Làm giàu từ nguồn quỹ TYM

10:56, 18/12/2017

Người phụ nữ gây thiện cảm với tôi ngay từ cái nhìn đầu tiên có dáng người nhỏ nhắn, tác phong nhanh nhẹn, gương mặt ưa nhìn, nụ cười tươi tắn... 29 tuổi, chị Nguyễn Thị Thanh Phương ở xóm Trại, xã Kha Sơn (Phú Bình) cùng với chồng quản lý 3 cơ sở sản xuất viên nén mùn cưa, giải quyết việc làm thường xuyên cho 15 lao động với mức thu nhập từ 3,7- 6 triệu đồng/người/tháng. Chị vừa vinh dự đạt danh hiệu Khách hàng tài chính vi mô trẻ tiêu biểu nhất Việt Nam khi tham gia Chương trình Công nhận Khách hàng và Tổ chức Tài chính vi mô tiêu biểu Citi - Việt Nam.

Đây là một hoạt động thường niên toàn cầu do Quỹ Citi/ Ngân hàng Citi - Việt Nam tài trợ nhằm ghi nhận khách hàng và tổ chức Tài chính vi mô đã có những đóng góp xuất sắc cho sự phát triển hoạt động tài chính vi mô, hướng tới tài chính toàn diện tại Việt Nam, góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo. Chương trình này do Trung tâm Tư vấn nguồn lực Tài chính vi mô Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa (tiền thân là Nhóm Công tác Tài chính vi mô Việt Nam – VMFWG) tổ chức với sự hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Trò chuyện với chúng tôi, chị Phương không giấu niềm phấn khởi khi chuẩn bị về Thủ đô Hà Nội nhận giải thưởng, chị bảo: Tôi rất bất ngờ và cảm thấy vinh dự khi đạt được danh hiệu này. Thông qua Chương trình Công nhận Khách hàng và Tổ chức Tài chính vi mô tiêu biểu Citi - Việt Nam, tôi có thêm cơ hội khẳng định bản thân, gặp gỡ, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm của những cá nhân, tập thể tài chính vi mô khác để phát triển hơn nữa việc sản xuất, kinh doanh của gia đình mình, mong tạo thêm được nhiều việc làm cho người lao động ở địa phương. Tôi tiếp cận được chương trình này là nhờ tham gia vay vốn của Tổ chức Tài chính vi mô TNHH MTV Tình Thương Chi nhánh Sông Công (TYM). Ban đầu chỉ là một số vốn nhỏ (7 triệu đồng), nhưng đã giúp tôi vượt qua được những khó khăn ban đầu để gây dựng được các cơ sở sản xuất lớn như hôm nay.

Từ năm 2012 đến nay, chị Phương đã 10 lần vay vốn của TYM với lần vay ít nhất là 7 triệu đồng và vay nhiều nhất là 30 triệu đồng mà không cần tài sản thế chấp. Nhờ vốn vay của TYM, vợ chồng chị Phương đã có thể mua nguyên liệu sản xuất và trả thù lao cho công nhân. Chị Phương giải thích rằng, số tiền tuy không lớn so với việc đầu tư xây dựng nhà xưởng, dây chuyền sản xuất nhưng khi đã dồn hết vốn liếng cho những việc đó thì số tiền vay được của TYM như là một “cứu cánh”. Hơn nữa, thủ tục vay vốn của TYM lại đơn giản, nhanh gọn, trả lãi và gốc theo món nhỏ hằng tuần... rất phù hợp với mô hình sản xuất kinh doanh vừa và nhỏ của gia đình chị. Từ một cơ sở sản xuất viên nén mùn cưa nhỏ được xây dựng trên diện tích 120m2, sử dụng 3 tạ nguyên liệu mùn cưa/ngày, đến nay, vợ chồng chị Phương đã mở rộng thành 3 cơ sở sản xuất, tiêu thụ 5-6 tấn mùn cưa/ngày.

Chị Phương cho biết: Việc sản xuất viên nén mùn cưa vừa giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường tại các cơ sở chế biến gỗ và đồ mộc tại địa phương (trước kia, các cơ sở này thường đốt bỏ hoặc đổ trộm ra sông, suối...); vừa giúp các cơ sở này có thêm một khoản thu nhập khi phế liệu của họ đang không có chỗ “xử lý” lại được thu mua với giá 500.000-600.000 đồng/tấn. So với việc sử dụng chất đốt như than, thì việc sử dụng viên nén mùn cưa trong đun nấu giúp khách hàng giảm chi phí, tiện lợi và không gây ô nhiễm môi trường...  

Là thành viên của TYM, chị Phương không chỉ lo làm giàu cho riêng mình, chị còn giúp đỡ, tạo việc làm cho 4 thành viên khác với mức thu nhập ổn định. Chị  xứng đáng là nữ doanh nhân vi mô tiêu biểu, là tấm gương cho các thành viên khác của TYM học tập trong việc sử dụng đồng vốn vay hiệu quả, từng bước vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Từ cách làm của chị Phương cho chúng ta thấy, đồng vốn nhỏ, nhưng nếu có cách làm sáng tạo, sử dụng đúng mục đích sẽ cho hiệu qủa lớn. TYM hiểu được điều đó nên đã đưa đồng vốn đến với chị em nghèo bằng niềm tin.