểm dịch bệnh dễ lan rộng. Vì vậy, công tác kiểm soát dịch bệnh Tay chân miệng cần được tăng cường.

Dấu hiệu nhận biết bệnh tay - chân - miệng:

-  Sốt, đau họng,

- Tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông.

Bệnh tay - chân - miệng có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nên cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời.

Ông Nguyễn Văn Trường, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thông tin: Tính đến hết tháng 11-2017, toàn tỉnh ghi nhận 182 ca mắc  bệnh tay - chân - miệng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2016 (158 ca). Đa phần bệnh nhân chỉ phát ban, có nốt phỏng rải rác, thường gặp nhất là loét miệng kèm sốt nhẹ. Hiện chưa có ca biến chứng nặng, không có tử vong do bệnh. Năm nay, các ca mắc bệnh xuất hiện rải rác tại cộng đồng, không có ổ dịch lớn. Lứa tuổi mắc chủ yếu là được phát hiện ở nhóm trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, đặc biệt gặp nhiều nhất ở trẻ từ 1-3 tuổi. Nhiều trường hợp trong số đó chưa đi nhà trẻ (chiếm tỷ lệ trên 50%). Bên cạnh các ca bệnh đã được thống kê, còn nhiều trường hợp mắc bệnh nhẹ, không đi nhà trẻ, không đến cơ sở y tế khám chưa thống kê được tại cộng đồng. Tại các địa phương chưa có báo cáo về các trường hợp mắc ở người lớn mắc tay – chân – miệng (tỷ lệ này trong những năm trước đây khoảng 5-7%).

Để phòng chống dịch bệnh tay - chân - miệng, ngay từ đầu năm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã chỉ đạo các đơn vị dự phòng tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, trong đó có bệnh tay chân miệng. Riêng Khoa  Kiểm soát bệnh truyền nhiễm và vắc xin sinh phẩm vẫn tiếp tục phối hợp cùng các đơn vị y tế, trường học trên địa bàn để giám sát; kịp thời phát hiện trường hợp mắc bệnh và những nơi xuất hiện nhiều ca bệnh; đồng thời hướng dẫn các gia đình biện pháp phòng, chống, xử lý ca bệnh, không để bùng phát thành dịch. Các Trung tâm y tế cấp huyên, Trạm y tế xã đã tăng cường giám sát dịch bệnh tại cơ sở để có hướng xử lý kịp thời, hiệu quả ngay từ các ca bệnh, ổ bệnh dịch đầu tiên. Hạn chế số ca mắc tại cộng đồng. Phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm do mắc bệnh.

Bên cạnh đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã phối hợp Sở Giáo dục – Đào tạo tổ chức tập huấn cho 100% cán bộ y tế tại các cơ sở giáo dục mầm non về phòng chống các bệnh truyền nhiễm thường gặp, đặc biệt lưu ý các bệnh tay – chân – miệng, Sởi/rubella... Quý IV-2017, Trung tâm đã phối hợp với Sở Giáo dục – Đào tạo , Phòng Giáo dục mầm non cấp huyện tổ chức Đoàn kiểm tra giám sát hoạt động phòng chống dịch bệnh tại các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh; đôn đốc, hướng dẫn các nhà trường thực hiện vệ sinh, phòng chống dịch bệnh; cung cấp hóa chất, vật tư phòng chống dịch cho một số trường mầm non có ca bệnh được phát hiện, đồng thời cử cán bộ y tê phối hợp để xử lý dịch kịp thời…. Cô Trần Thị Thiện, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tức Tranh (Phú Lương ) cho biết: Cuối tháng 10, chúng tôi đã ghi nhận một trẻ 4 tuổi mắc tay chân miệng. Để đảm bảo bệnh không lây lan thành dịch, ngoài công tác vệ sinh hàng ngày tại các phòng học, Nhà trường đã tiến hành lau rửa toàn bộ sàn nhà, bề mặt và ngâm rửa đồ chơi của trẻ bằng hóa chất khử khuẩn. Đồng thời, công tác tuyên truyền giáo dục cho giáo viên, cô nuôi dạy trẻ và người chăm sóc trẻ về tay - chân - miệng cùng đã được tăng cường. Đến nay, tại trường không ghi nhận thêm ca mắc tay chân miệng nào.

Tay chân miệng là bệnh nhiễm vi rút cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hoá, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn. Để phòng chống dịch bệnh tay - chân - miệng, các chuyên gia khuyến cáo: Hiện nay là chưa có vắc xin phòng ngừa tay - chân - miệng. Để phòng bệnh, người dân cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi và sau khi tiếp xúc với trẻ.

Thức ăn cho trẻ cần đảm bảo đủ chất dinh dưỡng; ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hằng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng. Hộ gia đình, nhà trẻ mẫu giáo, các hộ trông trẻ tại nhà cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hàng ngày, như: Đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, sàn nhà… bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường… Trẻ bị bệnh phải được cách ly ít nhất là 10 ngày kể từ khi khởi bệnh, không cho trẻ có biểu hiện bệnh đến lớp và chơi với các trẻ khác. Các nhà trẻ, mẫu giáo, hộ gia đình có trẻ dưới 6 tuổi cần chủ động theo dõi sức khoẻ của trẻ để kịp thời phát hiện bệnh, đưa ngay đến các cơ sở y tế để được điều trị, hướng dẫn chăm sóc trẻ kịp thời.